Ấm ức chuyện học

04/10/2022 14:00

Những ấm ức của phụ huynh không được giải tỏa kịp thời, không tìm ra tiếng nói chung giữa nhà trường và phụ huynh nên dễ dẫn tới khiếu nại.

Vào năm học mới chưa lâu nhưng hầu như ai có con đi học, học cấp nào cũng ít nhiều có những chuyện phải phàn nàn. 


Ảnh minh họa 

Bạn tôi có con vào lớp 1. Bạn phàn nàn rằng, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các nhà trường, giáo viên cần giúp học sinh lớp 1 hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp, không giao thêm bài tập về nhà nhưng thực tế mỗi tối hai mẹ con vẫn "đánh vật" với nhau vì khối lượng bài tập về nhà quá lớn. Bạn kể, vào năm học, các cô vẫn xin ý kiến phụ huynh với quan điểm làm bài tập về nhà hằng ngày giúp trẻ có tính trách nhiệm hơn với việc học, nhanh chóng nắm bắt kỹ năng, bài học nhuần nhuyễn hơn. Trước sự định hướng, gợi ý đó, những người mới có con đi học khó có thể chối từ. Cô giáo chủ nhiệm lớp con bạn là tổ trưởng nên đã tự đặt ra yêu cầu cao hơn với học sinh. Mỗi tối cháu phải viết tầm 3-5 trang. Rồi còn phải đọc trước bài tập đọc của hôm sau, mỗi bài đọc 8-10 lần. Trẻ mới vào lớp 1 đọc, viết còn chậm nên hôm nào cũng phải hơn 10 giờ đêm cháu mới hoàn thành bài. Đôi khi bạn thương con, muốn con nghỉ sớm nhưng cháu không dám vì nếu chưa hoàn thành bài cô giao thì hôm sau ra lớp chắc chắn sẽ bị phê bình.  

Xin cung cấp một thông tin để bạn đọc tham khảo: GS Etta Kralovec, Trường Đại học Arizona (Mỹ) đánh giá bài tập về nhà mang lại nhiều lợi ích đối với học sinh cấp 3, tác dụng này giảm xuống đối với học sinh cấp 2 và hoàn toàn không có tác dụng đối với học sinh tiểu học.

Thực tế, ở độ tuổi tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, trẻ vẫn chưa thể tự giác làm bài tập về nhà mà vẫn cần sự nhắc nhở của cha mẹ. Việc buộc trẻ ngồi vào bàn học có thể trở thành một “cuộc chiến” kéo dài giữa cha mẹ và trẻ. Học sinh tiểu học đã học ở trường cả ngày, tối lại lao vào làm bài tập về nhà khiến trẻ không còn thời gian vui chơi. Bài tập về nhà có thể tạo ra những thái độ tiêu cực, làm cho trẻ chán ghét việc học.

Nhiều học sinh ở các khối lớp khác cũng đang bị áp lực lớn do khối lượng bài tập về nhà quá nhiều. Mới đây có bạn đọc phản ánh với Báo Hải Dương về việc con đang học lớp 4 một trường tại TP Hải Dương bị giao quá nhiều bài mỗi ngày, ngoài ra cuối tuần cũng bị giao thêm mấy tờ đề. Việc giao nhiều bài tập, trong đó có nhiều bài khó không chỉ làm khổ học sinh mà còn gây mệt mỏi cho cả phụ huynh. Đối với phụ huynh, để tính ra kết quả đúng thì dễ nhưng phải làm theo các bước như bài giảng của các cô thì khó. Thế là để giúp con học, cha mẹ cũng phải học lại, tối nào cũng như đánh vật rất căng thẳng.  

Dù đầu năm học nào UBND TP Hải Dương và một số địa phương cũng có văn bản yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, THCS xử lý nghiêm những cán bộ quản lý và giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm. UBND các xã, phường tổ chức kiểm tra đột xuất tại các thôn, khu dân cư về hoạt động dạy thêm… Nhưng thực tế cho thấy, chỉ khi mới có công văn chỉ đạo, các trường, các địa phương rầm rộ đi kiểm tra thì hoạt động dạy thêm sẽ lắng xuống, rồi sau đó đâu sẽ lại đóng đấy. Một số thầy cô giờ cũng "lách luật", không tổ chức dạy tại nhà mình mà đến dạy ở nhà các học sinh, chia học sinh thành từng nhóm nhỏ, thậm chí còn luân phiên tuần này học nhà bạn A, tuần sau học nhà bạn B… nên rất khó kiểm soát. 

Việc tổ chức dạy thêm tại trường cũng không hẳn là tự nguyện. Ngay đầu năm học, cả hai lớp của các con tôi đều gửi mẫu đơn xin học thêm để các cháu chép ra cho phụ huynh ký. Gọi là đơn tự nguyện nhưng trong đơn đã ghi rõ xin học mấy buổi/tuần, học thêm môn nào của thầy, cô nào dạy… Hầu hết phụ huynh, học sinh đều phải "tự nguyện" vì nếu không theo số đông lại sợ con mình không theo kịp các bạn và còn lo nhiều chuyện tế nhị khác...  

Rồi chuyện thu góp, mua sắm trang thiết bị... Có trường đang bị vướng chuyện phụ huynh mua điều hoà, ti vi cho con sử dụng vào lớp 1 nhưng bộ thì quy định thiết bị ở nhà trường phải vào sổ sách theo dõi. Thế là thành tài sản công. Khi nhà trường và phụ huynh không thống nhất được, phụ huynh không đồng ý tặng lại nhà trường thì sẽ rất phức tạp.

Những câu chuyện trên khiến không ít người ấm ức mà nếu không được giải tỏa kịp thời, không tìm ra tiếng nói chung giữa nhà trường và phụ huynh thì rất có thể dẫn tới khiếu nại.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấm ức chuyện học