Tăng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội, sắp xếp đơn vị hành chính nhiều tỉnh, thành phố là những chính sách có hiệu lực từ tháng 12.
Sĩ quan cấp úy, cấp tá tăng 1-4 tuổi phục vụ
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam có hiệu lực từ 1/12 quy định tuổi phục vụ của sĩ quan tại ngũ sẽ tăng theo cấp bậc quân hàm.
Cụ thể, sĩ quan cấp úy tuổi phục vụ sẽ là 50, tăng 4 tuổi so với trước. Các cấp bậc khác cũng có sự điều chỉnh tuổi, thiếu tá 52 (tăng 4 tuổi), trung tá 54 (tăng 3 tuổi), thượng tá 56 (tăng 2 tuổi) và đại tá 58 (tăng 1 tuổi đối với nam và 3 tuổi đối với nữ). Cấp tướng vẫn giữ nguyên tuổi phục vụ là 60 đối với nam và tăng 5 tuổi lên 60 đối với nữ.
Với sĩ quan dự bị, tuổi phục vụ cấp úy tăng từ 51 lên 53, thiếu tá từ 53 lên 55, trung tá từ 56 lên 57, thượng tá từ 57 lên 59, đại tá từ 60 lên 61. Cấp tướng vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu là 63. Đối với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, hạn tuổi phục vụ sẽ được quy định theo Bộ luật Lao động.
Ngoài ra, sĩ quan có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm nếu có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện. Trong một số trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Quốc phòng có thể quyết định kéo dài thời gian phục vụ hơn 5 năm.
Sắp xếp đơn vị hành chính một số tỉnh, thành phố
Theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều tỉnh, thành phố sẽ sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, hiệu lực từ ngày 1/12. Sau sắp xếp, Bạc Liêu điều chỉnh địa giới một số xã; Bắc Ninh giảm hai phường và 4 xã; Bến Tre giảm một huyện và 43 đơn vị cấp xã; Bình Định giảm 4 xã; Bình Thuận giảm 6 xã; Cà Mau giảm một xã; Hải Dương giảm 28 đơn vị cấp xã; Hưng Yên giảm 22 đơn vị cấp xã.
Kiên Giang giảm một phường; Lạng Sơn giảm một huyện và 6 đơn vị cấp xã; Lâm Đồng giảm hai huyện và 5 xã; Long An giảm 6 xã; Nghệ An giảm một huyện và 48 xã; Quảng Bình giảm 6 xã; Thái Nguyên giảm 5 xã và Yên Bái giảm 5 xã.
Bỏ thi thăng hạng giáo viên
Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiệu lực từ ngày 15/12, quy định bỏ thi, chuyển sang xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Việc này phù hợp với quyết định của Chính phủ về bãi bỏ thi thăng hạng viên chức hồi cuối năm ngoái.
Như vậy, thay vì phải thi, giáo viên được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, số năm công tác. Chẳng hạn, giáo viên mầm non hạng III muốn được xét lên hạng II phải có hai năm liền trước được xếp loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên. Giáo viên phổ thông và dự bị đại học phải ba năm đạt điều kiện này.
Để được xét từ hạng II lên hạng I, giáo viên cần có 5 năm liền trước "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên, trong đó có ít nhất hai năm "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Ngoài ra, họ cần có các danh hiệu thi đua, khen thưởng trong thời gian giữ hạng II. Việc này nhằm bảo đảm một danh hiệu, thành tích không được sử dụng đồng thời ở hai lần thăng hạng (từ hạng III lên II và từ II lên I).
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các tiêu chuẩn trên sẽ giúp bảo đảm yêu cầu tỷ lệ giáo viên hạng I tối đa 10%, hạng II không quá 50%, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, cũng như lựa chọn được những người xứng đáng.
Tăng chế độ bồi dưỡng người trực tiếp rà phá bom mìn
Quyết định 16/2024 của Thủ tướng quy định chế độ bồi dưỡng đối với người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh.
Theo đó từ ngày 1/12, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp (nếu có) và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật, được hưởng chế độ bồi dưỡng 350.000 đồng/ngày.
Nếu thời gian trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ dưới 4 giờ thì được tính bằng một nửa ngày; từ 4 giờ trở lên được tính một ngày.
VN (tổng hợp)