Cờ đỏ sao vàng hiện diện nơi nơi trong những ngày này, ở Hải Dương hay bất cứ nơi nào Tổ quốc ta. Lá cờ đỏ sao vàng là niềm kiêu hãnh, tự hào của mỗi người dân đất Việt!
Xuất hiện trong phong trào cách mạng năm 1940 ở Nam Kỳ, một năm sau, Việt Minh xác định, sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc.
Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khai sinh, thì ngày 5/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nêu rõ: Quốc kỳ Việt Nam ấn định có hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài; nền mầu đỏ tươi, ở giữa có sao năm cánh mầu vàng tươi. Nền cờ màu đỏ tượng trưng dòng máu đỏ, màu của nhiệt huyết, ý chí, niềm tin, “tinh thần hy sinh chiến đấu cách mạng của nhân dân Việt Nam”, ngôi sao màu vàng tượng trưng “ánh sáng của vai trò lãnh đạo cách mạng”, nó còn là màu da vàng và năm cánh sao tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (ngày 31/10/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm vóc của cờ đỏ sao vàng: "Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn, bây giờ trừ khi cả 25 triệu đồng bào còn ra không ai có quyền gì mà đòi thay đổi nó".
Quốc kỳ Việt Nam nền đỏ sao vàng đã được Quốc hội Việt Nam chính thức công nhận trong bản Hiến pháp nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9/11/1946: “Cờ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh”.
Từ đó đến nay, hình ảnh cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong các sự kiện trọng đại của đất nước, trong suốt chiều dài phong trào cách mạng Việt Nam đã trở thành niềm kiêu hãnh, tự hào của mỗi người dân nước Việt.
Tròn 70 năm trước, lá cờ đỏ sao vàng Quyết chiến, Quyết thắng của bộ đội ta tung bay trên nóc hầm De Castries, kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh dấu sự kiện chấn động địa cầu "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".
49 năm trước, lúc 9 giờ ngày 29/4/1975, Quần đảo Trường Sa giải phóng, cũng là ngần ấy thời gian, lá cờ đỏ sao vàng hiện diện trên các điểm đảo, nhà giàn, khẳng định chủ quyền thiêng liêng trên biển của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Những lá quốc kỳ được cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo, ngư dân trên biển nâng niu gìn giữ, bảo vệ, như bảo vệ máu thịt của mình.
Một ngày sau đó, ngày 30/4/1975, các đoàn quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ (tượng trưng miền Bắc đã độc lập) và xanh dương (miền Nam còn dưới ách đô hộ) tung bay theo chân các đoàn quân giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong các cuộc thi ở đấu trường quốc gia, quốc tế, khi học sinh, vận động viên Việt Nam đặt trái tim lên ngực, mắt hướng lên cờ Tổ quốc, Quốc thiều được cử lên hùng tráng khiến bất kỳ người Việt Nam nào cũng rưng rưng xúc động...
Từ hải đảo xa xôi đến miền biên giới, ở Việt Nam hay ở nước ngoài, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng là thấy Tổ quốc ta thật gần. Cảm xúc hãnh diện xen lẫn tự hào dâng trào trong huyết quản.
Để có màu cờ đỏ ấy ngày nay tự hào đứng ngang hàng với lá cờ của các cường quốc trên thế giới là cả một quá trình bền bỉ đấu tranh của các thế hệ cha ông, là biết bao triệu đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, mà khi ngã xuống, có chiến sĩ vẫn nắm chặt trong tay lá cờ đỏ sao vàng, để “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” - như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói!
TIẾN HUY