Hiểu rõ những cạm bẫy khi trở thành lãnh đạo giúp các cá nhân củng cố địa vị và cải thiện môi trường làm việc.
Vừa thăng chức hay đang là quản lý đều khiến chúng ta trở thành mục tiêu của vô số sự kỳ vọng hoặc tâm điểm của sự soi mói, đố kỵ.
Dưới đây là 5 bẫy quyền lực phổ biến cũng như chiến lược giúp các nhà lãnh đạo sử dụng quyền lực một cách khôn ngoan và tăng hiệu suất làm việc của tập thể.
Bẫy cứu tinh
Khi ai đó đang nắm giữ các chức vụ cao hơn, mọi người có xu hướng để xin lời khuyên hoặc hướng giải quyết nhiều vấn đề. Điều này có thể khiến bạn dễ dàng rơi vào bẫy cứu tinh (the savior trap) khi luôn cố gắng xử lý mọi vấn đề, quản lý cả những việc nhỏ nhặt hoặc liên tục phải đưa ra những quyết định, lời khuyên dư thừa, nằm ngoài phạm vi công việc.
Người đưa ra lời khuyên có thể giành được cảm tình của nhiều người nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi khi quá tập trung vào việc cứu người khác họ bắt đầu tự tin vào khả năng của bản thân và thấy cần phải kiểm soát mọi thứ. Điều này vô tình phản tác dụng, khiến bản thân ôm đồm nhiều thứ và ảnh hưởng công việc chính.
Giải pháp là bạn cần tạo thói quen đặt câu hỏi cho nhân viên trước khi đưa câu trả lời. Hãy suy nghĩ xem có bao nhiêu đề xuất của bản thân được thực thi và yêu cầu nhân viên đánh giá ẩn danh tính hữu ích của các đề xuất.
Trong trường hợp các thành viên trong nhóm có năng lực nhưng không biết cách thể hiện, hãy khích lệ họ chia sẻ vấn đề và suy nghĩ cách giải quyết thay vì đẩy mọi trọng trách cho cấp trên.
Bẫy tự mãn
Khi nắm giữ chức vụ với quyền hạn cao hơn con người có xu hướng coi bản thân như một chuyên gia để giải quyết mọi vấn đề.
Khác với bẫy cứu tinh, bẫy tự mãn (the complacency trap) xảy ra khi một người mất đi sự tò mò và hứng thú về mọi việc. Nhóm người này thường cho rằng mình biết mọi thứ nên ít đặt câu hỏi để giải quyết vấn đề triệt để. Điều này khiến họ bỏ lỡ những cuộc thảo luận sâu sắc và cập nhật kiến thức mới.
Điều tốt nhất là nuôi dưỡng thói quen tìm tòi, luôn đặt câu hỏi để khám phá các giải định, giá trị và quan điểm khi làm việc như: Chúng ta đang đưa ra những giải định gì?; Chúng ta còn chưa tìm hiểu điều gì?
Sử dụng mẹo "5 câu hỏi tại sao". Khi gặp vấn đề bạn nên thường xuyên đặt câu hỏi "tại sao" cho đến khi tìm ta nguyên nhân của vấn đề.
Bên cạnh đó cấp quản lý cũng nên chủ động chia sẻ những khám phá của bản thân để biến việc học và trau dồi kiến thức thành thói quen, tránh bẫy tự mãn.
Cuối cùng là tập trung vào hiện tại và tránh làm nhiều việc cùng lúc. Hãy cất điện thoại, tắt laptop trong cuộc họp và tích cực tương tác với mọi người.
Bẫy né tránh
Không ít quản lý chọn đi đường tắt trong công việc. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tránh được những đầu việc không mong muốn bằng cách giao phó cho người khác, giảm xung đột.
Cạm bẫy né tránh có thể giúp mỗi cá nhân giảm bớt gánh nặng trong thời gian ngắn nhưng lại làm suy yếu khả năng giải quyết vấn đề của họ. Kiểu bẫy này còn ảnh hưởng đến khả năng thấu cảm cần cho việc xử lý xung đột hoặc lắng nghe một cách cởi mở. Chưa kể, kiểu lãnh đạo hay trốn tránh trách nhiệm thường được xem là thiếu tin cậy, gây ảnh hưởng đến uy tín khiến hiệu suất làm việc giảm.
Suy xét cẩn thận về vai trò của bản thân bằng cách tự hỏi công việc đó có phải là trách nhiệm của mình không. Nếu có, hãy tìm cách giải quyết triệt để.
Mỗi cá nhân cũng cần cân nhắc hậu quả nếu cố tình trốn tránh, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của tập thể.
Cuối cùng là thay đổi nhận thức bằng cách nhìn nhận áp lực một cách tích cực. Coi đây là cơ hội để phát triển với tư cách là một nhà lãnh đạo.
Bẫy bạn bè
Với những nhà lãnh đạo không biết cách sử dụng quyền lực rất dễ rơi vào bẫy bạn bè (friend trap) tức là coi cấp dưới như bạn bè. Điều này thường xảy ra với người vừa được thăng chức và phải quản lý đồng nghiệp. Họ có thể chật vật với việc được tín nhiệm hoặc gây ra hiểu lầm và đôi khi là gồng mình để được nhân viên yêu quý.
Phân tích và học tập những người biết cách sử dụng quyền lực và chức vụ của bản thân hiệu quả.
Khéo léo tận dụng thế mạnh của bản thân để hỗ trợ vai trò của mình.
Trò chuyện rõ ràng với mọi người về vai trò mới của hai bên, đảm bảo mọi cá nhân đều hiểu về nhiệm vụ của mình và tuân thủ mọi quy định.
Bẫy căng thẳng
Trở thành lãnh đạo vốn dĩ là một việc làm gây nhiều căng thẳng. Họ phải chịu đựng áp lực rất lớn để đạt kết quả làm việc cao trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng và thị trường làm việc đầy biến động.
Không ít người bị mắc kẹt giữa việc đáp ứng nhu cầu của nhân viên và các cấp quản lý cao hơn. Hoặc đau đầu giải quyết tình trạng deadline dồn dập và cắt giảm ngân sách.
Bẫy căng thẳng (stress trap) gây ảnh hưởng đến quản lý và những người xung quanh, dễ tạo cảm giác căng thẳng, mệt mỏi và có hành vi tiêu cực cho người khác.
Hậu quả của việc làm này là khiến bầu không khí căng thẳng, nhân viên không thể phát huy năng lực của mình. Chưa kể, căng thẳng gián tiếp dễ gây nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Tìm và xây dựng các phương pháp giảm căng thẳng như luyện tập hít thở, thực hành chánh niệm giúp thư giãn tâm trí, cơ thể.
Tạo dựng thói quen nghỉ giải lao giữa giờ, ăn uống đầy đủ sau thời gian làm việc căng thẳng để tái tạo năng lượng, nâng cao năng suất của bản thân.
Cuối cùng là nên trì hoãn các liên lạc căng thẳng, dành thời gian để suy ngẫm và chia sẻ với người đủ tin tưởng nhằm giảm mệt mỏi, căng thẳng.
T.H (theo VnExpress)