Góc nhìn

Bài học nào để sắp xếp bộ máy nhanh, gọn, hiệu quả?

NINH TUÂN 12/12/2024 05:13

Tỉnh Hải Dương từng đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý khi sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18.

00:00

Cả xã hội đang rất quan tâm tới việc đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. ''Cuộc cách mạng'' này đang được triển khai khẩn trương, quyết liệt với cách làm sáng tạo: Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng; Trung ương không đợi cấp tỉnh, cấp tỉnh không đợi huyện, cấp huyện không đợi cấp cơ sở; ''vừa chạy vừa xếp hàng''.

Làm sao để thực hiện nhanh nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả? Lật tìm một số bài học kinh nghiệm được đúc rút sẽ có những thông tin tham khảo bổ ích.

Tôi mới đọc một báo cáo năm 2022 của tỉnh sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cũng giống như nhiều báo cáo khác, sau khi nêu những kết quả, hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18, báo cáo chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và đúc rút 6 bài học kinh nghiệm.

Bài học kinh nghiệm đầu tiên được nhắc tới là: ''Cấp ủy các cấp cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đồng bộ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Trong đó, phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Trên cơ sở nghị quyết, kế hoạch và kết luận của Trung ương, cấp ủy các cấp cần chủ động cụ thể hóa thành những chương trình, nhiệm vụ cụ thể và tổ chức thực hiện''.

Có thể thấy bài học kinh nghiệm này cũng là những tư tưởng chỉ đạo đã được Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiều lần thời gian vừa qua. Chắn chắc việc tinh gọn bộ máy sẽ gặp một số khó khăn, thậm chí là lực cản vì liên quan tới tâm tư của cán bộ, đảng viên, lợi ích của một số tổ chức, cá nhân, song người đứng đầu Đảng đã khẳng định rằng ''muốn có một cơ thể khỏe mạnh thì phải chấp nhận uống thuốc đắng, thậm chí phải cắt bỏ khối u''. Sắp xếp tổ chức bộ máy là việc làm rất cấp bách, không thể chậm trễ hơn, nếu chậm trễ thì sẽ lỡ mất cơ hội để Việt Nam vươn mình bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng, hạnh phúc.

Do đó phải ráo riết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phá tan mọi khó khăn, lực cản, chớp thời cơ để tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thực sự tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, đủ trí tuệ, năng lực, khát vọng, đưa đất nước bứt phá thành công.

Làm được việc đó, vai trò của những người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cực kỳ quan trọng, giống như ''đầu tàu''. Người đứng đầu phải tiên phong, quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Không những thế, có những trường hợp phải dũng cảm, chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân, chấp nhận xuống chức, chuyển công tác, nghỉ hưu sớm... để việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy được thuận lợi, thành công.

Ngoài bài học nêu trên, báo cáo của tỉnh cũng nói tới bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức thực hiện. Đó là quá trình thực hiện phải công khai, dân chủ, minh bạch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Rõ ràng, tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy lần này rất khẩn trương. Do đó, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm thì mới kịp tiến độ và kịp thời điều chỉnh, thích ứng, hoàn thiện tổ chức cho phù hợp thực tế, bảo đảm các mục tiêu đề ra. Việc tinh gọn bộ máy sẽ liên quan tới tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Các khâu thực hiện phải công khai, dân chủ, minh bạch thì mới tạo được sự nhất trí cao, phát huy sức mạnh tập thể để cùng thực hiện nhiệm vụ chung.

Một bài học nữa là ''xây dựng các hướng dẫn cụ thể về quy trình sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ và thực hiện chính sách với cán bộ''. Nhiều vấn đề đang đặt ra hiện nay như quy trình sắp xếp từng ngành, cơ quan, đơn vị cụ thể ra sao? Nguyên tắc chọn cán bộ, công chức, viên chức được ở lại hệ thống? Ai phải tinh giản? Chọn người đứng đầu khi sáp nhập 2 sở, 2 phòng dựa vào đâu? Giải quyết số lượng cấp phó sở, phó trưởng phòng ra sao? Làm gì để sau sắp xếp thì bộ máy hoạt động hiệu quả, không bị chệch choạc? Chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư ra sao?...

Những vấn đề trên cần được các cơ quan chức năng kịp thời giải đáp, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng thì việc thực hiện mới thông suốt, tránh những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Những bài học được đúc kết từ 2 năm trước, nay nhìn lại vẫn còn nguyên tính thời sự.

NINH TUÂN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học nào để sắp xếp bộ máy nhanh, gọn, hiệu quả?