Hơn 20 năm qua, cơ sở sản xuất hàng mã của gia đình anh Phạm Văn Thẹ (49 tuổi) ở thôn Khay, xã Thống Nhất (Gia Lộc) đã trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều người khuyết tật (NKT).
Cơ sở sản xuất hàng mã của gia đình anh Phạm Văn Thẹ ở xã Thống Nhất (Gia Lộc) dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật
Không chỉ tạo việc làm tại chỗ, cơ sở này còn giúp nhiều NKT khác học nghề, mang lại thu nhập ổn định.
Năm 1989, anh Thẹ bắt đầu làm nghề gia công và bán sản phẩm hàng mã. Ban đầu chỉ có gia đình anh làm, quy mô sản xuất nhỏ. Sau đó, anh từng bước mở rộng nhà xưởng, tìm kiếm thị trường, thuê thêm lao động. Cơ sở của gia đình anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 12-15 NKT với thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng. 6 NKT được gia đình anh nuôi ăn ở tại nhà. Mỗi năm, cơ sở còn đào tạo, dạy nghề cho 10 lao động. Sau khi học nghề họ đều có việc làm, thu nhập ổn định. Công việc của NKT tại đây tương đối nhẹ nhàng như dán giấy theo mô hình, khung tre đã được đan sẵn để tạo ra các sản phẩm như ngựa, nhà, ô tô, xe máy, thuyền...
Ban đầu nhiều NKT còn mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp, nhưng nhờ sự đồng cảm, tình yêu thương, sự chỉ bảo chân thành của anh Thẹ, NKT tại cơ sở đã gắn bó với gia đình anh hơn. Khi người lao động làm sai hoặc hỏng sản phẩm, anh chỉ bảo tận tình, đồng thời động viên, khuyến khích họ cố gắng vươn lên.
Những NKT đang làm việc tại cơ sở của gia đình anh Thẹ đều cho biết nếu không được anh dạy nghề và nhận vào làm việc, họ khó có được công việc ổn định như hiện nay và hòa đồng với xã hội.
Anh Thẹ cho biết NKT chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, đặc biệt trong tìm kiếm và duy trì việc làm thường xuyên. Vì vậy, anh đã nhận NKT đến làm việc tại xưởng với tâm nguyện họ có việc làm ổn định sẽ xóa được mặc cảm, sống hòa nhập cùng cộng đồng. Có NKT đã gắn bó với cơ sở hơn 20 năm.
Để có được việc làm thường xuyên, ổn định cho NKT, anh không ngừng học hỏi, tìm tòi các nguồn hàng mới, sáng tạo ra những mẫu thiết kế phù hợp với xu thế hiện nay. Do tích cực tìm kiếm thị trường nên sản phẩm của cơ sở làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Anh còn mua cả xe ô tô tải để giao hàng.
Cơ sở của anh đã trở thành địa chỉ uy tín được khách hàng tin tưởng, sản phẩm cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố khác như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên... Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 300-400 triệu đồng.
Ông Phạm Quang Quang, Phó Chủ tịch Hội NKT huyện Gia Lộc cho biết anh Thẹ luôn hưởng ứng nhiệt tình các hoạt động của hội. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho NKT, cơ sở của gia đình anh còn là địa chỉ để các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh đưa NKT đến học nghề.
HOÀNG HÀ