[Audio] Hải Dương thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng

17/06/2023 13:18

Hải Dương vẫn đang gặp khó khăn trong triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng do nguồn cung một số loại vaccine bị thiếu hụt.

00:00

Nhiều người ngồi chờ đăng ký tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Tiêm chủng vaccine và tư vấn dinh dưỡng Đức Minh

Vẫn ... chờ

Tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng đã kéo dài một thời gian. Đến tháng 3 năm nay, Hải Dương đã hết vaccine “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib). Đến tháng 4, vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uống ván (DPT) cũng hết do Bộ Y tế không còn để cung ứng…

Một số loại vaccine phòng bệnh vẫn đang được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung ứng, song dự báo sẽ không còn trong những tháng tới nếu tiếp tục bị đứt mạch nguồn cung, gồm: lao (BCG), viêm gan B, bại liệt uống (OPV), sởi, sởi - Rubella, viêm não Nhật Bản B (dự kiến cung ứng đến hết tháng 7); uốn ván, bại liệt tiêm (IPV) (dự kiến cung ứng đến hết tháng 12).

Thiếu vaccine ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu mà Hải Dương đã đặt ra. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hải Dương), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ có 21,85% số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, trong khi mục tiêu đề ra là 32%. Tỷ lệ này tại một số địa phương trong tỉnh thậm chí dưới 20%. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng nhiều loại bệnh khác cũng chưa đạt kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hoàng Văn Huỳnh, Phó Giám đốc CDC Hải Dương thông tin tháng 3 vừa qua, CDC Hải Dương đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương báo cáo tiến độ cung ứng, sử dụng vaccine cũng như nêu lên những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan tới Chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngày 16.5, Sở Y tế đã có công văn gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đăng ký nhu cầu tiêm vaccine mở rộng năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Hải Dương đề xuất được cấp 51.808 liều vaccine các loại để triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian còn lại của năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.

Bộ Y tế vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, thời điểm nào các loại vaccine sẽ được cấp ổn định trở lại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thì vẫn chưa xác định cụ thể.

Đề xuất cung ứng tập trung

Bắt đầu từ năm nay, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine cho tiêm chủng mở rộng. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vaccine.

Bố trí kinh phí để mua vaccine có lẽ không phải vấn đề quá khó khăn với Hải Dương. Tuy nhiên, việc tổ chức mua sắm không đơn giản. Ông Hoàng Văn Huỳnh cho biết theo Thông tư 15/2020/TT-BYT ngày 10.8.2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá” thì việc đấu thầu mua vaccine không thuộc danh mục do địa phương thực hiện. Việc để các địa phương tự triển khai duyệt kinh phí, tổ chức đấu thầu, mua sắm, cung ứng vaccine sẽ mất nhiều thời gian do phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp kinh phí và đấu thầu mua vaccine (dự kiến mất từ 4-6 tháng). Điều này sẽ khiến việc cung ứng, sử dụng vaccine bị gián đoạn, kéo theo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ sẽ không đạt theo yêu cầu, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. 

Hải Dương cần 51.808 liều vaccine các loại để triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng những tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024

Việc dự trù vaccine hằng năm trình các cấp chính quyền địa phương phê duyệt kinh phí sẽ không được chính xác do không thể dự đoán được số trẻ đi tiêm vaccine dịch vụ và biến động dân cư. Do đó, có thể dẫn tới tình trạng dư thừa hoặc thiếu vaccine. Từ năm 2022 trở về trước, Bộ Y tế chủ trì mua sắm, cung ứng vaccine bảo đảm quản lý, điều phối giữa các địa phương. Nếu để các tỉnh, thành phố tự mua thì việc điều tiết vaccine giữa các địa phương sẽ khó khăn vì giá và chủng loại vaccine giữa các nơi không thống nhất với nhau. Do chưa có hướng dẫn tiêu chí các loại vaccine có thể sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nên trong quá trình xây dựng dự toán mua vaccine sẽ gặp khó khăn.

Một số cán bộ quản lý y tế ở Hải Dương cho rằng phương án tốt nhất vẫn là Trung ương cấp ngân sách để Bộ Y tế đấu thầu, phân bổ vaccine tập trung. Thời gian thực hiện quy trình sẽ ngắn hơn nhiều so với để cho cấp tỉnh tự đấu thầu và mua sắm.

Phòng tiêm dịch vụ vẫn có vaccine

Trong bối cảnh một số loại vaccine đang thiếu, ngành y tế Hải Dương khuyến khích các gia đình có điều kiện có thể cho trẻ đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ được cấp phép, đủ điều kiện để tiêm. Sau khi tiêm, các gia đình cần thông báo với trạm y tế địa phương để cập nhật lên phầm mềm tiêm chủng quốc gia.

Sáng 15.6, Trung tâm Tiêm chủng vaccine và tư vấn dinh dưỡng Đức Minh - cơ sở 1 ở đường Nguyễn Lương Bằng và Phòng tiêm chủng dịch vụ Safpo ở số 18 đường Thanh Niên (TP Hải Dương) có rất đông người dân đưa trẻ đến tiêm vaccine.

Đại diện Trung tâm Tiêm chủng vaccine và tư vấn dinh dưỡng Đức Minh thông tin lượng vaccine của đơn vị vẫn đáp ứng được nhu cầu, chưa khan hiếm và giá cũng không thay đổi so với trước.

Tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 40 cơ sở tiêm dịch vụ được cấp phép. Đại diện một số cơ sở cho biết thời gian gần đây số lượng trẻ đến tiêm vaccine phòng bệnh tăng từ 20-30% so với tháng 2. 

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
[Audio] Hải Dương thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng