Bài cuối: Nắm ngải cứu trên đầu Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp

21/03/2014 07:38

Với những tầm nhìn chiến lược và cách tính toán khác nhau nhưng cả hai bên tham chiến đến đầu tháng 12-1953 đã chấp nhận trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ.








Chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" là quyết định khó khăn nhất
trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Hạ tuần tháng 12, Bộ Chính trị chỉ định Đảng ủy Mặt trận và thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch. Ngày 5-1-1954, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận mang theo quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân: Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phá tan kế hoạch Na-va. Tuy nhiên, Điện Biên Phủ là một trận đánh lớn chưa từng có đối với quân và dân ta trong cuộc đấu trí, đấu lực với quân viễn chinh Pháp. Khi Tổng Tư lệnh lên báo cáo Bác Hồ để ra mặt trận, Bác căn dặn: Đây là trận đánh rất quan trọng, chỉ được đánh thắng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh. Lời dặn của Bác nói lên tư tưởng chỉ đạo tác chiến mà Hội nghị Trung ương đầu năm 1953 đã xác định: Phương châm chung của cuộc chiến tranh giải phóng của ta là trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh. Ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan mạo hiểm, nếu một lần mà thua nặng thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại thì hết vốn.

Sáng 12-1-1954, tại Tuần Giáo, khi nghe tướng Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình và phương án tác chiến, Đại tướng đã nhận thấy "ngay bây giờ đánh nhanh đã khó. Rồi đây hẳn càng khó" và "cần tìm hiểu thêm tình hình". Ngay chiều hôm đó đến Sở Chỉ huy ở Thẩm Púa, Đại tướng hội ý ngay Đảng ủy Mặt trận, tất cả đều tán thành chủ trương "đánh nhanh, thắng nhanh" và tin rằng có thể giành thắng lợi trong vài ngày đêm. Tối hôm đó, Đại tướng lại gặp Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh, đại tá Hoàng Minh Phương làm phiên dịch. Trong trao đổi ý kiến, cố vấn Vi Quốc Thanh tán đồng phương án đánh sớm, đánh nhanh do cán bộ tham mưu Việt Nam và cố vấn Trung Quốc đã nhất trí đề xuất. Sau khi cân nhắc về những băn khoăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố vấn Vi nói: "Nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ".

Dự kiến trận chiến đấu diễn ra trong 2 ngày 3 đêm, giờ nổ súng khai hỏa là 17 giờ ngày 20-1. Trong lúc đó Đại tướng chỉ thị cơ quan tham mưu theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình địch và thúc đẩy chuẩn bị về mọi mặt, nhất là việc kéo pháo vào trận địa. Đoạn đường kéo pháo bằng tay vào trận địa khá dài, qua dốc cao vực thẳm, có dốc đến 60 độ, trong lúc máy bay địch luôn cản trở nên dự định kéo pháo trong 3 đêm mà sau 7 đêm pháo vẫn chưa vào đến trận địa. Toàn bộ sư đoàn 312 giúp kéo pháo mà trong 6 đêm chỉ tiến được 12 km. Thời gian nổ súng được quyết định lùi lại 5 ngày. Lúc đó, theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ có Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn phản ánh khó khăn phải đột phá ba lần mới vào được tung thâm và Cục phó Cục Bảo vệ Phạm Kiệt được cử đi kiểm tra kéo pháo phía tây dám nói lên tình trạng bố trí trận địa pháo dã chiến dễ bị phản pháo, bị máy bay đánh phá và một số pháo chưa vào trận địa. Trong khi đó, địch đã tăng lên 12 tiểu đoàn và một tập đoàn cứ điểm kiên cố đã hình thành, nhưng do khí thế quân sĩ dâng cao nên không mấy ai dám nói đến khó khăn... Một chiến sĩ ta bị địch bắt cho biết điện đài của địch đã thông báo ngày giờ ta nổ súng tấn công, vậy là kế hoạch đã bị lộ nên thời điểm khai hỏa lùi thêm 24 giờ, tức là 26-1. Sau 11 ngày đêm suy tính, có thể nói đêm 25-1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trăn trở không chợp mắt và đi đến quyết định quan trọng là phải thay đổi cách đánh vì địch đã không còn lâm thời phòng ngự và phía ta có nhiều khó khăn chưa được bàn tính kỹ để khắc phục. Sau này, trong hồi ký của mình Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi đó là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy”. Sau khi quyết định như vậy, sáng 26-1, Đại tướng với nắm ngải cứu đắp trên trán vì đau đầu, đã sang gặp cố vấn Vi Quốc Thanh. Chỉ sau khoảng nửa giờ trao đổi, cố vấn Vi đã nhất trí với sự phân tích, đánh giá của Đại tướng và tán đồng việc hoãn cuộc tiến công, chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Ngay sau đó, Đảng ủy Mặt trận được triệu tập để thảo luận về thay đổi phương châm tác chiến. Dĩ nhiên lúc đầu mọi người không tán thành, nhưng khi đặt vấn đề phải bảo đảm "chắc thắng mới đánh" như quyết định của Bộ Chính trị và lời dặn của Bác Hồ thì mọi người mới nhận ra nhiều khó khăn chưa có biện pháp khắc phục mà thực tế 11 ngày đêm chuẩn bị chiến trường đã bộc lộ khá rõ. Trên cơ sở nhất trí đó, Đại tướng kết luận chuyển phương châm "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" và ra lệnh toàn mặt trận hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra.   

Trận quyết chiến Điện Biên Phủ được chuẩn bị lại theo phương châm mới "đánh chắc, tiến chắc" đã đi đến thắng lợi ngày 7-5-1954, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương với 21 tiểu đoàn phòng ngự trong những trung tâm đề kháng và cứ điểm có hệ thống công sự kiên cố và hỏa lực mạnh. Nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954 của quân, dân ta mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Na-va, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam.

LÊ THÀNH VINH

(0) Bình luận
Bài cuối: Nắm ngải cứu trên đầu Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp