Tại tỉnh ta, những người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 đến nay đều có sức khỏe ổn định. Đây là cách tốt nhất để tạo ra hệ miễn dịch cộng đồng, giúp sớm đẩy lùi dịch bệnh này.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bảo quản vaccine Covid-19 ngay khi tiếp nhận
Tiêm vaccine phòng Covid-19 là biện pháp hữu hiệu tạo ra hệ miễn dịch cộng đồng chống lại dịch bệnh này. Hải Dương nằm trong số những địa phương được phân bổ lượng vaccine nhiều nhất cả nước (tổng số 76.700 liều trong 2 đợt). Thực tế triển khai tại Hải Dương cũng như cả nước cho thấy tiêm vaccine Covid-19 khá an toàn, sức khỏe những người đã được tiêm đến nay đều ổn định.
Phản ứng thông thường
Khi nước ta triển khai tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca đợt 1, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết vaccine Covid-19 có thể gây một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn... đến mức độ nặng hơn như sốc phản vệ. Đây là những phản ứng thông thường có thể gặp phải sau khi tiêm vaccine Covid-19 nói chung và các loại vaccine khác nói riêng.
Tại Hải Dương, trong đợt 1 vừa qua, toàn tỉnh đã tiêm 18.645 liều vaccine phòng Covid-19, ghi nhận 5.752 trường hợp (chiếm hơn 30%) có phản ứng không mong muốn sau tiêm. Nhiều nhất là số người bị đau sưng tại chỗ tiêm (2.361 người), tiếp theo là sốt nhẹ từ 37,5 độ trở lên (1.327 người), các trường hợp còn lại chủ yếu là đau đầu, ớn lạnh, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng tiêu chảy, mẩn ngứa ngoài da... Tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm đều đã được phát hiện và xử lý kịp thời, sức khỏe hoàn toàn hồi phục, không có trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng. Ông Trương Văn Thạo, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hải Dương, đơn vị triển khai tiêm đầu tiên, cho biết một số phản ứng sau tiêm là dấu hiệu tốt. Ví dụ sau khi tiêm bị sốt nhẹ là do phản ứng của cơ thể nhanh chóng tạo ra kháng thể để tiêu diệt virus. Bởi vậy, triệu chứng này thường gặp ở người trẻ tuổi, sức đề kháng tốt giúp cơ thể phản ứng nhanh. Người lớn tuổi sẽ ít gặp hơn do thời gian tạo kháng thể diễn ra lâu hơn so với người trẻ.
Bà Nguyễn Thị Vui ở khu 7, phường Quang Trung (TP Hải Dương) là thành viên tổ “Covid cộng đồng”. Trong đợt 1 vừa qua, bà Vui đã tiêm vaccine Covid-19, đến nay sức khỏe hoàn toàn ổn định. Bà Vui cho biết: “Khi biết được tiêm vaccine, tôi cũng hơi lo lắng vì đây là loại vaccine mới lần đầu tiên triển khai ở nước ta. Tuy nhiên, khi đến tiêm được nhân viên y tế tư vấn, khám sàng lọc kỹ tôi rất yên tâm. Sau khi tiêm, tôi chỉ cảm thấy hơi đau một chút ở xung quanh chỗ tiêm. Sắp tới, tôi sẽ tiêm tiếp mũi 2 để đủ liệu trình phòng bệnh”.
Trước thông tin một số nước ghi nhận có trường hợp tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca gặp phải triệu chứng đông máu, chuyên gia Bộ Y tế cho biết cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu - EMA xác nhận tỷ lệ mắc triệu chứng này rất hiếm, chỉ từ 1-4 ca/triệu người tiêm. Thực tế triển khai tại Hải Dương cũng như cả nước, chưa ghi nhận trường hợp mắc triệu chứng trên.
Thực tế triển khai tiêm chủng đợt 1 tại Hải Dương đến nay, sức khỏe mọi người đều ổn định
Triển khai chu đáo
Khi triển khai kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 đợt 2, Giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường khẳng định: "Đợt tiêm đầu vừa qua ở Hải Dương tạm coi là đã thành công, hạn chế đáng kể nhất là tỷ lệ chưa đạt cao như mong muốn. Tuy nhiên, đây chủ yếu do yếu tố khách quan vì phải sàng lọc kỹ đối tượng tiêm để tránh rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Toàn tỉnh đã thực hiện tốt việc giãn cách để phòng chống dịch. Nhiều điểm tiêm xử lý nhanh các tình huống phản ứng xảy ra sau tiêm. Xe cứu thương của địa phương luôn thường trực, chỉ sau ít phút cơ sở cần là có mặt để đưa người phản ứng về Trung tâm Y tế cấp huyện theo dõi sát sao".
Rút kinh nghiệm từ đợt 1, trong đợt tiêm lần 2 với số lượng lớn người tiêm, khoảng 70.000 người, ngành y tế đã chỉ đạo tiếp tục sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có để tiêm vaccine Covid-19 và chỉ tiêm ở những cơ sở đủ điều kiện; bảo đảm đúng quy trình, tuyệt đối an toàn trong quá trình vận chuyển vaccine. Các điểm tiêm bố trí sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc để tiếp nhận, xử lý cấp cứu người bị phản ứng sau tiêm ngay tại cơ sở tiêm chủng và ở các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh. Mỗi điểm tiêm vaccine có sẵn một phòng cấp cứu, ngoài các loại thuốc cần thiết còn có ít nhất 20 ống adrenalin (thuốc dùng cho trường hợp cần thiết để chống đông máu). Phân chia những người đã được tiêm cho các cán bộ Trạm Y tế, y tế thôn/khu dân cư theo từng địa bàn để giám sát, theo dõi người tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau tiêm tại nơi ở.
"Tất cả các điểm tiêm đều quan tâm đến vấn đề sàng lọc, xử lý phản ứng không mong muốn. Giám đốc Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm chính trước mọi tai biến", ông Cường khẳng định để cho thấy sự chuẩn bị chu đáo của ngành y tế cho công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Hải Dương.
Trong đợt 2 tính đến ngày 19.4, toàn tỉnh đã tiêm được 5.327 liều, trong đó chỉ có hơn 10% số người gặp phải các phản ứng thông thường. Đợt tiêm lần 2 bắt đầu từ ngày 14.4 và dự kiến kết thúc vào ngày 15.5, với số lượng tiêm khoảng 70.000 liều vaccine.
PV