Du lịch mạo hiểm đã và đang được nhiều người ưa thích, trong đó có không ít người ở Hải Dương, đặc biệt là giới trẻ.
Nhưng thực tế thời gian qua, có quá nhiều rủi ro, thậm chí đã xảy ra sự cố gây chết người đối với những người tham gia du lịch mạo hiểm.
Mới đây, ngày 25/10, bốn du khách tử vong khi nước lũ bất ngờ đổ về, cuốn trôi chiếc xe jeep chở họ vượt dòng suối cạn ở khu du lịch làng Cù Lần. Ngay ngày hôm sau, một nữ du khách trượt chân ngã khi đang tham quan núi Langbiang (cùng ở Lâm Đồng).
Trước đó, tại Yên Bái, ngày 8/10, trong lúc cùng đoàn khoảng 10 người leo lên đỉnh Tà Chì Nhù, khi đến độ cao 2.500 m dừng chụp ảnh, một du khách đã đột quỵ và tử vong sau đó. Tại Hà Giang, ngày 12/7, một du khách trong nhóm tham gia nhảy và bơi lội tại thác Du Già đã bị đuối nước. Tại Đắk Lắk, ngày 11/3, một du khách cũng đuối nước do ngã xuống suối trong chuyến leo núi dã ngoại mạo hiểm tại vườn quốc gia Chư Yang Sin...
Sau khi xảy ra các sự cố chết người, thông thường, cơ quan chức năng sẽ tạm thời đóng cửa địa điểm xảy ra tai nạn để chấn chỉnh. Tuy nhiên, các biện pháp cấm hay tạm dừng dường như chỉ là giải pháp “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong loại hình du lịch mạo hiểm, “chuồng”, tức là những biện pháp bảo đảm an toàn và phòng ngừa rủi ro cho du khách phải được tính tới và thực hiện nghiêm ngặt ngay từ đầu. Tất nhiên, một khi đã tham gia du lịch mạo hiểm thì khó có thể triệt tiêu 100% rủi ro, nhưng nếu áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, cảnh báo, thì rủi ro có thể được giảm tới mức tối đa.
Sau sự cố không ai mong muốn ở làng Cù Lần, những người từng đi xe jeep vượt suối cạn giống 4 du khách nói trên đã nhớ lại những gì mình đã trải nghiệm. Có những người mô tả “đi một lần rồi cạch đến già”, “chạy rất khủng khiếp, suýt lật cả xe gia đình có con nhỏ”, “tài xế lái ẩu khiến khách nhiều phen thót tim”…
Xe chở du khách chỉ là một trong nhiều trang thiết bị phải quản lý để bảo đảm an toàn trong loại hình du lịch mạo hiểm. Trang thiết bị cũng chỉ là một trong những yếu tố cần thiết để tổ chức du lịch mạo hiểm. Một loạt vấn đề cần quan tâm khác có thể kể đến như giấy phép hoạt động, quy định và tiêu chuẩn an toàn, đào tạo hướng dẫn viên chuyên nghiệp, quản lý rủi ro, xử lý tình huống khẩn cấp…
Đúng như tên gọi, do tính chất mạo hiểm, phiêu lưu nên đây là hoạt động du lịch cần được kiểm soát, quản lý nghiêm ngặt, tuyệt đối không để các công ty hay cá nhân khai thác một cách tự phát nhằm kiếm lợi nhuận, để rồi rủi ro đều do khách du lịch phải hứng chịu.
Điều này là đặc biệt quan trọng, thậm chí có tầm quan trọng thuộc hàng bậc nhất với ngành du lịch nói chung và du lịch mạo hiểm nói riêng ở Việt Nam. Đất nước ta hội đủ mọi điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch mạo hiểm: địa hình đa dạng, nhiều núi non, hang động, ghềnh thác, sông suối, cảnh đẹp hùng vĩ. Có những nơi nổi tiếng thế giới như Sơn Đoòng ở Quảng Bình mà tour khám phá hang này thu về lợi nhuận lớn, có sức hút lớn với cả du khách trong nước và quốc tế.
Tiềm năng du lịch mạo hiểm ở Việt Nam là rất lớn, được ví như “mỏ vàng” và những người làm trong ngành này đã nhận thấy điều đó cách đây vài chục năm. Xu hướng khám phá hang động, thác, núi… mới trở nên phổ biến trong khoảng 5 hay 7 năm trở lại đây. Nhưng cùng với đó, rủi ro và các sự cố chết người cũng tăng lên.
Nếu không quản lý chuyên nghiệp, sẽ còn có những tai nạn tương tự như vụ ở Lâm Đồng vừa rồi, ảnh hưởng lớn tới sức hút của ngành du lịch nói chung và du lịch mạo hiểm nói riêng ở Việt Nam.
Tất nhiên, yếu tố an toàn không chỉ đến từ phía cơ quan quản lý hay đơn vị tổ chức du lịch mạo hiểm, mà còn xuất phát từ chính những du khách mà đa số là người trẻ tuổi, thích chinh phục, thích phiêu lưu, đôi khi là liều lĩnh. Du lịch mạo hiểm đòi hỏi sức khỏe thể chất - tinh thần, đòi hỏi kỹ năng và kiến thức về an toàn, chứ không chỉ mạo hiểm theo trào lưu để rồi đánh đổi bằng tính mạng.
THÙY DƯƠNG