Là đầu tiên hay cuối cùng, chủ tâm hay vô thức, đắm đuối hay lãnh cảm… những nụ hôn trên màn bạc bao giờ cũng mang lại cảm giác mạnh và khó quên với nhiều thế hệ đồ đệ bộ môn nghệ thuật thứ 7.
Phim Cuốn theo chiều gió (1939): Nụ hôn chinh phục trái tim cả thế giới
Bằng nụ hôn lãng mạn với người đẹp Anh quốc Vivien Leigh (1913-1967), Clark Gable (1901-1960), sao Hollywood những năm 1930-1940 đã chinh phục trái tim cả thế giới.
Chuyện tình cặp đôi trong phim kết cục hoàn toàn không lãng mạn. Nàng Scarlett O’Hara (Leigh thủ vai) không thực lòng yêu chàng Rhett (Gable). Thế nên cho dù cuối cùng nhận nụ hôn mỏi mắt chờ đợi, người đẹp vẫn chứng tỏ trái tim nàng luôn hướng về người đàn ông khác.
Mặc dù gây sốt, thực tế nữ diễn viên Leigh không hề hứng thú với nụ hôn của bạn diễn trong phim Cuốn theo chiều gió
Tệ hơn, ngoài đời Leigh cũng không hứng thú với nụ hôn của bạn diễn. Dẫu một nửa phái đẹp Mỹ nhóm tuổi từ 15 đến 95 sẵn sàng đón nhận cơ hội cọ xát cặp môi chàng Gable rậm râu, song trong nhiều bài trả lời phỏng vấn, chủ nhân 2 tượng vàng Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất không ngại ngùng nhắc lại sự thật tiếp cận khóe miệng đối tác.
Đáp lại, chàng Rhett ngoài đời quả quyết hôn nàng Scarlett không khác gì ngậm miệng vào… hộp gạt tàn thuốc lá (Leigh nghiện thuốc lá nặng).
Phim Notorious (1946): Mẹo lách luật Hays nghiêm ngặt
Thời lượng trao gửi nụ hôn bắt buộc ngắn dưới 3 giây là một trong những quy định hà khắc của Luật Đạo đức điện ảnh Mỹ Hays Code thời những năm 1930. Thực thi điều luật này, tại các trường quay thời ấy thường ghi nhận hình ảnh nhân viên làm công việc đo đếm thời gian diễn viên hôn nhau.
Nụ hôn "ăn gian" lách luật
Nhà làm phim người Anh Alfred Hitchock (1899-1960), một trong những đạo diễn vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh thế giới đã tìm ra mẹo vặt loại bỏ Luật Hays bảo thủ.
Trong trường đoạn lãng mạn phim Notorious (1946), thực tế thời gian sao Hollywood gốc Anh Cary Grant (1904-1986), chủ nhân Oscar danh dự 1970 và sao màn bạc Thụy Điển Ingrid Bergman (1915-1982 sở hữu 3 Oscar hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất kéo dài nhiều lần hơn 3 giây. Tất cả nhờ thủ thuật xé vụn nụ hôn ở dạng đối thoại giữa hai người tình. Rốt cuộc hành vi vẫn không phạm luật - thời gian hai khóe miệng tiếp xúc liên tục kéo dài dưới 3 giây.
From Here to Eternity (1953): Nụ hôn mang lại đề cử giải Oscar
Người sũng nước, sao màn bạc người Scotland Debarah Kerr (1921-2007, giải BAFTA đặc biệt 1955, Oscar danh dự 1993) trốn chạy sóng biển trên bãi tắm Halona Beach Cove ở Hawaii.
Nàng ngả lưng vào chiếc khăn tắm trải trên nền cát vàng. Giây lát sau mày râu xếp thứ 19 bảng xếp hạng 100 sao xuất sắc nhất Hollywood 1999 Burt Lancaster (1913-1994, Oscar 1960 cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất) lao tới Kerr, thân hình thể thao cũng đẫm nước biển và ngả đầu hôn nàng. ''Trước đây chưa ai hôn em như anh'' - choáng ngợp trước nụ hôn bất ngờ, người đẹp do Kerr sắm vai thảng thốt.
Nụ hôn ngẫu hứng, độc đáo ngay cả với thời nay
Nụ hôn được ngưỡng mộ tới mức nó được lặp lại trong hầu hết phim lãng mạn Hollywood thời những năm 1950-1960. Chuyện thú vị là trong kịch bản nguyên thủy không hề có chi tiết này. Nó là tác phẩm của chính Lancaster.
Ngoài tài năng diễn xuất, chính ý tưởng trao nụ hôn với tư thế độc đáo như vậy trên bãi biển đã mang lại cho người hùng đề cử giải Oscar.
Splendor in the Grass (1961): Nụ hôn Pháp đầu tiên ở lịch sử màn bạc Mỹ
Đến đầu những năm 1960, không còn nhiều người quan tâm đến luật cấm kỵ Hays. Song các nhà sản xuất phim và bản thân giới nghệ sĩ vẫn e ngại sự buông thả thái quá. Nhân vật đầu tiên can đảm vượt qua rào cản là đạo diễn Mỹ gốc Hy Lạp Elia Kazan (1909-2003).
Nụ hôn Pháp đầu tiên trong lịch sử màn bạc Mỹ
Phim tâm lý xã hội Splendor in the Grass mô tả tình yêu e thẹn nhưng bốc lửa của thiếu nữ tuổi teen do sao Hollywood gốc Nga Natalie Wood (1935-1981, chủ nhân 2 Quả cầu Vàng 1957, 1966) thủ vai với mày râu Bud Stamper do diễn viên kiêm đạo diễn Warren Beatty (sinh năm 1937, 15 lần nhận đề cử giải Oscar, chỉ 1 lần đoạt giải này cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất) vào vai.
Splendor in the Grass là phim đầu tiên lịch sử điện ảnh Mỹ xuất hiện nụ hôn ướt át kiểu Pháp. Hơn thế, để kéo người xem đến rạp, nhà sản xuất còn lấy “nụ hôn Pháp” để quảng cáo tác phẩm.
Bữa ăn sáng ở Tiffany (1961): Nụ hôn đầu tiên dưới trời mưa
Đó là nụ hôn đầu tiên nổi tiếng của cặp tình nhân trẻ dưới trời mưa trong lịch sử điện ảnh. Holly Golightly (sao màn bạc Anh quốc Andrey Hepburn 1929-1993, đứng thứ 3 Bảng xếp hạng các huyền thoại vĩ đại nhất điện ảnh Mỹ, chủ nhân cả giải Oscar, Emmy, Grammy và Tony thủ vai) – thiếu nữ tuổi teen xinh đẹp và duyên dáng khao khát thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, buồn tẻ bang Texas, hy vọng hòa nhập chốn thị thành phồn hoa New York.
Kết cục, nàng Golightly tìm được cuộc sống bình dân, song hạnh phúc với nhà văn nghèo Paul Varjak (George Peppard 1928-1994, sao màn bạc Mỹ thể hiện).
Nụ hôn dưới trời mưa sẽ còn ở lại mãi trong tâm trí những người đang yêu
Với nụ hôn độc đáo dưới trời mưa Bữa ăn sáng ở Tiffany đã giành vị trí xứng đáng trong Bảng xếp hạng 100 phim lãng mạn xuất sắc nhất do Viện Phim Mỹ bình chọn.
Theo Tiền phong