Bà Trương Mỹ Lan cùng chồng - tỷ phú Hong Kong Chu Lập Cơ, và đồng phạm bị xét xử về loạt tội danh liên quan đến việc chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của Ngân hàng SCB.
Từ rạng sáng 5/3, hàng trăm cảnh sát đã có mặt ở Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh giữ an ninh phiên xử. Đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa phía trước tòa bị hạn chế giao thông và người dân.
Gần 7 giờ, hàng chục ô tô bít bùng đưa 81 bị cáo đến tòa.
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử về tội đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản.
Ông Chu Nap Kee Eric (tức Chu Lập Cơ, doanh nhân Hong Kong, Trung Quốc) bị cáo buộc giúp vợ "rút ruột" SCB, gây thiệt hại hơn 9.116 tỷ đồng (trong tổng số hơn 304.000 tỷ). Trương Huệ Vân (cháu bà Lan, 36 tuổi, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị xác định vai trò giúp sức tích cực cho bà Lan, gây thiệt hại gần 1.100 tỷ đồng.
Trong 82 bị cáo còn lại có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. 5 người trong số này là cựu lãnh đạo SCB và các chi nhánh, hiện đã bỏ trốn.
Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xét xử về cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 1.000 tỷ đồng của bà Lan.
Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh) làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến ngày 29/4.
Khoảng 200 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo; riêng bà Lan có 5 luật sư. Tòa cũng triệu tập hơn 2.400 người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định, Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 công ty "ma" trong và ngoài nước, không có hoạt động kinh doanh, chia thành nhiều tầng lớp tạo thành một hệ sinh thái. Trong đó, Vạn Thịnh Phát là trung tâm, kiểm soát toàn bộ hoạt động. Các công ty "ma" chủ yếu được bà Lan dựng lên để phục vụ việc đứng tên các khoản vay khống và chuyển nhượng cổ phần.
Từ năm 2011, bà Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân. Bà Lan sử dụng SCB như một công ty tài chính để cấp vốn cho hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.
Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua nhiều cá nhân, pháp nhân, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của SBC bằng hình thức lập các hồ sơ vay khống; có khi chỉ đạo rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau.
Để thực hiện kế hoạch, bà Lan đã tuyển chọn những người thân tín có kinh nghiệm lâu năm về lĩnh vực tài chính, ngân hàng nắm giữ vị trí chủ chốt tại SCB. Những người này được bà trả lương 200-500 triệu đồng một tháng, tặng thưởng tiền, cổ phần dịp lễ, Tết để dễ bề chi phối.
Để rút tiền, bà Lan chỉ đạo nhóm cấp dưới chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát dùng các công ty "ma", thuê hoặc nhờ các cá nhân đứng tên tài sản, cổ phần, ký hợp thức hóa hồ sơ vay khống. Ngoài ra, bà Lan còn chỉ đạo những người được giao quản lý các công ty có hoạt động kinh doanh thực tế, trong đó có cháu ruột Trương Huệ Vân và chồng là Chu Lập Cơ... ký hồ sơ lập phương án vay vốn khống.
Bà Lan cũng bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới móc nối với loạt công ty thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản bảo đảm lên hàng chục lần, hoặc đưa vào các tài sản không đủ pháp lý, không đăng ký giao dịch bảo đảm để dễ dàng lấy các tài sản có giá trị lớn ra và thay thế bằng các tài sản khác thấp hơn. Hầu hết các khoản vay của bà Lan và Vạn Thịnh Phát đều được giải ngân trước rồi hợp thức hồ sơ sau, trong đó có nhiều khoản không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền tại SCB.
Cơ quan điều tra xác định, trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm của bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.
Cụ thể, giai đoạn 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022 các khoản vay này còn dư nợ hơn 132 tỷ đồng gồm gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản bảo đảm, các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng.
Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Như vậy, tổng cộng, bà Lan gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp nhà băng thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Trong đó, riêng bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước nhận 5,2 triệu USD.