Trải qua nhiều khó khăn, thất bại, anh Lê Đình Vương ở Ninh Giang, Hải Dương đã kiên trì, trở thành người đầu tiên ở Việt Nam thành công với sản phẩm giò vịt.
Anh Vương đã mất rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu cho ra đời món giò vịt đầu tiên ở Việt Nam
Từ bỏ mức lương 200 triệu đồng mỗi tháng của một CEO ngành thức ăn chăn nuôi, anh Lê Đình Vương về quê nhà mở công ty nhưng phá sản. Nhưng rồi sau những vất vả, anh đã thành công với sản phẩm giò vịt.
Không nản chí, anh Vương (35 tuổi, ở huyện Ninh Giang) đã vươn lên làm giàu cho bản thân và giúp hàng trăm hộ nông dân khác.
Người đầu tiên ở Việt Nam làm giò vịt
Giò lợn, giò trâu, giò bò, giò gà… là món ăn quen thuộc từ lâu. Riêng giò vịt thì tôi chưa từng thấy. Thế nên khi nhìn vào gian hàng trưng cái biển “Giò vịt Vương Dung” ở Tuần Văn hoá, Du lịch và Xúc tiến thương mại được tổ chức tại khu di tích Côn Sơn (Chí Linh) hồi đầu năm nay tôi không khỏi bất ngờ. Cùng tôi, nhiều du khách đến với sự kiện cũng ghé qua gian hàng tham quan, thưởng thức. Người bán hàng chính là anh Vương - một thanh niên có vẻ ngoài thân thiện, ưa nhìn, ăn nói mộc mạc, bưng đĩa giò vịt đã thái sẵn miếng mời tôi và mọi người. “Được đấy! Giòn, ngọt, thơm” - tôi nhìn anh phát biểu cảm nhận. Mấy người cùng thưởng thức bên cạnh nói xen: “Rất lạ, hương vị khá hấp dẫn”.
Hỏi chuyện mới biết, đó là lần đầu tiên anh Vương mang giò vịt ra quảng bá ngoài thị trường. Anh chia sẻ đã tìm hiểu khắp nơi và khẳng định bản thân là người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất giò vịt. Được mọi người đón nhận, chưa hết buổi sáng gian hàng đã bán hết hơn 1 tạ giò khiến anh vui ra mặt. “Mục tiêu của em là đưa giò vịt ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước rồi từng bước hướng sản phẩm ra cả thị trường nước ngoài”, anh Vương nói đầy tự tin.
Anh Vương đã tạo dựng được 20 cơ sở nuôi vịt bằng thảo dược nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra sản phẩm giò vịt "sạch từ nông trại đến bàn ăn"
Một ngày đầu tháng 3, tôi về nhà anh chơi theo lời mời. Vừa gặp tôi, anh đã khoe: “Từ hôm gặp anh, em đã tiêu thụ được gần 2 tấn giò vịt ở mấy hội chợ thương mại tổ chức tại Quảng Ninh, Cao Bằng và huyện Ninh Giang. Vừa rồi có 5 đại lý ở mấy tỉnh đã ký kết hợp đồng, mỗi đại lý đặt mua 1-5 tấn giò vịt/tháng. Em đang tạm dừng sản xuất trong một thời gian ngắn để tập trung hoàn thiện xưởng mới vì khách hàng ngày một đông”.
Xưởng sản xuất giò vịt của anh Vương rộng rãi, sạch sẽ, bảo đảm quy trình một chiều. Theo công suất thiết kế, mỗi tháng xưởng này sẽ sản xuất được 90-100 tấn giò. Mọi thủ tục pháp lý liên quan đã được anh hoàn tất. Đặc biệt, sản phẩm giò vịt đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu “Vương Dung food” và đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận là sản phẩm OCOP.
Trong tủ cấp đông, anh lưu lại một số lượng giò vịt để quảng bá sản phẩm nếu có khách tới thăm. Anh bảo sản phẩm này mang bao tâm huyết, mồ hôi, công sức của bản thân và cả trách nhiệm với cộng đồng. Thời điểm năm 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà anh cũng như bao gia đình khác nuôi vịt với số lượng lớn nhưng không tiêu thụ được, thua lỗ nặng. Anh nghĩ cần phải làm gì đó để giúp mình và bà con.
