Ngày 17/5, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã yêu cầu Israel mở tất cả các cửa khẩu đất liền giữa nước này với Dải Gaza để cho phép tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo và cứu trợ.
Ngoại trưởng Shoukry đưa ra đề nghị trên trong cuộc điện đàm với điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết của Liên hợp quốc (LHQ) tại Gaza, bà Sigrid Kaag.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết hai quan chức đã đề cập đến sự nguy hiểm trong các hoạt động quân sự của Israel ở thành phố Rafah, phía Nam Gaza, cũng như sự kiểm soát của Israel đối với phía Palestine ở cửa khẩu Rafah. Hai bên cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo các điều kiện an toàn cho hoạt động viện trợ nhân đạo vào cửa khẩu Rafah và chấm dứt các hoạt động quân sự ở các khu vực lân cận.
Ngoại trưởng Shoukry nhấn mạnh Israel cần tôn trọng và bảo vệ các nhà hoạt động nhân đạo, không nhắm mục tiêu vào trụ sở của các cơ quan cứu trợ quốc tế, cũng như đảm bảo quyền tiếp cận và tự do đi lại của các đội cứu trợ tại Dải Gaza.
Trước đó ngày 16/5, các nguồn tin an ninh của Ai Cập cho biết nước này đã phản đối đề xuất của Israel về việc hai nước phối hợp để mở cửa trở lại cửa khẩu Rafah nằm giữa Bán đảo Sinai và Dải Gaza, cũng như cùng quản lý hoạt động vận chuyển hàng viện trợ qua cửa khẩu này trong tương lai.
Trong một diễn biến khác, ngày 17/5, Anh đã chuyển thành công lô hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên đến Gaza thông qua cầu tàu tạm thời do Mỹ xây dựng.
Chuyến hàng viện trợ lần này của Anh bao gồm 8.400 bộ lều bạt đã được đưa đến bờ biển Gaza cùng với hàng hóa nhân đạo của Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Trong vài tuần tới, Anh sẽ cung cấp thêm cho người dân Gaza 2.000 bộ lều bạt, 900 lều, 5 xe nâng và 9.200 bộ dụng cụ vệ sinh.
Ngày 16/5, cầu tàu do Mỹ xây dựng đã đi vào hoạt động, tạo thuận lợi cho 90 xe tải viện trợ quốc tế đến Gaza mỗi ngày và có thể đạt tới 150 xe tải sau khi hoạt động đầy đủ.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Mỹ đã sơ tán 17 bác sĩ Mỹ mắc kẹt tại Gaza kể từ khi Israel tiếp quản cửa khẩu Rafah đã đóng cửa biên giới với Ai Cập. Một nguồn tin cho biết 3 bác sĩ công dân Mỹ khác tình nguyện tham gia sứ mệnh y tế đã chọn tiếp tục ở lại.