Ăn trái cây thay cho bữa chính hoặc cắt bỏ bất kỳ nhóm dinh dưỡng nào trong thời gian dài đều không tốt cho sức khỏe, khiến khó giảm cân, ảnh hưởng đến trao đổi chất.
1. Kiêng khem phản khoa học
Ăn một lượng rất nhỏ để giảm cân sẽ có tác dụng rõ rệt trong thời gian ngắn nhưng khi bạn kéo dài chế độ này, cơ thể kích hoạt cơ chế tự bảo vệ để duy trì hoạt động bình thường bằng cách giảm lượng calo tiêu thụ. Việc này khiến tốc độ trao đổi chất cơ bản cũng bị chậm lại và cơ thể có xu hướng tích mỡ nhiều hơn.
2. Ăn trái cây thay bữa chính
Hàm lượng đường fructose trong trái cây rất cao. So với các loại thực phẩm giàu tinh bột, fructose dễ hấp thu và chuyển hóa thành chất béo hơn, không có lợi cho việc giảm cân, dễ gây cảm giác đói, thèm ăn, khiến bạn tiêu hao nhiều calo hơn.
Các chuyên gia dinh dưỡng gợi ý khi giảm cân có thể ăn trái cây trong ngày nhưng không nên thay thế bữa chính, đặc biệt là bữa tối. Sau 16 giờ, ưu tiên những loại trái cây ít calo như cà chua bi, việt quất, bưởi, dâu tây... nhưng không ép thành nước. Uống nước trái cây tương đương với việc uống nước đường, dễ gây biến động đường huyết.
3. Kiêng tinh bột dài ngày
Là một trong ba chất dinh dưỡng chính, carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng cơ bản và chủ yếu nhất cho cơ thể con người. Không ăn carbohydrate trong thời gian dài sẽ làm giảm khối lượng cơ bắp, giảm quá trình trao đổi chất và ảnh hưởng đến nội tiết.
Khoảng một nắm tay thực phẩm chứa carb mỗi bữa là liều lượng lý tưởng. Khi đặt mục tiêu giảm cân, chuyên gia khuyến khích ưu tiên nguồn carb tốt, giàu dinh dưỡng và chất xơ như khoai lang, ngô, gạo lứt, yến mạch...
4. Thiếu hụt protein
Protein cũng là một trong ba thành phần dinh dưỡng chính của cơ thể, không chỉ duy trì hoạt động bình thường mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất, góp phần quan trọng sửa chữa tế bào tổn thương. Protein cũng tạo cảm giác no và có thể giúp giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể một cách hiệu quả. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thứ thực sự khiến con người béo không phải thịt mà là đường.
Nguồn protein chất lượng cao được chuyên gia khuyến khích là hải sản, ức gà, thịt bò, trứng, thịt nạc, đậu phụ, các sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt...
5. Chỉ ăn đồ luộc
Nhiều người khi giảm cân hay theo đuổi lối sống lành mạnh thường ưu tiên chỉ ăn đồ hấp/luộc hoặc các loại thịt nạc không mỡ nhằm hạn chế calo nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, ăn quá ít chất béo hoặc thiếu chất béo lâu ngày cũng không tốt cho cơ thể. Ăn không đủ chất béo trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, gây táo bón, ảnh hưởng đến sức khỏe làn da, mái tóc, ức chế việc hấp thụ vitamin, rối loại kinh nguyệt...
Tóm lại, muốn giảm cân lành mạnh, an toàn, bạn vẫn cần tiêu thụ chất béo nhưng với liều lượng vừa phải và đảm bảo chọn đúng loại chất béo tốt. Chất béo có lợi cho sức khỏe có nhiều trong dầu olive, quả bơ, cá biển, các loại hạt... Ngược lại, chất béo chuyển hóa có nhiều trong các loại đồ ăn nhanh, đồ chiên rán ngập dầu... nên được hạn chế tối đa. Nếu có sở thích ăn các loại rau ở dạng thô hay luộc, hấp, bạn có thể trộn thêm dầu như olive, dầu óc chó, dầu mè để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Theo Ngôi sao