40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Bài 1: Bỏ bút cầm súng

12/02/2019 10:17

17-18 tuổi, tình nguyện gác việc học hành, bỏ lại cây bút cùng giảng đường để cầm súng xung phong lên biên giới phía Bắc.

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 1: Bỏ cây bút cầm cây súng - Ảnh 1.

Một góc phòng truyền thống của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN có trưng bày bức huyết thư của thầy giáo Nguyễn Chiều, nguyên giảng viên khoa Khảo cổ học của trường - Ảnh: HÀ THANH

Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước bảo vệ Tổ quốc. Hàng ngàn sinh viên và giảng viên các trường đại học xung phong ra trận...

Không thể phủ nhận chiến tranh. Thế hệ trẻ không được quên lịch sử, không được quên sự mất mát, hi sinh của các thế hệ đi trước

Thiếu tướng NGUYỄN XUÂN NĂNG

Sáng sớm 17.2.1979, 600.000 quân Trung Quốc bất ngờ tràn qua Việt Nam đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc, tàn sát người dân vô tội.

Ngày 9.3, Trung Quốc lui quân, nhưng thực tế cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài từ tháng 2.1979 cho đến tận năm 1988.

Trong 10 năm đó, những sinh viên học sinh 17-18 tuổi tình nguyện gác việc học hành, bỏ lại cây bút cùng giảng đường để cầm súng xung phong lên biên giới. Rất nhiều người trong số họ đã mãi mãi nằm lại trên dặm dài biên cương Tổ quốc.

Viết đơn bằng máu

Chúng tôi tìm đến phòng truyền thống của Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) vào những ngày cuối năm Mậu Tuất.

Dưới tấm bia "Tổ quốc ghi công" là tên tuổi 27 liệt sĩ sinh viên, giảng viên của trường và một lá thư đặc biệt được lồng trong tủ kính.

Bức thư ghi dòng chữ: "Cho tôi trở lại quân đội bảo vệ Tổ Quốc", phía dưới ký tên Nguyễn Chiều, Sử 3Đ. Dòng chữ đó được viết bằng máu (người viết sau này là thầy giáo Nguyễn Chiều, giảng viên khảo cổ học khoa lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, sau là Trường ĐH KHXH&NV).

Ngày ấy thầy Chiều vừa giải ngũ và đang theo năm thứ ba của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1972, đang theo học năm thứ nhất thì chàng sinh viên Nguyễn Chiều tình nguyện nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Đất nước thống nhất, năm 1976 ông ra quân và trở về trường tiếp tục theo học khoa sử.

Ngày 5.3.1979, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi lệnh tổng động viên:

"Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa.

Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ...

Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc".

Lời kêu gọi được Trường ĐH Tổng hợp phổ biến toàn trường. Nghe phát động của trường, chàng sinh viên năm thứ ba Nguyễn Chiều liền chạy vào lớp lấy giấy, cắn tay cho bật máu để viết dòng huyết thư như trên.

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 1: Bỏ cây bút cầm cây súng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hùng Minh, Vụ trưởng Vụ Thi đua - khen thưởng, Bộ Tài chính từng là cựu chiến binh tham gia mặt trận Vị Xuyên chia sẻ về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc - Ảnh: HÀ THANH

Cử nhân cầm súng

Sắp sửa bước sang tuổi 60, ông Nguyễn Hùng Minh, hiện là Vụ trưởng Vụ Thi đua - khen thưởng của Bộ Tài chính, nhớ rất rõ ký ức những năm tháng chiến đấu trên mặt trận biên giới Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên cũ (nay là Hà Giang).

Năm 1982, chàng trai trẻ Nguyễn Hùng Minh tốt nghiệp khoa kinh tế ngoại thương Trường ĐH Ngoại thương. Thay vì đi làm, Minh viết đơn tình nguyện tham gia quân đội để lên biên giới.

Không chỉ có Minh, khi ấy cả Trường ĐH Ngoại thương có 31 sinh viên cùng viết đơn và cùng được nhập ngũ một ngày.

