Việc bổ sung trò chơi điện tử trên mạng vào việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt mới nghe tưởng hợp lý nhưng lại không có giá trị thực tiễn ở Việt Nam
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi nhằm giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ.
Mục tiêu cũng như ý nghĩa về mặt an sinh xã hội của dự án thì không có gì phải bàn cãi. Nhưng làm thế nào để khi luật ban hành đem lại hiệu quả như người dân và những nhà làm chính sách kỳ vọng thật sự là một câu hỏi không dễ trả lời.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo luật này là dự kiến sẽ điều chỉnh phương thức tính thuế, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng bia rượu, thuốc lá. Đồng thời bổ sung thêm các mặt hàng vào diện sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như nước uống có đường, trò chơi điện tử trên mạng (game online)...
Tác hại của bia rượu, thuốc lá đối với sức khoẻ đã được chứng minh bằng thực tế nên hầu hết các doanh nghiệp dù đang sản xuất, kinh doanh ngành hàng này cũng đều đồng tình với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành cũng như những sửa đổi bổ sung sắp tới của dự luật. Điều mà các doanh nghiệp quan tâm là làm sao phải có chính sách quản lý đồng bộ từ các cơ quan quản lý thị trường, quản lý xuất nhập khẩu... để những sản phẩm này không trở nên nguy hại hơn bởi hàng lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng.
Cá nhân tôi quan tâm nhiều hơn là việc Bộ Tài chính dự kiến bổ sung trò chơi điện tử trên mạng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ai cũng biết tác hại đối với sức khoẻ tâm thần của việc dành quá nhiều thời gian cho game online nói riêng và các nội dung giải trí trên internet nói chung. Vì vậy việc các nhà làm chính sách coi game online là một dịch vụ có hại cho sức khoẻ và cần phải điều tiết hành vi người dùng bằng thuế tiêu thụ giống như rượu bia, thuốc lá và nước uống có đường thoạt nghe có vẻ rất hợp tình, hợp lý và hợp pháp. Tuy nhiên điều này chỉ đúng với những người không hiểu gì về game online. Nếu như với rượu bia, thuốc lá, khi tiêu dùng, bạn bắt buộc phải trả tiền để mua thì việc áp thuế lên các mặt hàng này sẽ khiến nó trở nên đắt hơn và bạn sẽ phải cân nhắc trong việc giảm lượng mua hay chuyển qua dùng hàng lậu, hàng cấp thấp hơn để không làm tăng mức chi tiêu của bạn.
Nhưng game online thì khác. Theo thống kê, cứ 100 người chơi game thì có đến 95 người chơi game miễn phí và trẻ em, trẻ vị thành niên hầu hết nằm trong số này. Chỉ còn khoảng 5 người chơi game trả tiền thì lại có đến 3 người chơi game lậu và 2 người chơi game chính thống, được cấp phép và phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi từ cơ quan quản lý Nhà nước. Như vậy, khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt vào game online, 95 người chơi game miễn phí và 3 người chơi game lậu không bị ảnh hưởng và họ vẫn tiếp tục chơi theo sở thích và thói quen của mình. Chỉ có 2 người trả tiền chơi game có phép sẽ bị điều chỉnh bởi thuế áp vào game và khiến họ thay đổi hành vi bằng cách: giảm bớt việc mua đồ trong game hoặc chuyển qua chơi game lậu để chi tiêu vào game của họ không thay đổi. Cũng cần phải nói thêm rằng, mức chi tiêu bình quân vào game online của những người chơi game trả tiền chỉ ở vào khoảng 15-20 USD mỗi tháng. Như vậy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt vào game online rõ ràng không mang lại giá trị thực tiễn.
Thực tế có thể thấy, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử và các nội dung được cung cấp miễn phí trên đó chứ không riêng gì game online. Sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh các em nhỏ chỉ 2-3 tuổi tay cầm điện thoại thao tác thành thạo hay ngồi dán mắt vào ti vi và máy tính bảng với đủ các nội dung tốt có, xấu có nếu không muốn nói là xấu nhiều hơn tốt.
Vì vậy, muốn đem lại cho các em một cuộc sống lành mạnh thì trước hết cần sự có tâm của các nhà sản xuất nội dung và sự quản lý chặt chẽ của các nhà quản lý đối với các nội dung được truyền tải trên internet.
Kế đó là sự quản lý giáo dục của gia đình và nhà trường đối với các em trong việc chọn lọc sử dụng các nội dung số trên internet và đặc biệt là quản lý thời gian các em tiếp xúc với thiết bị điện tử. Chúng ta cũng có thể học cách làm của Trung Quốc, Hàn Quốc với các biện pháp hạn chế người dùng trẻ sử dụng internet và chơi game khá hiệu quả như: giới hạn giờ chơi đối với người dưới 18 tuổi là 3 giờ/tuần. Quản lý đăng nhập bằng căn cước công dân và nhận diện gương mặt để giảm thiểu tình trạng khai man tuổi...
KIM QUYÊN