Tháng 6.2022, anh Vương sang Trung Quốc tìm hiểu công thức làm vịt ủ muối nhưng sản phẩm khi làm ra không được thị trường đón nhận vì không hợp khẩu vị người Việt. Anh nghĩ tại sao lại không làm giò vịt. Thế là ngay trong đêm, anh bật dậy cầm đèn ra soi bắt một con vịt về hì hục xay giò nhưng thịt vịt nhão nhoét không đóng khuôn được. Không bỏ cuộc, anh lên mạng tìm hiểu công nghệ làm thịt hun khói của châu Âu. Sau 3 tháng nghiên cứu, anh nhập gia vị từ nước ngoài về thực hiện và cuối cùng cũng thành công. Anh Vương mang đi khắp nơi mời mọi người ăn thử. Hầu hết ý kiến đều ấn tượng với hương vị nhưng lại chê giò méo mó, tính thẩm mỹ kém. Thịt vịt thường ngót hơn các loại thịt gia súc, gia cầm khác nên rất khó bó tròn khi làm giò. Về nhà anh Vương lăn lộn tìm đủ mọi cách, nghiên cứu cả ngày lẫn đêm. Đúng vào lúc anh chán nản thì điều kỳ diệu đã xảy ra. “Hôm ấy là đêm tháng 11.2022. Em nghiên cứu chán vẫn không được, mệt quá vứt đó đi ngủ. Ai ngờ sáng hôm sau dậy mở khuôn thì lại thấy chiếc giò tròn, đanh, ăn thơm ngon dù không sử dụng hàn the”, anh Vương cười nói.
Sản phẩm giò vịt của anh Vương đang từng bước được thị trường đón nhận
Tôi ấn tượng khi trên bao bì sản phẩm giò vịt có dòng chữ “sạch từ nông trại đến bàn ăn”. Anh bảo để con vịt lớn lên khoẻ thì trong chăn nuôi bà con phải dùng cả thuốc kháng sinh. Nếu mua vịt về và chế biến ngay thì lượng kháng sinh tồn dư trong thịt vẫn còn, giò làm ra sẽ không an toàn cho sức khoẻ của người tiêu dùng. Do đó, anh lựa chọn những đàn vịt khoẻ mạnh mang về cho chúng bơi sông, ăn thức ăn sạch trong khoảng 7-10 ngày, đồng thời uống một thứ nước thảo dược tự tạo. Nhờ vậy, con vịt sẽ đào thải lượng kháng sinh tồn dư, thịt ít béo, giò thơm ngon hơn.
Thủ lĩnh HTX
Anh Vương mời tôi tới thăm trang trại nuôi hàng nghìn con vịt của một chị tên Thôi ở xã Vĩnh Hoà (cùng huyện Ninh Giang). Hộ chị Thôi là một trong 20 cơ sở nuôi vịt mà anh Vương đặt hàng nuôi theo yêu cầu để làm giò. Trước đây, mỗi lứa vịt, chị vẫn nuôi như bình thường, khi được khoảng 45-50 ngày tuổi thì xuất bán. Nhưng bây giờ khi nuôi đến 40 ngày phải dừng lại để cải biên thức ăn, mật độ nuôi, chỉ được dùng kháng sinh thảo dược do anh Vương cung cấp để tạo ra chất lượng thịt vịt ngon và an toàn. “Cậu ấy cam kết sẽ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho chúng tôi, bảo đảm có lãi dù thị trường có diễn biến xấu. Từ ngày làm ăn với Vương, tôi thấy cậu ấy thực sự là một thủ lĩnh HTX có uy tín, dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn cố gắng mang những điều có lợi nhất đến với bà con xã viên”, chị Thôi nói.
