Bạn đồng hành của con

28/06/2023 16:00

Đứng trước những lựa chọn "khác số đông" của con, nếu phụ huynh đủ thấu hiểu và nhẫn nại thì hoàn toàn có thể là bạn đồng hành đáng tin cậy, là chỗ dựa vững chắc giúp trẻ bước tiếp.

Mỗi mùa tuyển sinh đến, không chỉ các "sĩ tử" mà cả phụ huynh cũng vô cùng lo lắng trước ngưỡng cửa vào đời của con. Đặc biệt, khi trẻ có những lựa chọn nhiều thử thách thì càng cần sự quan tâm, ủng hộ của gia đình.

Tôn trọng sự khác biệt thế hệ

"Chọn ngành nghề nào đâu phải chuyện đùa, nhỡ chọn sai lại khổ. Khi con trai út bảo rằng muốn chọn học ngành truyền thông đa phương tiện, tôi không đồng ý vì nghĩ đây là ngành học cạnh tranh cao, khó theo được lâu dài" - ông Nguyễn Văn Minh (ngụ Quảng Ngãi) nhớ lại.

Nguyễn Văn Vinh, con trai ông Minh, lúc ấy từng có những cuộc tranh luận "nảy lửa" với cha mẹ khi lựa chọn nguyện vọng. Vì vâng lời cha mẹ, Vinh đành theo học ngành Hệ thống thông tin quản lý trong một trường đại học lớn tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng sau nửa năm, Vinh không tìm thấy sự đồng điệu với ngành này nên đã thưa chuyện với cha mẹ và quyết định ôn thi lại vào ngành học mà mình yêu thích.

Ông Minh cứ ngỡ con đồng ý theo học như vậy thì đâu đã vào đấy. Thế nhưng, khi nghe Vinh tâm sự về khoảng thời gian khó khăn khi theo học ngành mà bản thân không thích, ông hiểu ra phải động viên con làm lại từ đầu. Vinh về quê, họ hàng lẫn hàng xóm có nhiều lời nói ra nói vào.

Ông Minh tâm tình: "Dạo đó, có lúc hai cha con bất đồng quan điểm. Tôi giận con dừng việc học nhưng nghĩ đến cảnh Vinh vừa chịu áp lực khi quay lại vạch xuất phát vừa nghe lời chỉ trích của người khác, tôi tự nhủ mình phải nhẫn nại và hiểu con hơn".

Bạn đồng hành của con - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Tâm Hoa (thứ hai, từ trái sang) luôn muốn dạy con tự do trải nghiệm và phát triển

Với bà Nguyễn Thị Tâm Hoa (ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), điều bà ưu tiên hàng đầu là làm sao để các con không cảm thấy xa cách với cha mẹ. Bà Hoa tâm niệm: "Thay vì bắt buộc con phải làm theo ý mình, tôi trở thành một người bạn ở cạnh bên và luôn ủng hộ mọi quyết định của chúng". Nhờ có suy nghĩ như vậy, bà dễ dàng gắn kết, kịp thời có sự khích lệ con qua từng bước ngoặt.Bùi Hồng Quý (sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM, con gái bà Hoa) từng trải qua những giai đoạn đầy ưu tư khi thay đổi ngành học nhiều lần: từ kế toán, sang quản trị du lịch - khách sạn rồi đến quan hệ công chúng. Khác với nhiều phụ huynh cứ sốt ruột, lo lắng vì sự "nhảy qua nhảy lại" của con, bà Hoa vẫn nhẫn nại lắng nghe, đồng hành đến khi Quý thật sự tìm thấy một lĩnh vực phù hợp khả năng, sở trường và đam mê của cô.

Để con làm chủ cuộc đời chính mình

Bùi Hồng Quý kể có giai đoạn, cô nộp đơn xin bảo lưu việc học để đi kinh doanh quần áo. Quyết định của Quý khiến không ít người quen biết khó hiểu, cho rằng cô phí phạm thời gian, công sức và tuổi trẻ, tự đánh mất sự ổn định vốn có khi đã là một sinh viên đại học với lộ trình phổ biến suốt 4 năm: chăm học, chăm làm thêm, ra trường đúng hạn.

Nhưng bà Hoa thì không phản đối mà âm thầm dõi theo, để con trải nghiệm, rút ra những bài học sâu sắc và trưởng thành hơn mỗi ngày. Bà bộc bạch: "Tôi không hối tiếc khi để con tự chịu trách nhiệm với chính lựa chọn của bản thân, quá trình tự mày mò và va chạm với đời sống đa sắc màu. Con tôi thật sự đã dần dần tìm được hướng đi cho riêng mình".

Sau thời gian ôn luyện cật lực, con trai ông Nguyễn Văn Minh cũng đã trúng tuyển vào ngành học mơ ước ở Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Chàng trai hòa nhập môi trường mới một cách nhanh chóng như "cá gặp nước", tận hưởng từng giờ học hào hứng và ngày càng trở nên tự tin, năng động.

Ông Minh cho rằng nhiều phụ huynh mang tâm lý con cái sẽ thay họ chạm đến những ước mơ chưa làm được hoặc có những quan điểm cứng nhắc trong việc lập thân lập nghiệp... Thế giới ngày càng phẳng, người trẻ luôn có góc nhìn đa dạng, tiếp cận với nhiều nguồn thông tin hơn thế hệ trước. Họ sẵn sàng dấn thân vào những điều mới mẻ, vượt ra khỏi vòng tròn an toàn hay sự kỳ vọng của gia đình.

Ông Minh thừa nhận mình cũng từng bảo thủ trong việc chọn ngành cho con. Cuối cùng, ông nhận ra dù luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con nhưng không nhất thiết phải can thiệp quá mức vào cuộc đời của trẻ.

"Đồng ý rằng cha mẹ phải có trách nhiệm, quan tâm đến con nhưng cũng chỉ nên ở mức độ đưa lời khuyên và ủng hộ, chứ không phải ép con lựa chọn theo ý mình. Nghề nghiệp được xem là một phần quan trọng của cả đời người, mà cuộc đời của con thì không thể cứ nương theo ý cha mẹ mãi được. Thật may mắn vì tôi đã có những thay đổi trong tư duy. Bây giờ, tôi đã nhận thấy vẻ hài lòng, hạnh phúc của con khi được sống đúng với điều mình mong muốn" - ông Minh bày tỏ.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạn đồng hành của con