Vụ buôn lậu 51 kg vàng là đụng đến túi tiền, tài sản của nhiều người. Còn ca nhiễm COVID-19 trong khu cách ly làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân TP Hồ Chí Minh.
Buôn lậu vàng chẳng liên quan đến COVID-19 nhưng hai chuyện này có hậu quả như nhau, đó là ảnh hưởng đến mọi người.
Đâu chỉ doanh nghiệp du lịch, hàng không, các chị tiểu thương cũng điêu đứng. Rảo qua chợ bán hàng trang trí Noel đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP Hồ Chí Minh), người bán than vừa vào mùa kinh doanh bỗng có ca COVID-19, họ vội ngưng lấy hàng vì nếu lỡ không chặn được đà lây nhiễm, hàng bán không được là mệt. Người bán ngại lấy hàng, người sản xuất cũng mệt với thành phẩm tồn kho hoặc phải ôm nguyên vật liệu đã mua, nắm chắc thất thu.
Giá đừng có ca nhiễm, chuỗi ngày không ca dương tính trong cộng đồng đâu dừng ở 88 ngày, chuyện làm ăn hanh thông, ai cũng vui. Nhưng...!
Thế nói vụ buôn lậu 51kg vàng mà Công an An Giang khởi tố đụng đến túi tiền mọi người là có nói quá không? Không. Với nhiều người Việt, của để dành thường quy ra vàng, đôla, vì thế giá lên hay xuống đều ảnh hưởng. Vậy mà buôn lậu luôn là "tác giả" của cơn sóng giá vàng, đô. Họ gom đô mua vàng lậu khiến giá đô tăng, lúc họ gom vàng xuất lậu để kiếm lời đẩy giá vàng nhao lên. Cứ thế, giá vàng và đô nhảy múa làm người dân lên ruột, bất chấp Nhà nước muốn ổn định để mọi người tin vào VND, thôi nắm vàng và đôla, giữ VND để làm ăn.
Buôn lậu vàng, đô là vi phạm pháp luật, nhưng hoạt động này diễn ra hàng chục năm qua lại ít thấy xử lý. Bắt bớ nếu có đa số là người được thuê vận chuyển vàng, đôla qua biên giới.
Thế mới có chuyện gần đây dân buôn lậu bỏ của chạy lấy người, bỏ lại hàng trăm ngàn đôla cho Nhà nước... tịch thu. Người cầm đầu đường dây buôn lậu ít khi bị đưa ra ánh sáng. Ngon ăn, đã hình thành đường dây "rửa" vàng lậu ra vàng có hóa đơn để rút rỉa người mua vàng, trốn thuế nhà nước, gây bất ổn thị trường.
Hệ lụy vô hình, hữu hình có đủ, xộc vào mỗi nhà, từng cá nhân. Giá như xử nghiêm kẻ cầm đầu buôn lậu, dân đỡ vất vả. Giá như thôi, chứ buôn lậu vẫn đi về, tình trạng được một nhà, thiệt muôn nhà vẫn diễn ra.
Tương tự, chuyện "vài người lơ là, cả làng cùng mệt" vì COVID-19 vừa xảy ra khiến không ít người đặt vấn đề: giá như trước đây các vụ lòng vòng né truy vết dẫn đến dịch lan rộng từng diễn ra từ đầu đại dịch được xử nghiêm, biết đâu mọi người chờn, không dám vô tư để lây nhiễm như trường hợp cách nay ít ngày.
Cũng có người nói tâm lý chung là vậy, khi có chuyện thì lên án gay gắt, đòi hỏi phải xử thế này thế nọ, nhưng lúc bình thường, ông A, bà B có buôn lậu, đó là chuyện của họ hoặc ông C, bà D lơ là cách ly cũng chẳng liên quan đến mình.
Nhưng bài học rút ra là thượng tôn pháp luật vẫn tốt hơn cả. Buôn lậu vàng, đô phải truy cho ra, xử nghiêm vài vụ, tịch thu tang vật và lợi nhuận bất minh, chắc dân mình đỡ hồi hộp vì giá vàng, đôla. Hoặc ông bà nào lơ là cách ly, phạt nặng, kể cả hình sự để không phải xin lỗi hay hối hận gì, xã hội đỡ nháo nhào vì COVID-19 trở lại. Thuốc đắng dã tật.
Một người uống, kêu đắng quá, nhiều người khác phải lo giữ mình để khỏi phải uống chén đắng. Ý này xem ra quá đúng.
THANH TUYỀN