Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết khoảng 24% nam giới sau mắc Covid giảm testosterone có thể ảnh hưởng nhu cầu sinh lý, nhiều người hụt hơi...
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng
Bác sĩ Hùng cho biết: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu Covid-19, công bố tháng 10.2021. Hội chứng này thường xảy ra ở những người nhiễm bệnh được 3 tháng, với các triệu chứng xuất hiện và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không lý giải được bằng các chẩn đoán khác. Nhiều người lo lắng và đi khám hậu Covid-19, tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài sau 6 tháng mới cần đi khám tại các cơ sở được cấp phép.
Triệu chứng Covid-19 ở người lớn: Các báo cáo cho thấy di chứng hậu Covid-19 nhiều, song phần lớn nhẹ. Người bệnh thường gặp một số triệu chứng như: mệt mỏi, mất ngủ, đau tức ngực, khó thở, một số trường hợp khác rụng tóc, chậm kinh nguyệt, ho nhiều, tiêu chảy; một số khác bị suy giảm sinh lý... Nếu triệu chứng xuất hiện 1-2 tháng thường là dấu hiệu Covid-19 kéo dài chứ không hẳn là hậu Covid-19. Khi nào bạn thấy triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khiến bạn lo lắng thì có thể đi khám, không nên đi khám theo phong trào.
Triệu chứng Covid-19 ở trẻ nhỏ: Tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 thấp hơn người lớn, các triệu chứng cũng không nhiều, tỷ lệ chuyển nặng thấp hơn, vì vậy hậu Covid-19 cũng rất ít báo cáo đề cập. Một biểu hiện đáng lưu ý là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), nhưng tỷ lệ này rất thấp. Các biểu hiện MIS-C là: sốt cao, nôn, rối loạn tiêu hóa, một số trẻ đau đầu, đi ngoài phân lỏng.
Sau khi trẻ khỏi Covid-19 thì cơ thể vẫn đang yếu, cha mẹ không nên cho vận động mạnh, nên tăng cường vận động từ từ. Nếu sau đó con bạn vẫn mệt mỏi, kèm các biểu hiện khác nữa như rối loạn giấc ngủ, tiêu chảy hoặc nặng hơn... thì nên đi khám.
Nội dung tư vấn chi tiết của bác sĩ Hùng mời độc giả theo dõi dưới đây.
- Chung cư nhà tôi nhiều người bảo nhau đi khám hậu Covid làm tôi hoang mang. Tôi đã khỏi Covid-19 được 3 tuần, hiện tại sức khỏe bình thường, không triệu chứng gì nhưng cũng khá lo lắng. Xin hỏi bác sĩ tôi cần đi khám không, hoặc bao lâu sau khi có xuất hiện di chứng thì phải đi khám? (Nam Anh, 31 tuổi, Hà Nội).
Biến chứng và khái niệm hậu Covid còn khá mới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra định nghĩa mới nhất về Covid, là bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sau 3 tháng, kéo dài 6 tháng mà không được lý giải bằng chẩn đoán khác. Không phải ai cũng có triệu chứng hậu Covid. Nhiều người tự hỏi, một số để lại hậu quả nặng nề nhưng tỷ lệ rất nhỏ. Nhiều người lo lắng và đi khám. Điều này chưa cần thiết. Nếu triệu chứng kéo dài sau 6 tháng mới cần đi khám tại các cơ sở được cấp phép.
Cần phân biệt các khái niệm về các triệu chứng sau Covid. Trong đó, Covid kéo dài (Long-Covid) là triệu chứng của bệnh nhân khi nhiễm Covid-19 vẫn kéo dài đến 3 tháng mặc dù đã khỏi bệnh. Hậu Covid (Post Covid) là những triệu chứng mới xuất hiện, sau 3 tháng (kể từ khi mắc bệnh), mà không lý giải được bằng các chẩn đoán khác. Di chứng là tổn thương các cơ quan do Covid-19 gây ra như tắc mạch, viêm cơ tim, tổn thương gây xơ phổi...
