Trong khi đó, tỷ lệ nam giới có sử dụng rượu biaở châu Phi là44%, châu Âu trên 73% còn tínhchung toàn thế giới thì tỷ lệ này xấp xỉ 48%.
Khách uống bia tại một quán nhậu ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Tăng chóng mặt
Trong kết quả điều tra diện rộng về thực trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam (VN) do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới đồng thực hiện được công bố sáng 26-9 cho thấy lượng người sử dụng rượu bia, lượng rượu bia được dùng, bệnh tật và tai nạn liên quan đến rượu bia… đều gia tăng chóng mặt tại VN.
Theo ông Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, so sánh giữa năm 2010 và 2015 đã thấy lượng người sử dụng bia rượu ở mức độ có hại tăng mạnh. Tỷ lệ nam giới dùng bia rượu ở mức độ có hại năm 2010 là 25% thì đến năm 2015 tỉ lệ này trên 44%.
Năm 2010 người Việt tiêu thụ trên 2,4 tỷ lít bia thì đến năm 2015 con số này đã là 3,4 tỷ lít.
VN đang đứng thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan), thứ 10 ở châu Á và 29 trên thế giới về lượng rượu bia được sử dụng.
Tuy nhiên, nếu tính riêng về tỷ lệ nam giới sử dụng bia rượu (Việt Nam là khoảng 77%) thì tỷ lệ này của VN đang đứng đầu tỷ lệ bình quân của khu vực và cả thế giới.
Tỉ lệ nam giới có sử dụng rượu bia ở châu Phi là 44%, nam giới châu Âu trên 73% còn tính chung toàn thế giới thì tỷ lệ này xấp xỉ 48%.
Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn?
Ông Nguyễn Phương Nam, cán bộ của Tổ chức Y tế thế giới tại VN, đặt câu hỏi "VN là quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn?”.
Khi khảo sát trên 1.840 bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% tham gia giao thông hai giờ sau khi uống rượu bia.
“Từ hàng chục năm trước, châu Âu đã có tính toán và cảnh báo nếu gia tăng 1% chi tiêu bình quân cho rượu bia thì sẽ tăng 0,85% số ca tử vong do tai nạn giao thông, tăng 0,61% số ca bị thương và 0,37% số ca bị xơ gan!”- ông Nam cho biết.
Trao đổi với báo giới bên lề hội thảo, ông Lý Trần Tình - nguyên giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội - cho biết VN là 1 trong 5 nước có tầm vóc dân cư bình quân thấp nhỏ nhất thế giới, một trong những nguyên nhân theo ông Tình là có liên quan đến rượu bia.
“Mỗi năm gần đây Bệnh viện Tâm thần Hà Nội điều trị cho 450-500 người nghiện rượu, trong khi khoảng 10 năm trước thì chỉ vài chục bệnh nhân/năm. Có những bệnh nhân nghiện rượu mới 15 tuổi. Nếu không hạn chế được rượu bia, chúng ta không thể phát triển được” - ông Tình cho biết.
Trong khi tình hình "say xỉn" của nam giới ngày càng nghiêm trọng thì Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia dự kiến phải tháng 5-2018 mới được đệ trình Quốc hội, chậm hơn nhiều lần so với các dự kiến trước đây.
Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, thành viên Ban soạn thảo dự thảo Luật này, những vấn đề vốn rất gây tranh cãi như cấm bán rượu bia sau 22 hoặc 24g vẫn sẽ có trong dự thảo luật.
Theo Tuổi trẻ