Ngày 10/10, tại Trường THCS Phan Bội Châu, hàng trăm học sinh tiểu học và THCS huyện Tứ Kỳ được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn tại chương trình “Ngày hội STEM” lần thứ II .
Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện và duy trì được “Ngày hội STEM” cấp huyện.
Ấn tượng đầu tiên khi đến với “Ngày hội STEM” là chương trình giao lưu Robocon với chủ đề “Xứ Đông vươn tầm cao mới”. Lấy ý tưởng năm 2023, xứ Đông bắt đầu hành trình vươn tầm cao mới, một vùng đất yên bình trở thành điểm đến nhộn nhịp của những chú robot trở về quê hương tham gia xây dựng xứ Đông hiện đại và thông minh, các học sinh tranh tài điều khiển robot vượt qua các thử thách trên sa bàn mô phỏng quá trình vận chuyển hàng hóa và năng lượng để xây dựng thành phố thông minh trong tương lai.
Robot của mỗi đội thực hiện 4 thử thách, trong đó có 3 thử thách làm tự động, thử thách cuối cùng điều khiển robot từ xa, di chuyển các khối năng lượng đặt tại các vị trí khác nhau trên sa bàn.
Là thành viên của đội đoạt giải nhất trong khối tiểu học, em Nguyễn Thùy Dương, lớp 5 Trường Tiểu học thị trấn Tứ Kỳ cho biết: "Được tham gia cuộc thi em rất thích thú. Qua đây em biết thêm nhiều kiến thức về công nghệ và được rèn luyện tinh thần đoàn kết, đồng đội. Sắp tới em sẽ tìm hiểu sâu hơn về bộ môn này”.
Tham gia “Giao lưu Robocon” huyện Tứ Kỳ năm 2023 có 50 đội tuyển đến từ 46 trường THCS và tiểu học, tăng 12 đội so với năm trước.
Tại khu vực trưng bày, đáng chú ý là 276 sản phẩm STEM của học sinh tiểu học với các chủ đề về gia đình, quê hương, đất nước, khoa học kỹ thuật... 34 dự án thuộc các lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, hóa sinh, khoa học xã hội và hành vi, năng lượng vật lý... của học sinh lớp 8, 9 đến từ 24 trường THCS trong huyện tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS.
Những sản phẩm nổi bật, có tính sáng tạo và ứng dụng cao như xe lăn điện dùng cho người khuyết tật có tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời; quạt tích điện làm từ vật liệu tái chế; dụng cụ bổ dừa tiện lợi; điều chế thuốc diệt mối sinh học từ lá trầu, vỏ bưởi và lá sả... Nhiều sản phẩm thiết thực như kỹ năng từ chối thuốc lá điện tử của học sinh ở lứa tuổi học đường; giữ gìn và phát triển nghề thêu truyền thống của xã Hưng Đạo…
Tất cả các sản phẩm đều do học sinh thực hiện dưới sự định hướng, hướng dẫn của các thầy cô giáo với nguyên vật liệu sẵn có, chi phí thấp hoặc tái sử dụng các vật liệu bỏ đi, thân thiện với môi trường... Các em đã dành nhiều tâm huyết, vận dụng kiến thức đã học để tạo ra các sản phẩm độc đáo, sáng tạo.
Em Nguyễn Hoàng Anh, lớp 9, Trường THCS Minh Đức, đại diện nhóm thiết kế sản phẩm “Xe lăn điện dùng cho khuyết tật có tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời” cho biết sản phẩm hoạt động dựa trên nguyên lý cảm ứng điện từ, chuyển hóa từ trường sang điện năng. Điều đặc biệt của sản phẩm pin sạc đa năng là tính an toàn rất cao. Trong sản phẩm có cầu dao sẽ tự ngắt khi dòng điện quá tải, hoặc khi thiết bị sạc đầy, hay lúc không sử dụng mà vẫn cắm điện. Giá hoàn thiện khoảng 15-16 triệu đồng/xe.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ, sự kiện giáo dục này rèn kỹ năng và kiến thức kết hợp ở 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) để học sinh tiếp cận, ứng dụng xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là cơ hội để các em được trải nghiệm các hoạt động khoa học lý thú, áp dụng kiến thức vào thực tiễn, nhằm đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chương trình “Ngày hội STEM” huyện Tứ Kỳ lần thứ II sẽ bế mạc và trao giải vào sáng 11/10.
THẾ ANH