Ấm áp tình người giữa đại dịch

19/03/2020 07:17

Hơn 60 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là con số được cơ quan chức năng thông báo sáng 17.3.

Sự lây lan này dự báo chưa dừng lại, cho thấy diễn biến phức tạp của đại dịch toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ nhanh chóng trên thế giới, đe dọa sức khỏe của loài người.

Sớm nhìn thấy sự nguy hiểm của dịch bệnh, Việt Nam đã vào cuộc với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, việc bảo vệ sức khỏe nhân dân được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Cuộc chiến cam go chống chủng mới của virus Corona vẫn đang tiếp tục với những quyết sách sát sao, cụ thể, kịp thời của Chính phủ, sự đồng lòng, tin tưởng của nhân dân. Xuyên suốt hành trình cam go ấy là tình người thấm đẫm. Trong nguy khó, nhiều nghĩa cử cao đẹp đang được nhân lên từng ngày, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Thật cảm kích và xúc động trước những hình ảnh đẹp đẽ của các chiến sĩ quân đội, công an đang ngày đêm vì dân quên mình với những hy sinh thầm lặng khó mà đong đếm hết, những giấc ngủ vội giữa giờ giao ca tuần tra, canh gác. Các anh nhường nơi ở của mình cho đồng bào cách ly, góp phần dập dịch, tất cả vì bình yên của nhân dân.

Trong khi dịch bệnh lây lan gây lo lắng trong nhân dân thì vẫn còn có kẻ vô lương đã găm hàng, "thổi giá" khẩu trang y tế, vô cảm với đồng loại để trục lợi. Nhưng ngược lại, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện sản xuất, cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí, thiết thực giúp đỡ đồng bào mình.

Màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ, sắc phục trang nghiêm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang lại kịp thời xuất hiện trên các địa bàn, mang đến những tấm lòng, tình cảm đáng trân trọng, sát cánh cùng bà con trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh. Mỗi người ở những vị trí công tác, từ các miền quê khác nhau, nhưng đều có chung nghĩa cử vì cộng đồng. Những hành động đẹp đó là minh chứng sinh động về tình yêu thương, nghĩa đồng bào của người dân đất Việt.

Kể từ tối 6.3, sau khi phát hiện ca bệnh thứ 17, cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, khó khăn, phức tạp hơn. Thủ đô Hà Nội phải cách ly phố Trúc Bạch (quận Ba Đình) từ nhà số 125 đến nhà 139 để phục vụ cho việc khoanh vùng, dập dịch. Cơ quan chức năng đáp ứng đầy đủ nhu yếu phẩm cho 195 người dân thuộc diện cách ly tại phố Trúc Bạch sử dụng. Mỗi đợt cấp hàng hóa đáp ứng 3 ngày sử dụng của người dân trên cơ sở đã tính toán những mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết như rau xanh, thịt, trứng, gạo, mỳ ăn liền, nước uống, dầu ăn…

Trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần khẳng định: Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trên thực tế, cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã được ưu tiên dành nguồn lực tối đa trong điều kiện cho phép.

Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí cho những người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với virus SARS-CoV-2. Nếu có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm cũng do ngân sách nhà nước chi trả. Qua đó cho thấy nỗ lực lớn của Việt Nam, tuy kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng trong tình huống nguy cấp, Đảng, Nhà nước đã đặt sinh mệnh con người lên trên hết, với tinh thần tất cả vì đồng bào.

Thật ấm áp biết bao khi cuộc chiến nhiều khó khăn này còn có sự chia sẻ, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Chính phủ Hàn Quốc ủng hộ 500.000 đô la Mỹ; Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam… đã ủng hộ để thành lập Quỹ phòng chống dịch Covid-19. Nhiều "Mạnh Thường Quân" là các nghệ sĩ, diễn viên trong cả nước đã chủ động đóng góp, thể hiện tấm lòng thơm thảo, chung sức cùng cộng đồng chống đại dịch.

QUỲNH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấm áp tình người giữa đại dịch