"Tiếng kẻng an ninh" ở Thượng Quận

10/09/2019 09:55

Ngày nào cũng vậy cứ đến 22 giờ đêm, tiếng kẻng lại vang vọng khắp xã Thượng Quận (Kinh Môn). Suốt 4 năm nay, người dân nơi đây đã quen với âm thanh này.

Mô hình "Tiếng kẻng an ninh" góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở xã Thượng Quận

Từ năm 2015 đến nay, ông Nguyễn Đức Thiện, công an viên, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã được giao nhiệm vụ gõ kẻng tại khu vực 2, thôn Trại Sắn và Bầu Bản. Bất kể mưa nắng hay dịp lễ Tết, cứ 22 giờ hằng ngày ông Thiện lại có mặt tại nhà văn hóa thôn Bầu Bản để gõ kẻng báo hiệu cho nhân dân 2 thôn biết đã đến giờ giới nghiêm.

Mọi hoạt động gây ồn ào đều phải dừng lại. Sau tiếng kẻng, tổ an ninh của các thôn bắt đầu đi tuần tra một vòng để kịp thời phát hiện những bất thường về an ninh trật tự.

Người dân trong xã đã quen với tiếng kẻng. Sau tiếng kẻng họ sẽ hạn chế ra đường, nếu có việc thật cần thiết phải đi thì đều mang theo đèn. Ai lạ tới làng đều phải xuất trình giấy tờ khi gặp tổ an ninh trên đường tuần tra. "Nhiều vụ trộm cắp vặt đã được phát hiện kịp thời. Nhiều nhà có việc hiếu, việc hỷ, chỉ cần nghe tiếng kẻng là tự giác tắt nhạc tránh làm phiền đến mọi người xung quanh”, ông Thiện cho biết.

Xã Thượng Quận có 8 thôn, cứ 2 thôn lại có 1 kẻng an ninh. Cách đây hơn 10 năm, thôn Bãi Mạc là nơi đầu tiên triển khai mô hình tiếng kẻng an ninh. Nhận thấy hiệu quả của mô hình này, năm 2015, Hội CCB đã báo cáo Đảng ủy để nhân rộng mô hình trong toàn xã.

Mô hình được xây dựng với lực lượng nòng cốt là CCB phối hợp với Công an và Ban Chỉ huy quân sự xã. “Các công an viên tại thôn cũng là hội viên Hội CCB nên thực hiện mô hình khá thuận lợi. Các thành viên trong tổ đều rất trách nhiệm, duy trì tiếng kẻng và tổ chức tuần tra thường xuyên, nhất là vào ngày mùa hoặc dịp lễ Tết", ông Hoàng Văn Chén, Chủ tịch Hội CCB xã Thượng Quận nói.

Không chỉ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, tiếng kẻng an ninh còn báo hiệu mỗi khi rừng bị cháy. Địa phương có trên 40 ha đất rừng, chủ yếu trồng keo nên người dân nơi đây rất coi trọng phòng chống cháy rừng. Khi phát hiện cháy, tổ an ninh sẽ gõ kẻng báo hiệu. Mỗi khi nghe hiệu lệnh, các lực lượng và nhân dân mang theo dụng cụ chữa cháy tập trung tại sân nhà văn hóa để phân công nhiệm vụ dập lửa.

“Xảy ra cháy rừng trên địa bàn hay các khu vực lân cận, chỉ sau một hồi kẻng các lực lượng sẽ có mặt đầy đủ, sẵn sàng lên đường hỗ trợ”, ông Chén cho biết thêm. Còn nhớ vụ cháy rừng tại xã An Sinh vào năm 2018, sau khi có lệnh của lãnh đạo huyện huy động lực lượng hỗ trợ dập lửa, cứu rừng, nghe tiếng kẻng báo hiệu, các lực lượng đã có mặt đầy đủ cùng chữa cháy.

Để tiếng kẻng an ninh phát huy hiệu quả, Hội CCB xã Thượng Quận còn xây dựng “Xóm tự quản về an ninh trật tự”. Mỗi gia đình hội viên CCB và nhân dân trong xóm phải thực hiện “3 tự” (tự quản, tự phòng ngừa và tự bảo vệ). Mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, tố giác tội phạm của mỗi hội viên CCB; đồng thời nhắc nhở, giáo dục con cháu không mắc tệ nạn xã hội, nêu cao ý thức tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Quận khẳng định: “Mô hình tiếng kẻng an ninh do 3 lực lượng phối hợp thực hiện. Nhờ cách làm này, tình hình an ninh trật tự của địa phương được bảo đảm, người dân yên tâm lao động sản xuất”.

TÂM PHÚC

(0) Bình luận
"Tiếng kẻng an ninh" ở Thượng Quận