GDP của Ấn Độ dự kiến đạt 10 nghìn tỷ USD vào cuối thập kỷ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Theo báo cáo của S&P Global, Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2031. Hiện tại, đây là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Các nhà phân tích dự đoán quốc gia này sẽ trở thành nền kinh tế 10 nghìn tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
S&P dự báo tăng trưởng GDP hằng năm của Ấn Độ là 6,7% trong báo cáo mới nhất của mình. Theo dữ liệu của Chính phủ, GDP tăng 8,2% trong năm tài chính 2023-24 và 7,2% trong năm tài chính trước đó, củng cố vị thế của Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Đầu tháng này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng của Ấn Độ từ mức 6,6% lên 7% cho năm tài chính hiện tại. Bản cập nhật này phản ánh kỳ vọng về hiệu suất kinh tế mạnh mẽ hơn, được hỗ trợ bởi các yếu tố bao gồm tiêu dùng tư nhân và đầu tư của Ấn Độ.
Báo cáo lưu ý rằng mặc dù nền kinh tế cho thấy khả năng phục hồi, nhưng việc đạt được mục tiêu đầy tham vọng là xuất khẩu hàng hóa trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030 sẽ đòi hỏi sự đa dạng hóa chiến lược và hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Bản cập nhật nói trên nhắc lại sự lạc quan tương tự từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khi tổ chức này cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho năm tài chính hiện tại của Ấn Độ lên 7% vào tháng 7, tăng 20 điểm cơ bản. IMF nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể trong tiêu dùng tư nhân là yếu tố chính thúc đẩy sự điều chỉnh này.
Theo báo cáo của S&P, để duy trì tăng trưởng, Ấn Độ nên đưa ra các cải cách nhằm tăng cường giao dịch kinh doanh và hậu cần, tăng đầu tư của khu vực tư nhân và giảm sự phụ thuộc vào vốn công. Báo cáo đồng thời cho biết thêm rằng nước này cần tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng cảng và bờ biển để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang tăng.
Tháng trước, New Delhi đã phê duyệt đề xuất xây dựng một cảng lớn ở bờ biển phía Tây đất nước để kết nối với các mạng lưới thương mại toàn cầu lớn, bao gồm Nga, Trung Á và châu Âu. Cảng sẽ được xây dựng tại tiểu bang Maharashtra, hỗ trợ dòng chảy thương mại qua Hành lang vận tải Bắc-Nam quốc tế. Tuyến đường này đi qua Iran, nơi Ấn Độ cũng đang phát triển một dự án lớn - cảng Chabahar ở Vịnh Oman. Dự án này mang đến cho Ấn Độ một chỗ đứng chiến lược trong khu vực, cung cấp tuyến đường trực tiếp đến một số thị trường cũng được Trung Quốc để mắt tới thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.
S&P cho biết để hỗ trợ tăng trưởng nhanh chóng và vượt qua các mối đe dọa về ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Ấn Độ cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của mình. Để đáp ứng những thách thức này, báo cáo lưu ý, Ấn Độ đang đa dạng hóa các nguồn năng lượng và nâng cao cơ sở hạ tầng lưới điện, đặt mục tiêu tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo lên khoảng 500 GW vào năm 2030.
Ngoài ra, Ấn Độ đang tập trung vào các công nghệ phát thải thấp như hydro xanh, amoniac xanh, lò phản ứng hạt nhân nhỏ và thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon để đạt được các mục tiêu về khí hậu của mình.
Ngành nông nghiệp, đóng góp 18% vào GDP và tạo ra sinh kế cho 47% dân số Ấn Độ, sẽ dựa vào các công nghệ tiên tiến và các chính sách mới "để cải thiện cơ sở hạ tầng và năng suất".