Thời gian qua, việc sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm của tỉnh chưa gắn kết giữa sản xuất với giết mổ, chế biến; giá cả phụ thuộc nhiều vào thương lái dẫn đến hiệu quả chăn nuôi chưa cao.
Doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với cơ sở chăn nuôi gà trong tỉnh
Sáng 23.12, tại TP Chí Linh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức Tọa đàm “Kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà Hải Dương chất lượng cao năm 2020”.
Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm của tỉnh. Đó là chưa gắn kết sản xuất với giết mổ, chế biến; thường xuyên mất cân đối giữa cung và cầu, giá cả phụ thuộc nhiều vào thương lái. Hiệu quả chăn nuôi chưa cao do giá nguyên liệu đầu vào cao làm tăng chi phí đầu tư, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô rộng gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Trình độ quản lý trang trại chăn nuôi còn hạn chế. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất còn bất cập; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP chưa nhiều. Công tác dự báo thị trường hạn chế nên luôn bị động trong sản xuất. Thị trường tiêu thụ bấp bênh, qua nhiều khâu trung gian. Liên kết tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp và người dân chỉ tập trung đầu tư vào các công đoạn dễ thu lời là sản xuất thức ăn chăn nuôi, cung ứng thuốc thú y mà ít quan tâm tới việc xây dựng hạ tầng giết mổ…
Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững chăn nuôi gà, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần rà soát quy hoạch phát triển chăn nuôi, ưu tiên bố trí quỹ đất để hình thành vùng chăn nuôi chủ lực nhằm thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư. Quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, tiếp nhận công nghệ sản xuất giống chất lượng cao. Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Xây dựng các mô hình điểm chăn nuôi theo chuỗi liên kết để giảm bớt các khâu trung gian, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Gắn chăn nuôi, tiêu thụ với quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm…
Trong buổi tọa đàm, một số doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ gia cầm đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các cơ sở sản xuất, chăn nuôi gà thương thẩm trên địa bàn tỉnh.
Hiện Hải Dương có 12 triệu con gà, chiếm 81% tổng đàn gia cầm của tỉnh; 406 trang trại chăn nuôi gà có quy mô từ 3.000 con trở lên. 15 trang trại được cấp chứng nhận VietGAHP và 25 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh.
DŨNG CƯỜNG