Niềm vui và háo hức trong tôi còn lớn hơn, bởi năm nay tôi tròn 18 tuổi. Lần đầu tiên trong đời tôi được cầm lá phiếu trực tiếp thực hiện trách nhiệm cũng như quyền công dân của mình.
Những ngày này không khí thật tưng bừng náo nức. Cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời. Bài hát “Ngày vui bầu cử” vang vang trên loa truyền thanh như thúc giục, động viên mọi người hướng về ngày bầu cử - ngày hội non sông, hòa chung niềm vui của quân dân cả nước.
Niềm vui và háo hức trong tôi còn lớn hơn, bởi năm nay tôi tròn 18 tuổi. Lần đầu tiên trong đời tôi được cầm lá phiếu trực tiếp thực hiện trách nhiệm cũng như quyền công dân của mình. Ở khu tôi những cử tri trẻ tuổi như tôi không phải là ít. Niềm vui, sự mong chờ của chúng tôi như làm cho không khí của ngày hội càng thiêng liêng hơn.
Khi đọc bản danh sách cử tri có tên mình, tôi háo hức chờ đợi. Thời gian sao trôi chậm thế. Tôi đếm từng ngày đến ngày bầu cử để bỏ phiếu chọn ra những đại biểu ưu tú đủ tài, đủ đức đại diện cho ý chí, quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Phấn khởi lắm chứ. Tự hào lắm chứ. Và cũng hồi hộp lắm.
Hôm nay, bà nội tôi dậy sớm hơn thường nhật. Bà thử lại chiếc áo dài truyền thống mà chỉ dùng vào ngày Tết Nguyên đán. Tôi khen: “Bà nội hôm nay trẻ ra đến mấy tuổi”. Bà bảo: “Tết Nguyên đán mỗi năm có một lần mình còn mặc đẹp, còn chuẩn bị tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND 5 năm mới có một lần nên càng phải ăn mặc đẹp hơn, chỉnh tề hơn. Bởi đó là ngày hội của non sông, đất nước. Hôm tới bà sẽ mặc bộ áo dài này cùng con đi bỏ phiếu nhé”.
Bà nội tôi đã 94 tuổi rồi. Nhưng bà còn khỏe mạnh và khá minh mẫn. Bà kể tôi nghe lần bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên ngày 6.1.1946. Ngày ấy bà mới 19 tuổi, mù chữ. Đến địa điểm bầu cử, bà đề nghị được nghe tiểu sử từng người ứng cử. Nghe kỹ, cân nhắc kỹ bà mới nhờ người gạch tên những ai mà bà không đồng ý. Đến nay, bà nội tôi đã được bầu đại biểu Quốc hội 14 khóa. Và lần nào bà cũng xúc động như lần đầu tiên. Bà bảo: “Ngày ấy nền độc lập, tự do của đất nước như ngàn cân treo sợi tóc. Giặc trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt vây bủa. Thế mà Cụ Hồ và Chính phủ vẫn tổ chức bầu cử đạt kết quả tốt".
Nhắc đến Cụ Hồ, bà nội tôi rưng rưng kể tiếp: “Trước ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên một ngày, ngày 5.1.1946, Cụ Hồ đã ra lời kêu gọi toàn thể đồng bào đi bỏ phiếu". Nguyên văn lời kêu gọi bà tôi không nhớ. Bà chỉ nhớ rằng trong lời kêu gọi ấy như có cả niềm vui sướng vô biên của Cụ. Không vui sao được, không sung sướng sao được khi trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc có sự kiện Tổng tuyển cử 6.1.1946, người dân Việt Nam có trong tay quyền làm chủ vận mệnh của đất nước, của mình.
Lần bầu cử này, bà tôi được đại diện cử tri trong khu lên phát biểu. Bà đã chuẩn bị thật kỹ những điều muốn bày tỏ, bà bảo: “Nhớ lời Cụ Hồ dạy ngày ấy, mỗi cử tri chúng ta hôm nay cần ý thức hơn, cân nhắc kỹ hơn trong việc lựa chọn bầu ra những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước”. Lời dạy của bà tôi đã khắc ghi để hôm này lựa chọn những người đại biểu của dân thật xuất sắc.
NGUYỄN SỸ