Anh Vương là Chủ nhiệm HTX Chế biến thực phẩm sạch Vương Dung. HTX có khoảng 500 xã viên ở trong và ngoài tỉnh. Trước khi bắt tay thêm mảng sản xuất giò vịt, anh đã là một “tay to” trong lĩnh vực cung cấp thức ăn chăn nuôi, vịt giống và tiêu thụ vịt thịt. Bình quân mỗi tháng, anh cung cấp cho các xã viên khoảng 50-60 vạn con giống, thu mua 450 tấn thịt vịt, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
“Năm chìm, bảy nổi” là cụm từ mà anh Vương đề cập khi nói về quá khứ của mình. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp một trường nghề, anh vay mượn vào Đắk Nông mua xe tải chở hàng nông sản thuê kiếm lời. Cuối năm 2012, anh ra Bắc làm lái xe cho một mỏ than ở Quảng Ninh, sau lại chuyển sang chở hàng cho một doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi. Một lần biết giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp mình làm việc nhận mức lương lên tới 140 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của mình chỉ 6-7 triệu đồng/tháng, thế là anh nghỉ việc. Anh dành 3 tháng đi học, nghiên cứu thị trường rồi đi làm nhân viên tiếp thị cho một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở huyện Bình Giang. Với khả năng giao tiếp tốt, tư duy nhạy bén, chỉ trong một thời gian ngắn anh đã trở thành một điển hình nơi làm việc, mỗi tháng bán 400-500 tấn thức ăn chăn nuôi. Anh Vương được chủ doanh nghiệp đôn lên làm CEO, nhận lương 200 triệu đồng/tháng.
Năm 2015, anh tách ra thành lập Công ty TNHH PANDA ở huyện Gia Lộc, chuyên cung cấp thức ăn cho lợn con, gà, vịt. 3 tháng đầu doanh nghiệp có lợi nhuận khá cao nhưng chẳng mấy chốc đã rơi vào cảnh phá sản vì giá nguyên liệu tăng cao, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Anh phải bán hết ô tô, nhà cửa để trả nợ. Suốt 2 tháng ròng rã sau đó, anh phải rong ruổi đi khắp nơi tìm cách tiêu thụ 80 tấn thức ăn chăn nuôi tồn đọng nhưng không ai mua. Anh Vương quyết định mang số cám ấy về quê nhà ở xã Ninh Hải (Ninh Giang) nuôi vịt.
Giò vịt của anh Vương tham dự hội chợ nhận được sự quan tâm của nhiều người
Về quê, anh vay mượn bắt 1.000 con vịt bầu về nuôi tại ao nhà, lứa đầu lãi hơn 40 triệu đồng. Có tín hiệu khả quan, anh thuê 800 m2 đất chuyển đổi của một người thân, dựng lán trại, tăng đàn vịt nuôi. Nhưng đến lứa thứ 3, giá vịt thịt lao dốc, anh bị lỗ nặng. Anh lại xin làm CEO cám cho một doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi ở Hà Nam. Dù lương không còn cao như trước nhưng mỗi tháng cũng giúp anh có thu nhập 40-50 triệu đồng. Có vốn, tháng 7.2018, anh Vương về xã Hồng Dụ thuê lại hơn 2.200 m2 đất gần sông, dựng một chiếc lán ở tạm và xây chuồng trại rộng 600 m2 để nuôi vịt. Ngay lứa đầu đã gặp trắc trở, vịt con cứ lăn ra chết, tìm đủ mọi cách cũng chỉ giữ lại được 2.200 con. Đàn vịt nuôi đến ngày gần xuất bán thì hết tiền mua cám. Chẳng còn ai để vay mượn, anh đánh liều sang nhà một người hàng xóm vay. Người này tốt bụng, chưa quen biết nhưng vẫn cho anh vay 50 triệu đồng để mua 1 xe cám cứu đói đàn vịt. Lứa đầu tiên, dù vịt giống bị chết khá nhiều nhưng nhờ được giá mà sau khi bán vẫn lãi 120 triệu đồng. “Những lứa sau thì có kinh nghiệm, em nuôi vịt lớn nhanh như thổi, có lứa lãi 420 triệu đồng. Người dân trong vùng thấy vậy đến hỏi mua giống, thế là em nhảy vào làm nhà cung cấp giống, tiêu thụ sản phẩm vịt thịt cho bà con từ bấy đến giờ”, anh Vương kể.
Sản phẩm giò vịt và đặc biệt là tinh thần, nghị lực vượt khó vì bản thân và trách nhiệm với cộng đồng của anh Vương được nhiều người tôn trọng, quý mến. “Vương là một thanh niên đặc biệt với sản phẩm giò vịt cũng hết sức đặc biệt. Huyện cũng như Sở Công thương đã và đang tạo mọi điều kiện, sát cánh cùng em ấy trên con đường sản xuất, nhất là đưa sản phẩm giò vịt bay cao, bay xa”, bà Hà Thị Lan Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Giang cho biết.
TIẾN MẠNH