Ấn tượng hình ảnh người chiến sĩ áo trắng

29/07/2022 07:28


Tập truyện ngắn “Blouse trắng” của Trần Thúy Lành xuất bản tháng 5.2022, tập hợp 19 truyện ngắn in trên các báo, tạp chí từ địa phương đến Trung ương

Trần Thúy Lành là cô giáo dạy ngữ văn Trường THPT Nam Sách, là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương và là cộng tác viên xuất sắc nhiều năm qua của Báo Hải Dương. Năm 17 tuổi, chị đã có truyện đăng báo và đoạt giải đồng hạng Tác phẩm Tuổi xanh báo Tiền phong 1997. Năm 2018, chị xuất bản tập truyện ngắn đầu tay “Đi qua mùa trăng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn); năm 2021 chị cho ra mắt tập truyện ngắn thứ hai “Lồng son” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), chỉ vài tháng sau đã được Nhà xuất bản Dân Trí tái bản. Tháng 5.2022, chị tiếp tục xuất bản tập truyện ngắn “Blouse trắng” (Nhà xuất bản Dân Trí), tập hợp 19 truyện ngắn in trên các báo, tạp chí từ địa phương đến Trung ương. Trong 200 trang sách Trần Thúy Lành đã dẫn dắt người đọc đi từ cốt truyện này đến cốt truyện khác với nhiều hình ảnh nhân vật tiêu biểu được xây dựng thành công như hình ảnh nông dân, viên chức, giáo viên, sinh viên, nhưng ấn tượng nhất chính là hình ảnh người chiến sĩ áo trắng, những bác sĩ “lương y như từ mẫu” hết lòng phục vụ nhân dân trong cuộc sống đời thường cũng như khi có dịch Covid-19 tràn qua.

“Blouse trắng”-truyện ngắn đầu tiên được lấy tên cho cả tập kể về cô bác sĩ Nhiên đã vượt qua những giông tố gia đình để vươn lên học tập đạt được ước mơ của mình. Cô gái ấy vẫn đầy cảm xúc khi chứng kiến một ca bệnh không qua khỏi, cô nhớ về người mẹ đã mất vì bệnh hiểm nghèo, nhớ về người cha lạnh lùng đã bỏ mẹ con cô, nhớ về vợ chồng người dì đã che chở cưu mang mình, nhớ về người thầy dạy nghề cho mình... Tất cả trở thành điểm tựa cho cô vững vàng đi trên con đường mình đã chọn. Đến khi đỡ đẻ cho người vợ kế của bố, cô đã thực sự khép lại quá khứ để mở lòng tận tụy, trách nhiệm, yêu thương của mình.

“Điều giản dị” kể chuyện về bác sĩ Thành hết lòng khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong thời điểm dịch Covid-19 tràn qua. Ông luôn động viên bệnh nhân như người thân trong gia đình để ổn định tâm lý. Trong khi đó ở nhà, vợ ông đang ốm một mình cũng không dám báo để ông yên tâm công tác. 

“Lớp học đặc biệt” đưa người đọc đến với câu chuyện của cô Gấm, giáo viên dạy trẻ tự kỷ để mở ra câu chuyện về một vị bác sĩ khác, bà Phương Nga, vốn là bác sĩ khoa sản, chồng mất vì tai nạn lao động, nuôi hai con thì một con bị tự kỷ. Bác sĩ Phương Nga đã tự nghiên cứu, tìm hiểu để chữa bệnh tự kỷ cho con mình thành công. Sau đó với tấm lòng từ tâm, bà đã mở lớp học cho trẻ tự kỷ. Cô giáo Gấm vì bị phản bội, định tự vẫn mà không chết, gặp được bà Phương Nga đã xốc lại tinh thần. Cô lên lớp với tất cả tình yêu thương dành cho học sinh tự kỷ, kể cả khi gặp lại người yêu cũ đã ruồng bỏ cô ngày trước, biết đứa con trai của anh bị tự kỷ cô càng yêu thương học trò nhiều hơn.

“Khoảng vỡ” là câu chuyện về cô gái tên Ngân, công việc áp lực, người yêu thì lạnh lùng đòi chia tay khiến cô quá mệt mỏi. Khi về quê để tĩnh dưỡng lại gặp cảnh tượng trái ngang đau đớn, bố đưa người tình về nhà lại chính là bạn của mẹ trong khi người mẹ là bác sĩ đang đi trực cấp cứu bệnh nhân ở bệnh viện. Cho đến khi cuộc hôn nhân của bố mẹ cô không thể hàn gắn được thì mẹ mới cho biết vì các con còn nhỏ bà đã lờ đi, đã nhịn nhiều, nhưng giờ đã đến hồi kết thúc, không cần phải níu kéo những gì đã tuột khỏi tay.

“Một ca cấp cứu” - ngay tựa đề đã báo hiệu nhiều bất ngờ. Truyện xây dựng hình ảnh bác sĩ Thảo trong ca trực đêm đã cấp cứu cho Tiến, là người yêu cũ, đã bỏ cô đi lấy cô gái con ông trưởng phòng một công ty dược. Gạt đi mọi mặc cảm, xáo trộn, cô đã làm tròn bổn phận người bác sĩ của nhân dân.

Hay trong truyện ngắn “Cách ly” qua nhân vật cô giáo Linh đang cho con bú phải đi cách ly, tác giả đã dựng lên khung cảnh khu cách ly đông đúc và thiếu thốn đủ thứ nhưng mọi người đều tự nguyện vào đó cách ly để phòng chống mầm bệnh Covid-19 lây lan. Hình ảnh những người chiến sĩ áo trắng ngày đêm phục vụ những người cách ly, đến bữa ăn cũng ăn muộn hơn, người gầy rộc đi vì công việc khiến người đọc xúc động. Nhất là lúc vô tình gặp bác sĩ Hoan vào nhà vệ sinh âm thầm vắt đi dòng sữa đáng lẽ đứa con mới sinh của cô được bú mớm và bày cách cho cô giáo Linh: “Chị chịu khó ngày nào cũng vắt sữa vài lần để khi hết thời gian cách ly thì sữa vẫn về cho con bú tiếp, chị nhé. Tôi phải làm thế đấy, con tôi mới được 8 tháng”. Khi Linh hỏi sao không xin nghỉ vì lý do con nhỏ thì bác sĩ Hoan đã nói: “Ai lại xin nghỉ trong khi có lệnh lên đường chi viện cho tâm dịch”.

Và một vài truyện khác, người bác sĩ là nhân vật phụ, có lúc xuất hiện chỉ thoáng qua nhưng vẫn bộc lộ được vẻ đẹp tâm hồn: sự tận tâm, hết lòng với người bệnh, với nhân dân và ở họ như ánh nắng lan tỏa hơi ấm, sự tươi sáng cho mọi người.

Vẫn với phong cách viết giản dị, tự nhiên, những câu chuyện ta vẫn bắt gặp trong đời sống, gần gũi với mọi người, hiện thực mà đầy chất nhân văn. Trần Thúy Lành biết dựng tình huống để tạo cốt truyện và biết lựa chọn chi tiết đủ đầy kể chuyện qua bộc lộ tính cách và thể hiện ý nghĩa, chủ đề của tác phẩm. Ấn tượng nữa là đọc “Blouse trắng” từ hình ảnh bác sĩ đến giáo viên, nông dân, viên chức đều cảm nhận thấy rõ bản tính con người xứ Đông chân chất, nhân hậu, đầy khát vọng cống hiến.

NGUYỄN THU HẰNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn tượng hình ảnh người chiến sĩ áo trắng