Trên địa bàn tỉnh đang dần hình thành những cánh đồng không dấu chân người và những nông dân thời 4.0 nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ cùng chủ trương tích tụ ruộng đất.
Công ty CP Phát triển nông nghiệp Vàng gieo lúa bằng thiết bị bay ở Thanh Miện
Tích tụ ruộng đất cùng những tác động mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã tạo ra những đột phá trên đồng ruộng Hải Dương. Những thửa ruộng không dấu chân người đang dần hình thành.
Giấc mơ thành hiện thực
“Hàng chục mẫu ruộng được canh tác hoàn toàn tự động từ làm đất, gieo hạt, bón phân… đến thu hoạch. Những thửa ruộng không dấu chân người chưa từng có trên địa bàn tỉnh giờ đã xuất hiện ở Thanh Miện. Tất cả đều nhờ tới máy móc và thiết bị công nghệ”. Đây là giới thiệu của anh Vũ Khắc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Miện về cánh đồng tự động hóa ở thôn An Khoái, xã Tứ Cường.
Để chứng thực lời của anh Diệp, chúng tôi đã tới tận nơi để “mục sở thị” cánh đồng lúa “không dấu chân” ấy. Con đường bê tông thẳng tắp từ đầu thôn An Khoái kéo dài đến cánh đồng. Từ xa đã nghe tiếng cười nói rộn ràng cả góc đồng. Anh Diệp giới thiệu thêm: “Nay Công ty CP Phát triển nông nghiệp Vàng phun thuốc bảo vệ thực vật đợt đầu bằng thiết bị bay. Mấy hôm trước, đơn vị này gieo sạ cũng bằng thiết bị bay. Gieo vào buổi tối muộn vậy mà người dân đến xem đông như hội”.
Vừa đến nơi, tiếng động cơ đã thu hút sự chú ý của tôi. Một công nhân nhanh chóng múc những thùng nước đổ đầy vào thiết bị bay hòa cùng những gói thuốc bảo vệ thực vật nhỏ. Ngay sau đó, chỉ một thao tác điều khiển, thiết bị bay nhanh chóng làm nhiệm vụ của mình trước ánh mắt tò mò của những người dân xung quanh.
Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả trên 1 đơn vị diện tích
Được biết, vụ này Công ty CP Phát triển nông nghiệp Vàng đã xây dựng mô hình cánh đồng “không dấu chân” ở huyện Thanh Miện với diện tích 150 mẫu. Trong đó mô hình ở xã Tứ Cường rộng 40 mẫu, còn lại ở các xã Ngô Quyền, Lê Hồng. Đây là một trong số ít mô hình canh tác nông nghiệp hiện đại bậc nhất ở cả khu vực miền Bắc.
Anh Phạm Đắc Luân, Giám đốc Công ty CP Phát triển nông nghiệp Vàng cho biết: “Ban đầu, chúng tôi muốn liên kết với nông dân để trồng lúa xuất khẩu. Nhưng việc ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu quá mới mẻ với nông dân nơi đây. Sau đó, hầu hết người dân đều đồng tình cho chúng tôi thuê ruộng để sản xuất lúa. Cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và sự đồng tình ủng hộ của người dân, đơn vị đã phối hợp với Công ty CP Sumofarm Miền Bắc xây dựng được mô hình canh tác lúa rộng lớn với mục tiêu xuất khẩu lúa gạo. Chúng tôi muốn qua mô hình này giúp nông dân tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại”.
Đây là lần đầu tiên ông Phạm Văn Nhất ở thôn An Khoái chứng kiến thiết bị bay hoạt động. Hơn nửa đời người gắn bó với ruộng đồng, những chiếc máy gieo hạt, bón phân hiện đại… ông mới chỉ nhìn thấy trong phim ảnh thì nay đã được chứng kiến tận mắt ở quê mình. Máy gieo sạ nhưng lúa lên đều, không phải tỉa như gieo thông thường. Máy còn bón được phân, phun được thuốc. Cánh quạt mạnh, thốc xuống tận gốc lúa nên thuốc phun đều và hiệu quả hơn. “Nhà tôi cấy 10 mẫu ruộng nhưng chỉ 2 vợ chồng già làm nên thấy oải, nhất là sau mỗi đợt phun thuốc sâu là sức khỏe giảm đi trông thấy. Trước đây, mỗi khi xem ti vi tôi đều ước cũng sẽ có máy móc phục vụ việc canh tác như thế trên quê mình. Và giờ đây ước mơ đã trở thành sự thực. Có lẽ từ những vụ sau, nông dân chúng tôi sẽ được hưởng những trải nghiệm của nông dân 4.0 thực sự”, ông Nhất chia sẻ.
Những thửa ruộng “không dấu chân” này có thể sẽ là “làn gió mới” cho sản xuất nông nghiệp ở những vùng quê của Thanh Miện nhưng hiệu quả thế nào vẫn phải chờ tới cuối vụ mới có thể đánh giá. Dù vậy, tại huyện Nam Sách, những cánh đồng tương tự như vậy đã cho thấy hiệu quả rõ ràng và được nông dân hưởng ứng. Mạ khay cấy máy và ứng dụng thiết bị bay vào phun thuốc bảo vệ thực vật đã tạo nên những đổi thay trên nhiều cánh đồng. Đây là năm thứ 4 huyện này đưa thiết bị bay vào phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa. Vụ này, huyện có hơn 500 ha lúa tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, tăng gần 100 ha so với cùng kỳ năm trước. Ở hầu hết các xã đều có các mô hình cơ giới hóa đồng bộ. Trong đó sử dụng thiết bị bay để phun thuốc bảo vệ thực vật được coi là khâu đột phá.