- Trong thời gian mắc Covid-19, tôi chỉ có triệu chứng nhẹ là ho và đau mỏi người, không sốt. Sau khỏi bệnh gần một tháng, tôi có những cơn co thắt ngực, thường xuyên bị hụt hơi khi nói nhiều, thỉnh thoảng làm việc gắng sức hay leo cầu thang là thấy khó thở. Có một đêm đang ngủ thì tim tôi như bóp nghẹn lại, không thở được làm tôi tỉnh cả ngủ và mệt. Hiện tôi cảm thấy cơ thể còn yếu hơn khi mắc bệnh. Vì sao tôi lại bị hiện tượng này và cách khắc phục như thế nào? (Văn Hùng, 38 tuổi, Hà Nội)
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện cho đến nay, khái niệm nhiễm Covid-19 gây bệnh cho phổi thay đổi nhiều. Khoảng một năm gần đây, nghiên cứu cho thấy virus tác động đa cơ quan trong cơ thể kể cả tim, gan, thận... Bệnh nhân sau nhiễm bị hụt hơi, tức ngực... cần phân biệt các triệu chứng này xuất hiện khi nhiễm Covid-19 hay sau khi khỏi. Đối với hụt hơi, đau tức ngực thường do tim mạch và hô hấp gây ra. Bạn nên đi khám chuyên khoa để đưa ra phác đồ phù hợp. Không nên chủ quan để bệnh diễn biến dài gây ảnh hưởng sức khỏe.
- Tôi khỏi Covid một tuần nhưng có hiện tượng đau ngực, đau xuyên cả sang lưng, xin hỏi bác sĩ hiện tượng này là gì? Cách khắc phục như thế nào? (Kim Anh, 45 tuổi, Vĩnh Phúc)
Triệu chứng đau ngực, khó thở là một trong những biểu hiện di chứng Covid-19. Nếu bạn đau vùng ngực, đau phía trước bên trái hoặc phía đằng sau xương ức, cũng có thể là biểu hiện bệnh lý mạch vành, hoặc các bệnh lý khác về dạ dày. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đi khám, nội soi dạ dày cũng như thực hiện biện pháp thăm dò hô hấp, tim mạch siêu âm tim, điện tim, loại trừ bệnh lý về mạch vành, nhồi máu cơ tim...
- Tôi hiện 28 tuổi, khỏi Covid ngày 12.3. Trong lúc bị Covid, tôi có biểu hiện ho nhiều, tiêu chảy nhưng triệu chứng rất nhẹ. Sau khi khỏi Covid, tôi bị ho nhiều hơn, dai dẳng. Tôi muốn hỏi triệu chứng của tôi có nghiêm trọng và có cần phải đi khám sức khỏe hậu Covid không? (Đỗ Văn Hà, 28 tuổi, Hà Đông)
Triệu chứng về hô hấp hoặc tiêu hóa cũng là biểu hiện di chứng Covid-19. Vấn đề của bệnh nhân sau khỏi vấn tồn tại triệu chứng thì cần theo dõi sát chỉ số SpO2 và nhịp thở, nếu SpO2 giảm sâu và nhịp thở tăng lên thì bạn đi khám chuyên khoa hô hấp để các bác sĩ đánh giá sát hơn. Từ 1-2 tháng thường là triệu chứng Covid-19 kéo dài chứ không hẳn là hậu Covid-19, vì hậu Covid-19 thường khởi phát sau 3 tháng.
