Thấy vợ nhắc nhiều về chuyện đi nhậu say sưa, chồng chị Vân rút kinh nghiệm bằng việc… đưa bạn về nhà.
Ngày cưới nhau, chị Vân không biết chồng mình là người thích giao du như vậy. Hễ có bạn gọi là anh gác lại mọi việc để phóng xe đi. Anh coi trọng bạn bè hơn cả vợ con. Thế nên mới có chuyện vợ đang chuẩn bị đưa con đi tiêm, chồng lại cáo bận vì có bạn gọi.
Ban đầu chị Vân cũng tưởng chồng bận công chuyện làm ăn nên thông cảm. Nhưng nhiều lần anh về với hơi men nồng nặc, chị bắt đầu nghi ngờ.
Chị đọc tin nhắn trong điện thoại của anh và phát hiện chồng chẳng bận gì. Cái bận của anh chính là có anh bạn ở quê ra, mời mấy chén.
Lần 1, lần 2 chị có thể bỏ qua nhưng không quên nhắc nhở chồng về trách nhiệm với gia đình, con cái. Anh gật gù nhưng rồi lại đâu vào đấy. Có hôm chị ốm mệt, chỉ muốn chồng ở nhà đỡ đần chăm con nhưng sau cuộc điện thoại, anh lại tót đi.
Lý do anh đưa ra là có đối tác quan trọng mời đi ăn, không thể từ chối. Nếu anh không đi có thể sẽ mất cơ hội làm ăn lớn, hợp đồng không kí được. Chị lo cho anh nên cố gượng dậy chăm con, giục anh nhanh chóng đi. Tưởng chồng sẽ mang về hợp đồng lớn nhỏ, nào ngờ… thứ anh mang về là một chậu sản phẩm sau cơn say. Chị là người ốm mà phải chăm nom, dọn rửa.
Điều tra ra, chị mới hay, hôm đó là sinh nhật anh đồng nghiệp chứ không có hợp đồng làm ăn nào cả. Chị bực quá, cãi nhau ỏm tỏi.
Ngoài việc chồng ham vui, chị Vân còn cảm thấy anh không coi trọng gia đình, không quan tâm chị. Vợ ốm đau như vậy mà chồng vẫn ra ngoài nhậu nhẹt, không bận tâm. Vậy thực sự sức khỏe của vợ anh quan trọng hay bạn bè của anh hơn?
Trận cãi nhau ấy vô cùng căng thẳng. Chị đòi ly hôn nếu như anh vẫn tiếp tục tái diễn. Chị còn gọi điện về nói chuyện với bố mẹ chồng để ông bà không thể trách con dâu. Anh thấy chị làm căng nên sợ, hứa hẹn đủ kiểu.
Được 1 tháng, anh không đi đâu thật, chị Vân cũng thấy mừng trong lòng. Thế nhưng, sau tháng đó, anh bắt đầu gọi bạn bè tới nhà triền miên. Và bữa nào anh cũng gọi vợ về bắt chị làm món này, món nọ. Chị còng lưng trong bếp còn các anh tha hồ ở bên ngoài chè chén, nói xấu phụ nữ, chê bai vợ mình.
Đỉnh điểm là những vị khách của chồng liên tục mang chuyện vợ mình ở nhà lôi thôi, ăn mặc như bà già ra để nói. Các anh còn khen mấy cô em chân dài ở công ty. Những câu chuyện khiếm nhã khiến chị không thể chịu được. Ăn xong, họ đứng dậy ra về, chồng chị thì nằm bẹp trên giường, ú ớ cơn say.
Nhậu tại nhà nên anh tha hồ uống, chúc tụng. Chị vừa con thơ vừa lúi húi đi dọn tất cả đống đồ tàn dư.
Chuyện gia đình lại càng căng thẳng sau những cuộc tranh luận. Lần đó, anh rủ bạn về nhà với lý do: “Em cấm anh ra ngoài thì anh phải nhậu ở nhà cho em yên tâm”.
Sinh nhật bạn nhưng anh bắt chị làm đủ thứ, từ mua đồ đến nấu nướng. Bữa đó, khách đến đông đủ, chị bê ra mâm cơm chỉ có rau và đậu. Chồng chị điên tiết mắng mỏ chị trước mặt bạn. Chị Vân tỉnh bơ như không có chuyện gì. Khách khứa cũng lũ lượt ra về khi thấy vợ chồng chị cãi nhau to.
Từ hôm đó, chị không thấy anh nói về chuyện đưa khách đến nhà ăn. Anh cũng không dám ra ngoài nhậu. Chị đã quá chán cảnh bù khú của chồng. Nếu anh không thay đổi, chị chỉ còn nước ly thân.
Đàn ông có lẽ không hiểu được nỗi khổ và sự mệt mỏi của phụ nữ khi liên tục phải chứng kiến chồng say xỉn. Các anh càng không biết được việc vừa chăm con vừa bếp núc vất vả như thế nào. Việc bạn bè đến nhà lại còn ăn nói khiếm nhã, chê bai vợ mình, khen vợ người chính là một sự xúc phạm lớn.
Thiết nghĩ, nếu họ không biết tôn trọng vợ con thì chị cũng không cần phải tôn trọng họ. Vậy nên, chị mới ứng xử như vậy để chồng chị khỏi bị bạn bè kích động mà làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Còn sau này ra sao, tất cả là do chồng chị chọn.
Theo Vietnamnet