Tình hình di cư tại biên giới Ba Lan - Belarus đang trở nên nghiêm trọng hơn, khi gia tăng đột biến số lượng người di cư cố gắng vượt biên để xin tị nạn, chủ yếu từ châu Phi và Trung Đông.
Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 27/9, tình hình tại biên giới Ba Lan - Belarus đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là về vấn đề di cư. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz cho biết, kể từ giữa năm 2021, Ba Lan đã chứng kiến gia tăng đáng kể số lượng người di cư từ châu Phi và Trung Đông cố gắng vượt biên giới để xin tị nạn, và đỉnh điểm của áp lực này đã xảy ra trong năm 2024.
Bộ trưởng Kosiniak-Kamysz thông báo, sau một mùa Hè tương đối yên tĩnh, tình hình tại biên giới đã trở nên căng thẳng hơn trong tháng 9. Số lượng người vượt biên trái phép đã tăng lên hơn 2.500 trường hợp trong tháng này, nâng tổng số vụ xâm phạm biên giới lên hơn 26.000 trong 9 tháng đầu năm 2024. Con số này tương đương với tổng số vụ vượt biên trái phép của cả năm trước. Đáng chú ý, các tổ chức buôn người đã lợi dụng tình hình, hướng dẫn người di cư vượt qua các cửa khẩu biên giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan nhấn mạnh rằng nước này sẽ không khoan nhượng với những hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời cảnh báo rằng "vấn đề di cư không chỉ đe dọa an ninh quốc gia mà còn liên quan đến Belarus và có thể là cả Nga".
Trong bối cảnh này, Chính phủ Ba Lan do Thủ tướng Donald Tusk lãnh đạo đã tỏ ra cứng rắn hơn với chính sách nhập cư so với trước đây. Thủ tướng Tusk đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường kiểm soát biên giới. Ông tuyên bố rằng nhiệm vụ của nhà nước là bảo vệ biên giới quốc gia bằng mọi biện pháp cần thiết.
Hồi tháng 7 vừa qua, ông Tusk đã thành lập một khu vực biên giới đặc biệt nhằm tăng cường khả năng chống buôn người và hỗ trợ lực lượng biên phòng trong việc quản lý các dịch vụ cần thiết tại biên giới. Chính phủ hiện tại cũng đưa ra các biện pháp mạnh tay hơn, bao gồm việc thiết lập những vùng cấm tiếp cận để kiểm soát di cư.
Tuy nhiên, chính sách trên của Ba Lan vẫn gặp phải nhiều chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền.