Ngày 9.6, quan chức cấp cao Ba Lan tuyên bố Đức có thể là mối đe dọa đối với nước này.
Hãng tin RT (Nga) dẫn lời Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski nói rằng Ba Lan “không hiệu liệu Đức muốn vũ trang cho nước này là nhằm chống Nga hay chống chúng tôi”.
Ông Jaroslaw Kaczynski, Phó Thủ tướng đồng thời là thủ lĩnh đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan, tuyên bố việc nước Đức tái quân sự hóa có thể đe dọa Ba Lan, giống như Nga.
Ông Kaczynski, một trong những quan chức phản đối Moskva mạnh nhất châu Âu, đã ăn mừng sự kiện Đức đảo ngược chính sách chủ nghĩa hòa bình, theo đó không cung cấp vũ khí cho các vùng đang xảy ra xung đột, mà nước này duy trì mấy chục năm qua.
Phó Thủ tướng Ba Lan Kaczyinski nói với đám đông những người ủng hộ: “Khi chúng ta nói rằng chúng ta sẽ nghiêm túc trang bị vũ khí cho mình, người Đức ngay lập tức tuyên bố rằng Berlin cũng vậy…Liệu người Đức muốn tự vũ trang chống lại Nga hay chống lại chúng tôi, tôi không biết, nhưng ít nhất họ đang tự vũ trang cho mình".
Nhà lãnh đạo Ba Lan không nói chi tiết về bất kỳ mối đe dọa nào được cho là do Đức gây ra cho Ba Lan, Hai nước đồng minh NATO này đã không có chiến tranh kể từ khi phát xít Đức xâm lược vào năm 1939. Tuy nhiên, ông nói với những người ủng hộ rằng người Ba Lan phải "tự vũ trang" để tăng cường khả năng răn đe của đất nước ngoài những gì NATO cung cấp.
Phó Thủ tướng Kaczynski cũng đề cập đến quyết định của Ba Lan mua hàng trăm hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất - một đơn hàng có thể trị giá hơn 2,5 tỷ USD - như một bằng chứng về cam kết của Warsaw trong việc sức mạnh của quân đội. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, Chính phủ Ba Lan cũng đã tăng chi tiêu quốc phòng từ 2% GDP vào năm 2022 lên 3% vào năm 2023, và tìm kiếm các căn cứ "vĩnh viễn" của NATO và các khẩu đội tên lửa mới của Mỹ.
Sau nhiều thập kỷ bị lãng quên khiến quân đội Đức thiếu máy bay, khí tài và thậm chí cả giày và giường, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cuối tháng 2 tuyên bố Chính phủ Đức sẽ chi 113 tỷ USD để mua vũ khí mới của Mỹ và Israel, đồng thời sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên trên ngưỡng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Dù Phó Thủ tướng Kaczynski hoanh nghênh động thái tái vũ trang quân đội này, song ông cảnh báo rằng cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine "sẽ lan rộng". Ba Lan đang làm "mọi thứ để ngăn chặn nó xảy ra". Tuy nhiên, ông đã đưa ra nhiều tuyên bố leo thang kể từ khi xung đột bùng nổ, đáng chú ý nhất là yêu cầu tăng thêm quân đội NATO ở Đông Âu, kêu gọi binh sĩ quốc tế hiện diện tại Ukraine. Ông tuyên bố Ba Lan sẵn sàng cho phép Mỹ đặt vũ khí hạt nhân.
Trước đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng chỉ trích Berlin vi phạm thỏa thuận thay thế xe tăng để Warsaw gửi cho Kiev. Theo tờ Die Welt của Đức ngày 24/5, bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Tổng thống Duda đã cáo buộc Đức không cung cấp xe tăng chiến đấu cho Ba Lan sau khi Warsaw cạn kiệt nguồn dự trữ để gửi thiết bị hạng nặng cho Ukraine.
Ông Duda lưu ý Ba Lan đã “tự làm suy yếu” tiềm lực quân sự bằng cách sử dụng năng lực của mình để cung cấp cho Kiev “một số lượng lớn xe tăng”, đồng thời cho biết thêm rằng Warsaw đã mong đợi sự hỗ trợ từ NATO và đặc biệt là Đức.
Tổng thống Duda giải thích rằng hầu hết các xe tăng của Ba Lan là Leopard do Đức sản xuất. "Đức đã cam kết giao những chiếc xe tăng này cho chúng tôi. Nhưng họ đã không thực hiện lời hứa đó. Thành thật mà nói, chúng tôi rất thất vọng về điều này", ông Duda nói.
Ông Duda cũng cho rằng Đức đã hỗ trợ không đủ cho Ukraine, nhấn mạnh: “Trước hết, chính Đức mới phải giúp Ukraine. Ukraine cần sự giúp đỡ này khẩn cấp”. Theo Tổng thống Duda, Ba Lan phải tham gia vào việc cung cấp thiết bị hạng nặng vì các quốc gia khác vẫn miễn cưỡng thực hiện các cam kết như vậy. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ba Lan không cho biết nước này đã viện trợ cho Ukraine bao nhiêu xe tăng.
Theo Báo Tin tức