Tôi năm nay 39 tuổi, có tiền sử điều trị lao phổi từ năm 2006. Gần đây tôi đi khám phát hiện có nốt ở sát màng phổi phải. Tôi rất lo lắng có phải ung thư không?
Hằng năm, tôi vẫn đi kiểm tra X-quang phổi và không thấy vấn đề gì. Tháng 10.2020, tôi đi chụp thì phát hiện nốt ở sát màng phổi phải phía sau phần thấp. Bác sĩ bệnh viện tỉnh ghi là nốt phổi 16x10mm, cho về theo dõi, sau 3 tháng quay lại. Đến tháng 2.2021, tôi lên Bệnh viện Phổi Trung ương khám và chụp CT kết quả dày màng phổi khu trú, phần thấp.
Tôi có làm xét nghiệm chất chỉ điểm khối u và kết quả âm tính. Hiện tôi khá lo lắng không biết có phải ung thư không? (Phạm Công)
TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Phó Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K: Bạn đã điều trị lao phổi tương đối lâu, 12 năm, đã đi khám định kỳ thường xuyên, đã được chụp CT, chụp X-quang nên không cần quá lo lắng. Tổn thương của bạn là hậu quả để lại do điều trị lao. Bạn đã khỏi lao tuy nhiên, bệnh lao vẫn có thể tái phát trở lại.
Như trường hợp của bạn đi khám định kỳ, nên tôi nghĩ bệnh của bạn đang ổn định, còn tổn thương còn lại dầy, xơ hóa là do phản ứng viêm cũ. Bạn hình dung nó giống như sẹo nó sẽ tồn tại cùng cơ thể bạn mãi mãi không bay hết.
Bạn cứ yên tâm, bạn đã điều trị lao đầy đủ, ổn định. Tuy nhiên, như tôi đã nói bạn vẫn cần lưu ý phải đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác. Cho tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài. Khó thở, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau người bệnh có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè, tràn dịch màng phổi.
Theo Dân trí