Ngày chia tay bạn bè, người thân ở ga Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) để lên biên giới, tất cả các sinh viên đều háo hức dù chưa từng biết đến chiến đấu, cũng không hề biết mình sẽ được đưa về mặt trận nào. Nhưng tất cả cùng chung một quyết tâm chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi huấn luyện thời gian ngắn ở Lào Cai, Nguyễn Hùng Minh được phân về đại đội 3, tiểu đoàn 4, trung đoàn 153, sư đoàn 356 và cơ động từ Lào Cai sang Hà Tuyên cũ đến điểm nóng Vị Xuyên, "nơi tiếng pháo ì ầm suốt ngày đêm".

"Tôi làm đúng như lời hứa với mẹ, bạn bè khi trở về từ chiến tranh với hai hồ sơ: hồ sơ quân nhân và hồ sơ đảng viên. Sau khi bị thương, nằm viện hai tháng ở mặt trận Vị Xuyên, tôi được kết nạp vào Đảng năm 1985" - cựu binh Nguyễn Hùng Minh nhớ lại.

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 1: Bỏ cây bút cầm cây súng - Ảnh 4.

Bức huyết thư của thầy giáo Nguyễn Chiều với dòng chữ: “Cho tôi xin trở lại quân đội bảo vệ Tổ quốc” được trưng bày trang trọng trong phòng truyền thống của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - Ảnh: HÀ THANH

Tướng lĩnh xuất thân sinh viên, giảng viên

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, nhớ lại: "Tháng 8.1978, do yêu cầu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, lúc bấy giờ khoa ngữ văn (ĐH Tổng hợp Hà Nội) động viên sinh viên nhập ngũ.

Tôi đăng ký ghi tên, đi khám sức khỏe. lớp ngữ văn có ba người đi khám thì chỉ mình tôi đủ sức khỏe. Đến ngày 17.8.1978, tôi chính thức nhập ngũ và được phân về trung đoàn 977, sư đoàn 31, Quân đoàn 3, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam ở đồng bằng sông Cửu Long".

Khi nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2.1979), đơn vị của Nguyễn Xuân Năng cũng được lệnh cấp tốc cơ động từ chiến trường Campuchia lên mặt trận biên giới phía Bắc.

Năm 1981, tướng Năng trở về trường học nốt hai năm ngữ văn rồi tốt nghiệp đại học và được điều động về Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng). Năm 2008, ông được cấp trên điều động về làm Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 1: Bỏ cây bút cầm cây súng - Ảnh 5.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, nhận lệnh lại lao ngay ra Bắc tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc - Ảnh: HÀ THANH

Thiếu tướng anh hùng Lê Mã Lương, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 568, sư đoàn 328, chỉ huy tuyến phòng ngự ngã ba Thanh Thủy (Vị Xuyên), nhớ lại:

"Tháng 10.1978, khi tôi đang là thiếu tá, giáo viên khoa công tác Đảng - công tác chính trị của Học viện Chính trị quân sự thì Bộ Tổng tham mưu điều động tôi chỉ huy 500 sinh viên quân sự rải từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Lai Châu.

Ngày 14.2.1979, Bộ Quốc phòng phân công tôi cùng 4 sĩ quan đi làm nhiệm vụ "đốc chiến" ở Lạng Sơn cùng với sư đoàn 312 - sư đoàn chủ lực, cơ động đầu tiên của quân đội ta bước vào cuộc chiến biên giới phía Bắc".'

lê mã lương

Thiếu tướng, anh hùng Lê Mã Lương - Ảnh: HÀ THANH

"Khi Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến chống Trung Quốc, một ngày sau Đặng Tiểu Bình ra lệnh dừng binh.

Lệnh tổng động viên ngày ấy cực kỳ có ý nghĩa, cho toàn dân thấy được cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, cho cả thế giới biết quyết tâm sắt đá chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam".

Anh hùng lực lượng vũ trang, thiếu tướng LÊ MÃ LƯƠNG

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Bài 1: Bỏ bút cầm súng