[Audio] Quán ăn trong chợ dân sinh, nhìn mà lo

13/05/2023 11:00

Nhiều quán ăn trong các chợ dân sinh ở Hải Dương ẩm thấp, lụp xụp. Các điều kiện sản xuất, chế biến thức ăn chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

00:00


Một chủ quán bán bún, cháo lòng ở chợ Cuối (Gia Lộc) bày nhiều đĩa tiết canh ngay trên mặt bàn không che đậy

Không bảo đảm vệ sinh 

Sáng 7.5, trong vai khách hàng, nhóm phóng viên Báo Hải Dương ghé vào một quán bán bún, cháo lòng nằm giữa chợ Cuối (Gia Lộc). Ngoài số nội tạng lợn đã luộc chín được để trong tủ kính, chủ quán bày nhiều đĩa tiết canh ngay trên mặt bàn không có gì che đậy để mặc cho ruồi bâu. Không gian quán ẩm thấp, bàn ăn, ống nhựa đựng đũa, thìa cáu bẩn. Một thùng nước đã chuyển màu nâu đen nằm ngay cạnh chồng bát đã được rửa và lau khô. 

Cách đó không xa có một quán bán canh bún, bánh đa nhưng nhỏ hẹp hơn. Không gian quán chật chội, mặt bàn ăn đã được bọc tôn nhưng xung quanh mốc meo. Xoong, nồi, bát, đũa, thìa… đặt ngay dưới nền đất đầy bụi bẩn. Sau khi khách ăn xong, chủ quán rửa bát luôn vào một chiếc xoong đặt dưới đất với lượng nước ít ỏi.

Rời chợ Cuối, nhóm phóng viên tiếp tục sang chợ trung tâm huyện Nam Sách để mục sở thị các quán ăn ở đây. Ghé vào một quán bán bánh cuốn của cặp vợ chồng cao tuổi thấy có khá đông khách đang ngồi thưởng thức. Cũng giống như nhiều hàng ăn ở các chợ dân sinh khác, quán bánh cuốn này không sạch sẽ. Chúng tôi gọi một suất ăn, người đàn ông vô tư dùng tay không bốc bánh cuốn vào đĩa. Đôi tay đầy dầu mỡ của người này tiếp tục cắt chả, thò vào lọ nhựa bốc một nhúm hành phi rồi rắc lên đĩa bánh. 


Chủ quán bánh cuốn ở chợ huyện Nam Sách dùng tay không bốc bánh cho khách

Nhiều quán ăn tại một số chợ dân sinh ở khu vực thành phố cũng không bảo đảm vệ sinh. Tại chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) không khó để bắt gặp những quán bán đồ ăn cố định hoặc di động lụp xụp, điều kiện kinh doanh không bảo đảm vệ sinh. 

Đặc điểm chung của đa số những quán ăn trong chợ dân sinh là không gian chật chội, dụng cụ bài trí bừa bộn, không được vệ sinh sạch sẽ. Nhiều chủ quán không đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến đồ ăn cho khách; để đồ sống, chín lẫn lộn; dùng tay không bốc đồ ăn; thái đồ sống và chín trên cùng một cái thớt. Có quán sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần. Hầu hết các hàng quán chưa quan tâm thu gom rác thải, xử lý nước thải nên trông mất mỹ quan và là nguyên nhân cho các loại ruồi, nhặng, vi khuẩn phát triển, xâm nhập vào đồ ăn, có nguy cơ gây bệnh cho khách hàng. 

Chưa quan tâm quản lý

Không ít chủ quán hàng ăn trong chợ khi được hỏi đều trả lời chưa từng được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiều năm kinh doanh nhưng rất ít hoặc chưa thấy có đoàn nào đến kiểm tra. Điều đó cho thấy việc kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các chủ quán ăn trong chợ dân sinh chưa được quan tâm đúng mức. “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm hằng năm thì đoàn kiểm tra của cấp trên chủ yếu về kiểm tra bếp ăn các nhà trường, các quán ăn lớn trong trung tâm thương mại, còn các quán ăn nhỏ lẻ ở chợ thì gần như rất ít khi”, lãnh đạo một trạm y tế ở huyện Cẩm Giàng thông tin. 

Trao đổi với đại diện một cơ quan chuyên môn của tỉnh để hỏi đơn vị nào chịu trách nhiệm việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh thì được biết công tác phân cấp quản lý hiện chưa rõ ràng. Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm chợ dân sinh nên khó bố trí lực lượng để duy trì kiểm soát thường xuyên.

Tại Hải Dương, đến nay chưa có vụ ngộ độc tập thể nào liên quan đến hàng ăn ở chợ dân sinh song những vụ nhỏ lẻ thì vẫn có. Ông N.V.Q. (ở Tứ Kỳ) đã bỏ thói quen ăn sáng tại chợ dân sinh cho biết: “Tôi thường ăn sáng ở quán tại chợ địa phương từ 1-3 lần/tuần. Hơn 1 năm trước, sau khi ăn sáng xong khoảng 1 tiếng thì bụng tôi đau dữ dội, nôn mửa, đau đầu, chóng mặt, phải đi bệnh viện cấp cứu”. Đại diện Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết hầu như năm nào cũng có bệnh nhân vào khoa cấp cứu do liên quan đến ăn uống.

Hầu hết hàng ăn tại các chợ dân sinh đều chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguồn nguyên liệu không được kiểm soát kết hợp điều kiện kinh doanh không đạt yêu cầu tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm. Các bác sĩ cho biết đồ ăn chế biến không bảo đảm vệ sinh là môi trường lý tưởng để các loại vi sinh vật có hại phát triển. Khi ăn phải những thức ăn không bảo đảm vệ sinh, có thể bị các bệnh như tiêu chảy, dạ dày, tá tràng, thương hàn, kiết lị, viêm gan A, nặng là ngộ độc, thậm chí là tử vong.


Nhiều quán ăn trong chợ lụp xụp, không bảo đảm vệ sinh, chủ quán chưa được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm

Từ thực tế trên cho thấy công tác kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các quán ăn trong chợ dân sinh cần được quan tâm nhiều hơn. Tỉnh cần phân cấp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ một cách cụ thể. Tăng cường tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ quán ăn trong các chợ và người dân trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc…

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Quán ăn trong chợ dân sinh, nhìn mà lo