Nỗi lo học sinh ra đường: Bài 3: Phớt lờ Luật Giao thông đường bộ

14/11/2019 10:57

Học sinh vi phạm giao thông là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên tất cả các tuyến đường từ thành phố về nông thôn.

>> Bài 2: Những "hung thần" mới

>>Bài 1: Bất an ở... cổng trường an toàn


Bà Phạm Thị Toan ở thôn 2, xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) bị học sinh đi xe gắn máy đâm gãy chân

Xử lý nhiều, vi phạm vẫn diễn ra

223 học sinh vi phạm quy định khi tham gia giao thông với lỗi chủ yếu liên quan đến việc chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm (MBH), ngoài ra còn vượt đèn đỏ, ý thức kém, không hợp tác với lực lượng chức năng.

Đây là kết quả do Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh công bố sau đợt kiểm tra tại một số cổng trường THPT trong tháng 10 vừa qua. Điều đáng nói việc kiểm tra chỉ tiến hành ngẫu nhiên trong một vài buổi nhưng đã phát hiện con số vi phạm lớn như trên.

TP Hải Dương dẫn đầu về số học sinh vi phạm với 66 trường hợp, có tới 51 em không đội MBH. Số học sinh này chủ yếu thuộc các Trường THPT Marie Curie, Hồng Quang, Hoàng Văn Thụ, Lương Thế Vinh...

Nguyễn Thành L., học sinh lớp 10L Trường THPT Hồng Quang bị phát hiện đi xe mô tô khi chưa đến tuổi và không có giấy tờ xe. Tương tự, Nguyễn Văn Tr. học lớp 11A, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh đi mô tô khi đến trường và không có giấy tờ xe...

Bình Giang cũng là huyện có số học sinh THPT vi phạm giao thông lớn với 53 em, Nam Sách 33 em, Thanh Hà 21 em... Hầu hết các trường hợp không đội MBH hoặc đội mũ nhưng không cài quai.

Đại diện Ban ATGT tỉnh cho biết kế hoạch kiểm tra việc chấp hành giao thông của học sinh sẽ tiến hành thường xuyên. Trong đợt kiểm tra vừa qua, đoàn liên ngành đã làm việc với Ban Giám hiệu các trường có học sinh vi phạm và đề nghị có biện pháp chấn chỉnh, xử lý học sinh.

"Ban ATGT tỉnh đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường có biện pháp xử lý học sinh vi phạm. Kết quả xử lý các trường phải báo cáo về Ban ATGT tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 10.11", đại diện Ban ATGT tỉnh cho biết.

Mặc dù số lượng học sinh vi phạm giao thông trong tháng 10 vừa qua bị xử lý nhiều, song theo quan sát của chúng tôi tại một số cổng trường, tình trạng học sinh vi phạm giao thông vẫn diễn ra. Nhiều em vẫn không đội MBH hoặc đội nhưng không cài quai.

Một số tốp học sinh dàn hàng ngang, đi ngược chiều đường. Thậm chí một số học sinh vẫn đi mô tô, xe không có gương chiếu hậu. Điều này phần nào cho thấy nhận thức của một số em về pháp luật giao thông còn rất hạn chế.

"Bé không vin, cả gãy cành"

Đang chăm sóc người thân tại Khoa Ngoại I (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), ông Phạm An Ổn ở thôn 2, xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) tỏ ra rất bức xúc trước cách đi đường ngổ ngáo của một số học sinh. Chính sự coi thường pháp luật giao thông này làm cho chị ruột của ông là bà Phạm Thị Toan (sinh năm 1945) bị tai nạn gãy hở cẳng chân, phải điều trị dài ngày.

Theo lời ông Ổn, cách đây khoảng 10 ngày, bà Toan đi bộ ở khu vực cống Kinh Nguyên, xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) đã bị một học sinh đi xe gắn máy lao vào. Sau khi xảy ra tai nạn, học sinh trên đã lái xe bỏ chạy, rất may bà Toan được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu. "Bé không vin, cả gãy cành. Nếu trẻ con không được dạy dỗ đi lại đến nơi đến chốn thì sau này lớn lên không biết chúng lái xe coi thường tính mạng người khác thế nào nữa", ông Ổn bức xúc.

Nguyễn Văn B., học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) vừa bị lực lượng cảnh sát giao thông xử lý vì lái xe vượt đèn đỏ. Trong quá trình làm việc, dù khẳng định vượt đèn đỏ sẽ nguy hiểm nhưng học sinh này nhiều lần thanh minh do vội đến lớp, biết vi phạm pháp luật giao thông mà vẫn vi phạm.

Không "kém cạnh" học sinh nam, nhiều học sinh nữ cũng bất chấp các quy định về giao thông như không đội MBH, dàn hàng ngang trên đường, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu... Khi bị xử lý vi phạm, em Nguyễn Hồng Nh. học sinh lớp 10, Trường THPT Kim Thành II còn tỏ thái độ không hợp tác, gây khó khăn, mất thời gian cho lực lượng chức năng.

Theo thầy giáo Lê Văn Lục, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện I, do trường nằm cạnh đường tỉnh 392B nên việc bảo đảm ATGT cho 1.117 học sinh luôn được đặt lên hàng đầu.

"Tuyên truyền, giáo dục về ATGT phải kèm theo hình thức xử lý để bảo đảm công bằng giữa học sinh chấp hành tốt và học sinh vi phạm. Vì vậy, nhiều năm nay học sinh nhà trường không liên quan đến các vụ tai nạn giao thông. Việc chấp hành pháp luật giao thông như đội MBH có cài quai, không đi mô tô... được các em thực hiện khá tốt", thầy Lục cho biết.

Qua kiểm tra đột xuất, mặc dù phát hiện nhiều vi phạm nhưng Ban An toàn giao thông tỉnh đã ghi nhận học sinh một số Trường THPT Hưng Đạo (Tứ Kỳ), Cẩm Giàng II, Kinh Môn II, Đoàn Thượng (Gia Lộc) thực hiện tốt các quy định khi tham gia giao thông.

TIẾN HUY - ĐỖ QUYẾT 


Kỳ sau: Tai nạn thương tâm 

(0) Bình luận
Nỗi lo học sinh ra đường: Bài 3: Phớt lờ Luật Giao thông đường bộ