An toàn cho đêm pháo hoa

20/01/2023 08:01

Sắp đến đêm giao thừa, bước sang năm mới Quý Mão 2023, không khí Tết đã tràn ngập trên khắp các con đường, ngõ phố. Trên mạng xã hội, giới trẻ đã rục rịch “tag” bạn bè, “lập kèo” cùng đi ngắm pháo hoa.

>>> Báo Hải Dương điện tử truyền hình trực tuyến màn bắn pháo hoa đêm giao thừa


Sau 2 năm vắng bóng vì đại dịch Covid-19, năm nay những chùm pháo hoa lung linh sắc màu sẽ trở lại. TP Hải Dương sẽ tổ chức 3 trận địa pháo hoa với tổng cộng 180 giàn ở các phía đông, tây, bắc hồ Bạch Đằng vào lúc 23 giờ 15 đêm giao thừa. Trước màn bắn pháo hoa sẽ có chương trình biểu diễn văn nghệ kéo dài gần 30 phút của các nghệ sĩ Hải Dương nổi tiếng.

Sự kiện chào đón năm mới Quý Mão này dự kiến sẽ thu hút hàng nghìn người tham dự, không chỉ công dân thành phố mà người dân, chủ yếu là giới trẻ ở khắp nơi trong tỉnh.

Nhưng đông đúc luôn đi kèm với vấn đề an ninh trật tự. Chắc hẳn nhiều người chưa quên thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng tại Itaewon làm chấn động không chỉ Hàn Quốc mà toàn thế giới cuối tháng 10.2022. Cũng khoảng thời gian này, một thảm kịch giẫm đạp tại Indonesia trong khuôn khổ một trận đấu bóng đá đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, rồi đến sự việc sập cầu treo dành cho người đi bộ khiến hàng trăm người thiệt mạng tại Ấn Độ. Gần đây nhất là vụ giẫm đạp đêm giao thừa Tết Dương lịch 2023 xảy ra tại Uganda khiến nhiều người tử vong, trong đó có cả trẻ em.

Một trong những điểm chung của những thảm kịch này là tập trung đông người nhưng thiếu yếu tố an toàn đám đông. Các thảm họa xảy ra với đám đông thường đến từ 3 nguyên nhân có liên quan đến nhau, đó là mật độ người cao, các làn sóng dịch chuyển và việc nhiều người cùng ngã xuống. Nếu có một vật cản, tác hại sẽ càng thêm trầm trọng.

Không chỉ ngắm pháo hoa đêm giao thừa, dịp Tết Nguyên đán, Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng không hiếm những lễ hội, sự kiện tập trung đông người. Để tận hưởng không khí vui tươi dịp Tết, cần thêm phương án an toàn đám đông.

Tôi từng nghe một người chị kể lại cảm giác đáng sợ khi bị chen lấn, xô đẩy trong đêm Noel tại khu vực nhà thờ xứ Hải Dương ở đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) vài năm trước. Người nọ xô người kia, chật hẹp, ngạt thở, cảm giác hoàn toàn không thể tự chủ được dù chỉ vài phút ngắn ngủi khiến chị sợ hãi, ám ảnh đến tận bây giờ.

Trong đám đông luôn tồn tại một số thành phần quá khích, vô ý thức. Họ không chỉ tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, trật tự mà còn là yếu tố khiến đám đông hoảng hốt khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, điều nguy hiểm nằm ở chỗ những thảm kịch thường diễn tiến với tốc độ chậm khiến mọi người chủ quan, đến khi nhận ra thì đã muộn.

Chúng ta may mắn khi chưa xảy ra thảm kịch, nhưng không thể vì may mắn mà chủ quan, bỏ qua những kịch bản có thể xảy ra. Phải có kế hoạch và bộ phận giám sát tại từng khu vực, từng cụm đám đông để có thể điều phối trước khi mọi thứ trở nên hỗn loạn. 

Bắn pháo hoa đêm giao thừa sau quãng thời gian gián đoạn vì dịch bệnh sẽ tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân. Nhưng để đêm giao thừa hay những lễ hội xuân thực sự an toàn, các cơ quan cần xây dựng kế hoạch chi tiết, cần sự phối hợp của nhiều bên, từ an ninh, cứu hỏa đến giao thông vận tải, y tế… Thà xây dựng kịch bản để chủ động với thảm họa nhưng không sử dụng, còn hơn là xảy ra thảm họa nhưng không có biện pháp kịp thời.

Hòa mình vào đám đông, người dân cần trang bị những kỹ năng cần thiết như tìm kiếm, ghi nhớ lối thoát. Để ý các dấu hiệu xung quanh để nhận diện mức độ nghiêm trọng giữa đám đông. Ngay khi cảm thấy không thoải mái với không gian xung quanh và nhận thấy khoảng trống ngày càng thu hẹp, hãy tranh thủ rời đi sớm nhất có thể. Không cố gắng đi ngược chiều, tốt hơn là hãy xuôi theo “dòng chảy” đám đông.

Đừng chủ quan, hãy an toàn để tận hưởng một đêm giao thừa lung linh sắc màu pháo hoa, cùng chào đón một năm mới vui tươi, hạnh phúc.

SONG TƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An toàn cho đêm pháo hoa