6 dấu hiệu tình yêu đã hết

23/12/2022 14:21

Nghiên cứu cho thấy khi vợ chồng thể hiện những hành vi tiêu cực, tránh trách nhiệm, kiểm soát hay thờ ơ.... nhiều khả năng mối quan hệ của họ đã đi đến hồi kết.

Sự thờ ơ không phản hồi

Nhiều chuyên gia về hôn nhân đã khẳng định, khi được phỏng vấn các cặp vợ chồng đều thấy bị tổn thương khi không được thỏa mãn nhu cầu tình cảm, thậm chí bị bạn đời phớt lờ.

Tại sao bỏ bê tình cảm lại gây tổn hại cho các mối quan hệ?

Các nghiên cứu đã phát hiện ra, khi cảm xúc của một người bị phớt lờ, não bộ có xu hướng hiểu đó là sự từ chối. Cảm giác bị từ chối đó sẽ kích hoạt các vùng não cụ thể gây ra nỗi đau thực sự, cũng là những vùng liên quan đến chấn thương thể chất, được kích hoạt. Đồng thời, não bộ cũng sẽ kích thích cảm xúc sợ hãi, những suy nghĩ tiêu cực như "Tôi không đủ tốt", "Tôi không đáng được yêu thương"... từ từ được kích hoạt, tạo ra một loạt phản ứng dây chuyền như xấu hổ và tức giận.

Không chỉ vậy, ký ức khó chịu này sẽ được phát đi phát lại nhiều lần, những cảm xúc tiêu cực cũng sẽ tích tụ theo đó. Theo thời gian, tất cả những điều này sẽ tạo thành cảm giác bất an và mất lòng tin trong mối quan hệ, khiến đôi bên dù không có sự ngăn cách trên thực tế thì cũng trở nên người lạ, dưới một mái nhà.

Ảnh minh họa: Pexels

Buông lời cay nghiệt

Trong lúc tức giận, không làm chủ được lời nói, bạn có thể buông ra những lời cay đắng, chạm vào tự trọng hay điểm yếu của đối phương. Việc truyền đạt cảm xúc tiêu cực có sức tàn phá lớn nhất trong một mối quan hệ.

Theo nhà tâm lý học John Gottman (Mỹ), khinh thường là sự pha trộn độc hại của sự tức giận và ghê tởm, có hại hơn nhiều so với sự tức giận thuần túy, bởi nó làm cho đối tác của bạn trông thấp kém hơn là bình đẳng. Khinh thường là một trong bốn yếu tố chính có thể giết chết hôn nhân cùng với chỉ trích, biện minh và chiến tranh lạnh. Nếu điều này xảy ra thường xuyên, mối quan hệ khó thoát khỏi ngày tận thế.

Nghiên cứu chỉ ra, nếu người vợ thể hiện bốn biểu hiện ghê tởm và khinh thường trở lên trong cuộc nói chuyện trong vòng 15 phút, hôn nhân sẽ tan vỡ trong vòng khoảng 4 năm.

Dối trá

Các nhà nghiên cứu Đại học Queensland (Australia) đã phát hiện ra rằng có những kiểu lừa dối chính trong các mối quan hệ yêu đương, đó là giấu giếm, xuyên tạc, nói một nửa sự thật, dối trá trắng trợn. Trong đó, nhiều người sử dụng nhiều kiểu nói dối khác nhau để tránh đối đầu và xung đột. Họ coi gian lận là một chiến lược để giảm xung đột và tránh làm giảm sự hài lòng trong mối quan hệ.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra, việc sử dụng thường xuyên các chiến thuật lừa dối không thể xoa dịu mối quan hệ. Đặc biệt, nói dối người thân yêu sẽ làm giảm đáng kể chất lượng mối quan hệ giữa các cặp đôi, tàn phá các mối quan hệ thân mật.

Không có sự cho đi, nhận lại bình đẳng

Nhà tâm lý học người Mỹ Robert Sternberg đã đề xuất "thuyết tam giác tình yêu" nổi tiếng. Ông tin rằng cái gọi là tình yêu đích thực bao gồm ba yếu tố: đam mê, thân mật và cam kết. Cam kết là nguyện ý bên nhau duy trì tình cảm, cũng là lựa chọn từ bỏ người khác, đồng hành phát triển thân mật quan hệ.

Trong một mối quan hệ với những cam kết không bình đẳng, một bên thường rất tận tụy và rất muốn duy trì mối quan hệ với bên kia, nhưng thiện chí của bên kia lại không mạnh mẽ, thậm chí còn âm thầm nuôi dưỡng cơ hội tiếp xúc với người khác, ví dụ không thừa nhận mối quan hệ của bạn ở nơi công cộng, không muốn đi xa hơn...

Không ham muốn tình dục

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội Mỹ, giai đoạn trăng mật tình dục của một mối quan hệ thường kéo dài 2-3 năm trước khi nó bắt đầu xuống dốc.

Ngoài ra, ham muốn tình dục dao động lên xuống là điều bình thường. Nếu một bên bước vào thời kỳ lãnh cảm tình dục do mệt mỏi, căng thẳng hoặc chu kỳ kinh nguyệt và tạm thời không còn đam mê sex thì điều đó không có nghĩa là mối quan hệ đã kết thúc. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy muốn phản kháng hoặc thậm chí ghê tởm khi nhớ lại cảnh tiếp xúc thân mật hoặc khi có sự tiếp xúc thân thể, bạn có thể cần xem xét lại mối quan hệ.

Sự trả thù

Nhà tâm lý học Sigmund Freud chỉ ra, sự đau khổ không được giải tỏa sẽ tích tụ thành những ức chế trong lòng, tạo ra cảm giác muốn trả thù, muốn làm đau đối phương để họ hiểu được sự đau đớn mà một người phải trải qua. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả những điều này sẽ chỉ phản tác dụng và đẩy nhanh sự tan vỡ của mối quan hệ.

Trả thù sẽ chỉ làm mối quan hệ tan vỡ nhanh hơn, thay vì được hàn gắn.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    6 dấu hiệu tình yêu đã hết