Để hoàn thành mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 95% trở lên, Hải Dương đã và đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phù hợp.
Dự án đường trục Đông-Tây đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện để thúc đẩy giải ngân
Xác định đẩy nhanh vốn đầu tư công là đòn bẩy tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, Hải Dương đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn lực này.
Khẩn trương
Dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối quốc lộ 37 (Chí Linh) đang được các đơn vị thi công gấp rút triển khai. Công trình có tổng mức đầu tư gần 470 tỷ đồng với chiều dài hơn 5 km, có vai trò kết nối hai tỉnh Hải Dương-Bắc Giang. Để bảo đảm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, các cơ quan, đơn vị cùng lúc thực hiện các phần việc theo chức năng nhiệm vụ. Khi vướng mắc về mặt bằng dần được tháo gỡ, liên danh nhà thầu thi công đã tập trung nhân lực, phương tiện ráo riết triển khai các mũi thi công.
Theo anh Nguyễn Văn Kiên, Chỉ huy trưởng công trường, hiện 3 nhà thầu đã huy động 80 công nhân, kỹ sư và 50 đầu máy gấp rút triển khai 9 mũi thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đến đầu tháng 6, các đơn vị đã triển khai được khoảng 10% khối lượng công việc, chủ yếu là đào đắp nền. Khi có khối lượng, sản phẩm thực tế, việc giải ngân sẽ thuận lợi hơn. Theo hợp đồng ký kết, tháng 9.2024, công trình sẽ hoàn thành nhưng nếu suôn sẻ như hiện nay thì chỉ khoảng tháng 5.2024 nhà thầu sẽ bàn giao. Dự án đã giải ngân được 18,4% tổng mức đầu tư.
Đảm nhận thi công gói thầu số 14 Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông-Tây qua địa bàn huyện Ninh Giang với tổng chiều dài hơn 28 km, Công ty CP Xây dựng 201 đang triển khai 3 mũi thi công, thực hiện đào, đắp nền, móng đường và hệ thống thoát nước. Do các hạng mục triển khai được từ 65-85% khối lượng nên từ lúc khởi công (tháng 11.2022) đến nay, doanh nghiệp đã được chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán 3 đợt với tổng giá trị khoảng 40 tỷ đồng.
Ông Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc Công ty cho hay đơn vị luôn nghiêm túc thực hiện, bảo đảm đầy đủ hồ sơ để việc nghiệm thu, thanh toán thuận lợi. Từ đó, doanh nghiệp mới chủ động bố trí nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đơn vị phấn đấu sẽ hoàn thành gói thầu trong tháng 12.2023, sớm hơn 4 tháng so với hợp đồng ký kết.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc nhiều vào tiến độ thực hiện công trình, dự án. Chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công. Để thúc đẩy giải ngân vốn, Ban Quản lý dự án đã rà soát, đánh giá cụ thể từng dự án, từ đó đề xuất phương án tháo gỡ từng nút thắt.
Đơn vị thi công đường dẫn cầu Đồng Việt tăng tốc triển khai ngoài thực địa để có khối lượng nghiệm thu thanh toán
Nhiều giải pháp quyết liệt
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của Hải Dương là 6.955,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch năm 2023 là 5.804,6 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 370,6 tỷ đồng, còn lại là vốn năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023 phân bổ cho dự án đầu tư công. Theo số liệu từ Cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 23,9% kế hoạch năm, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ giải ngân tăng là do kế hoạch đầu tư công đã được các cấp phân bổ cụ thể cho các dự án và triển khai kịp thời ngay từ đầu năm. Cấp ủy và chính quyền các cấp tập trung quán triệt, chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư làm căn cứ phân bổ kế hoạch vốn ngay khi dự án có quyết định phê duyệt đầu tư gắn với đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngấn vốn đầu tư công. Ban quản lý dự án, chủ đầu tư dự án đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, một số vướng mắc đã cản trở, làm chậm thời gian triển khai nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, dẫn đến chưa phân bổ hết kế hoạch vốn, tạo nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công. Đó là các dự án đều phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, những dự án có cầu qua sông phải có thỏa thuận thiết kế liên quan đê điều. Có dự án sau khi rà soát chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết hoặc phải chờ quy hoạch xây dựng vùng huyện, điều chỉnh quy hoạch. Một số dự án phải lập điều chỉnh chủ trương đầu tư, rắc rối trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 95% trở lên, các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư, đơn vị thi công nên tích cực phối hợp, rà soát công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, nâng cao tính chủ động trong triển khai dự án. Cần khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, bất cập, nhất là giải phóng mặt bằng. Khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải, phân tán và quản lý, khai thác tốt nguồn thu...
PV