Giáo dục

Trường học mất chuẩn, khó chuẩn vì sáp nhập

PHONG TUYẾT 26/04/2024 10:50

Hải Dương hiện có 184 trường học chưa đạt chuẩn quốc gia và số lượng này sẽ tăng thêm nếu sáp nhập các trường khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

00:00

36df377b-6447-4773-a7a1-0f8a42a17582.jpeg
Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương giám sát tình hình xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn tỉnh

"Chuẩn + chuẩn = không chuẩn"

Vừa qua, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương giám sát tình hình xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát, vấn đề tỷ lệ trường đạt chuẩn giảm dần, trường học mất chuẩn, khó chuẩn vì sáp nhập nổi lên như một bài toán nan giải.

Tại huyện Cẩm Giàng, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập trường giai đoạn 2019 - 2021 khiến nhiều trường mầm non, tiểu học vượt quá quy mô nên không thể phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Điển hình là Trường Mầm non Tân Trường vượt 10 nhóm, lớp; Trường Mầm non Định Sơn vượt 6 nhóm, lớp; Trường Mầm non Lai Cách vượt 5 nhóm, lớp.

Một số trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng sau khi sáp nhập, đến kỳ kiểm tra do vượt quá quy mô số nhóm, lớp nên mất chuẩn như các Trường Tiểu học: Tân Trường, Lương Điền, Lai Cách...

1261cbf9-8564-4f82-b1a7-105b2f3b3ccb.jpeg
Trường Tiểu học Lai Cách (Cẩm Giàng) đã đạt chuẩn quốc gia nhưng đến kỳ kiểm tra lại vượt quá quy mô số nhóm, lớp nên không đạt chuẩn

Ở thị xã Kinh Môn, do sáp nhập các trường trong cùng cấp học nên các Trường Mầm non Quang Thành, Phạm Thái, An Phụ và Trường Tiểu học Minh Tân có quy mô số nhóm, lớp vượt quy định, không đủ điều kiện đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Tháng 3/2024, Trường Mầm non Thanh Hải (Thanh Hà) cũng mất chuẩn quốc gia sau 5 năm do sáp nhập từ 2 trường mầm non và vượt quy mô số nhóm, lớp theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Thực trạng ở 3 địa phương trên là khó khăn chung trong xây dựng trường chuẩn ở Hải Dương hiện nay. Toàn tỉnh hiện có 184 trường chưa đạt chuẩn quốc gia, 61 trường dự kiến không đạt chuẩn quốc gia khi đến hạn công nhận lại, chủ yếu do vượt quy mô số lớp.

Có nên sáp nhập trường học?

Hiện toàn tỉnh có 184 trường học chưa đạt chuẩn, bằng gần 22% so với tổng số trường học trong tỉnh. Số trường đạt chuẩn ở cả 4 cấp học mầm non, tiểu học, THCS và THPT đều chưa đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Một số địa phương, nhà trường lo lắng tới đây tỷ lệ trường chưa đạt chuẩn sẽ tăng hơn nếu thực hiện sáp nhập trường khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

1c9a5f26-741c-484e-ae37-c8eda17bb3f0.jpeg
Trường THCS Quang Thành (Kinh Môn) vẫn có nhiều điểm trường do sáp nhập, chưa được tập trung đầu tư cơ sở vật chất

Một số địa phương, trường học trong tỉnh đề nghị không sáp nhập các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn các xã, thị trấn mới được thành lập để ổn định thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, tránh những khó khăn khi thầy cô, học sinh phải dạy và học ở những điểm trường phân tán, xuống cấp trong khi kinh phí chưa thể đầu tư một điểm trường trung tâm khang trang khi sáp nhập.

Tại buổi giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương, ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh việc sáp nhập trường cần được xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng với từng trường hợp cụ thể. "Với các trường nhỏ lẻ, phân tán quá thì cần sáp nhập để tập trung quản lý, đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động. Nếu 2 trường đều đã khang trang, cơ sở vật chất tốt và đã đạt chuẩn mà sáp nhập lại thành trường không chuẩn thì không nên sáp nhập. Các trường liên cấp cũng không nên thực hiện sáp nhập", ông Hưng nêu quan điểm.

Giai đoạn vừa qua, một số địa phương không bám sát hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện sáp nhập trường. Tới đây, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về chủ trương sáp nhập trường học khi sáp nhập xã với từng trường hợp cụ thể để tránh tình trạng trường mất chuẩn khi sáp nhập.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy toàn tỉnh hiện có 67 trường vượt quy mô, chủ yếu ở cấp mầm non và tiểu học. Bên cạnh những thuận lợi như giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy thì việc sáp nhập trường giai đoạn trước đến nay vẫn là "bài toán" nan giải khi khiến nhiều trường "mất chuẩn, khó chuẩn".

Theo Đề án Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương được HĐND tỉnh thông qua chiều 24/4, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng hướng dẫn thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ hướng dẫn này, các huyện, thành phố, thị xã rà soát, xây dựng phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định. Trên cơ sở phương án đã được thẩm định, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp theo mục tiêu Nghị quyết 19-NQ/TW và tổ chức triển khai thực hiện.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường học mất chuẩn, khó chuẩn vì sáp nhập