Vụ này là vụ thứ 3 xã An Lâm (Nam Sách) ứng dụng tự động hóa ở hầu hết các khâu trong canh tác lúa từ làm đất, cấy máy mạ khay, phun thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch lúa. Anh Mạc Đức Tăng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Lâm chia sẻ, trước đây cứ nghĩ từ cày trâu lên cày máy đã là hiện đại. Nhờ có máy cày mà năng suất lao động đã tăng lên gấp nhiều lần. Nhìn những chiếc máy cày, máy bừa sùng sục hay máy gặt, máy tuốt lúa trên đồng ruộng, ai cũng vui mừng. Thế nhưng xã hội ngày càng phát triển, nông dân ngày càng ít dần dẫn tới thiếu hụt nguồn lao động trong nông nghiệp. Những chiếc máy cấy, máy gặt rồi cả đến máy bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật xuất hiện đã hỗ trợ nông dân. “Vụ này, toàn xã có hơn 60 ha lúa sản xuất tập trung ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Cấy có máy, phun thuốc có máy, gặt cũng có máy, nhiều hộ còn thuê máy để sấy khô thóc sau thu hoạch. Nông dân không còn phải vất vả một nắng hai sương như trước”, anh Tăng nói.
Nhiều cánh đồng ở huyện Nam Sách đã dùng thiết bị bay để phun thuốc bảo vệ thực vật thay vì phải phun thủ công
Làm ruộng thời 4.0
Bắt nhịp với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, những nông dân thời công nghệ 4.0 đang chuyển mình, thay đổi tư duy, cách làm để tiệm cận hơn với nền nông nghiệp thông minh. Cũng từ đó, nông dân từng bước tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, cải thiện đời sống và thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Cầu ở thôn Cẩm Lý, xã An Lâm (Nam Sách) có hơn 7 sào ruộng. Từ khi được tỉnh, huyện hỗ trợ cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay, việc canh tác lúa của vợ chồng ông trở nên dễ dàng hơn. Trước đây, để thuê người cấy hay phun thuốc thì mỗi ngày bỏ ra khoảng 350.000 đồng, nhưng rất khó thuê. Trong khi đó, chi phí thuê máy móc cho tất cả các khâu không quá 1,2 triệu đồng/sào. “Sản xuất đồng bộ thì chi phí không tăng nhiều so với canh tác thông thường mà hiệu quả hơn. Lúa cấy máy thưa, ít sâu bệnh nên chỉ phải phun duy nhất 1 lần, năng suất tăng. Một số diện tích lúa của gia đình cũng đã sử dụng máy rắc phân tự động. Đến ngày thu hoạch chỉ cần ra đồng chở lúa về nhà. Thay vì cả ngày ngoài đồng, chúng tôi dành thời gian làm những công việc khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đấy là điều có lợi nhất với nông dân bây giờ”, ông Cầu khẳng định.
Trong tất cả các khâu tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp thì việc ứng dụng thiết bị bay không người lái mới được triển khai ở một số nơi trên địa bàn tỉnh. Dù vậy, đây được coi là khâu đột phá bởi tạo ra những thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp. Dùng phương tiện bay phun 1 ha lúa mất thời gian 10-15 phút, 1 thiết bị bay có thể phun 20-30 ha/ngày, tương đương với 30-40 người phun thủ công, lượng nước sử dụng giảm hơn 90%, thuốc bảo vệ thực vật không bị thất thoát nhiều, giảm độc hại cho nông dân và môi trường. Ngoài ra, máy có thể xác định những vùng bất thường trên cánh đồng thông qua ảnh mà thiết bị bay chụp được gửi về và phân tích, xác định sức khỏe cây trồng, dự đoán sản lượng, từ đó có kế hoạch chăm sóc, giải pháp tiêu thụ. “Tùy vào từng vùng chuyên canh, chúng tôi lập trình để máy tự chạy. Với khả năng phân tích hình ảnh và giám sát trên không của thiết bị sẽ mang lại hiệu quả hơn trong canh tác”, anh Phạm Đắc Luân, Giám đốc Công ty CP Phát triển nông nghiệp Vàng khẳng định.
Những chiếc máy cấy xuất hiện ngày càng nhiều giúp giảm sức lao động cho nông dân
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Thị Kiểm, những năm gần đây, Hải Dương đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, cho hiệu quả kinh tế cao. Một số nhà màng đã ứng dụng công nghệ số, có hệ thống camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối với điện thoại thông minh để điều khiển bón phân, tưới nưới tự động từ xa theo giờ và cảm biến nhiệt độ thông gió làm mát. Khoảng 500 ha rau màu chuyên canh đã ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, thông qua hệ thống điều khiển thông minh tưới nước theo giờ, nâng cao hiệu quả kinh tế từ 10-30% và tiết kiệm khoảng 55% lượng nước so với tưới truyền thống.
Từ chính sách phát triển diện tích cấy lúa bằng máy, nhiều vùng sản xuất lúa bằng mạ khay, cấy máy được mở rộng, áp dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái và thí điểm lắp đặt 2 trạm Imetos (hệ thống cảm biến và phần mềm giám sát thông minh) ở huyện Thanh Hà và Thanh Miện để dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai và sinh vật gây hại trên cây trồng, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý dịch hại và chăm sóc cây trồng phù hợp… Những ứng dụng này đã giúp tăng diện tích áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa lên trên 12%, giúp tăng năng suất, giảm chi phí, giảm công lao động và mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Đây là những điều kiện cần thiết để dần hình thành thêm những thửa ruộng “không dấu chân”.
TRẦN HIỀN