- Kể từ ngày khỏi bệnh Covid-19 đến nay khoảng 2 tháng, tôi rất khó ngủ vào ban đêm, có khi gần sáng mới ngủ được. Xin hỏi bác sĩ, mất ngủ có phải di chứng Covid-19 không, làm sao cải thiện tình trạng này? (Việt Anh, 30 tuổi, Hà Nội)
Các báo cáo cho thấy các di chứng hậu Covid-19 nhiều, tuy nhiên phần lớn nhẹ. Biểu hiện lâm sàng có mất ngủ, lo âu, thậm chí trầm cảm. Bạn không chia sẻ rõ bạn khó đi vào giấc ngủ hay tỉnh giấc nhiều lần. Với những người mất ngủ kéo dài có thể sử dụng thuốc an thần hoặc thảo dược, tập thở, tập yoga... Nếu sau đó giấc ngủ vẫn không cải thiện thì bạn nên đi khám bác sĩ về tâm thần để được kê toa phù hợp.
- Hiện tại tôi đã khỏi Covid được khoảng 2 tuần nay. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi hay bị khó thở trong khoảng 5-10 phút. Những lúc như vậy tôi ngồi để tập thở, đo SpO2 thì đều 98-99%. Cho tôi hỏi có phải bệnh đang bị ảnh hưởng lên phổi hay chỉ là di chứng tạm thời 1-2 tháng là hết. (Nguyễn Hiền, 32 tuổi)
Bạn không chia sẻ rõ tình trạng khi nhiễm Covid-19, nhưng những bệnh nhân Covid-19 tổn thương phổi phải thở máy, hỗ trợ oxy và hồi sức thì thường gặp di chứng nặng nề. Nếu bạn có triệu chứng nhẹ và tổn thương phổi không nhiều, biểu hiện khó thở ho và hụt hơi chỉ kéo dài sau hai tuần thì đây chỉ là Covid kéo dài chứ không phải hậu Covid. Bạn có thể đo các chỉ số của cơ thể như SpO2, nhịp tim, mạch... nếu các chỉ số ngoài mức an toàn thì nên đi khám.
- Sau khi mắc Covid, cơ thể tôi có dấu hiệu suy nhược, mệt mỏi, hai tháng nay tôi không thấy có kinh nguyệt. Tôi phải làm sao thưa bác sĩ? Đây có phải triệu chứng hiếm gặp không? (Vân Hiền, 27 tuổi, Tuyên Quang)
Covid-19 tác động đến cơ quan, kể cả hệ sinh dục. Rối loạn kinh nguyệt do rất nhiều nguyên nhân. Các báo cáo cho thấy Covid-19 ít để lại rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên, những người bị kinh nguyệt không đều vẫn nên đi khám sản phụ khoa để có những chẩn đoán sát hơn về sản khoa.
- Sau khỏi Covid-19, tôi bị rụng tóc nhiều, khi gội đầu hay chải tóc nhẹ cũng bị rụng cả nắm tóc, trong khi trước lúc mắc Covid-19 tóc tôi rất đen mượt và chắc khỏe. Tôi rất khó chịu, không biết nên khắc phục thế nào? (Thúy Hiền, 40 tuổi, TP Hồ Chí Minh)
Rụng tóc là một trong những triệu chứng hậu Covid-19 được nhiều nghiên cứu và báo cáo ghi nhận. Trong một báo cáo khoa học gần đây cho thấy, tình trạng rụng tóc gặp ở 25% bệnh nhân hậu Covid-19, tức 100 bệnh nhân có 25 bệnh nhân bị rụng tóc. Tuy nhiên triệu chứng này thường chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng do đó bạn cũng không nên quá lo lắng.
- Sau khỏi bệnh, vợ tôi thường hay gọi sai tên vật dụng, nhiều lúc cô ấy như mất trí nhớ vì không thể nhớ tên và chỗ để các vật dụng ở đâu, đôi lúc còn quên việc mình đã từng làm, quên tên người thân. Tâm trạng vợ tôi cũng thay đổi, dễ dàng bực tức cáu gắt hơn. Xin bác sĩ lý giải kỹ hơn tình trạng của vợ tôi? (Duy Anh, 47 tuổi, TP Hồ Chí Minh)
Nghiên cứu trên thế giới, hơn 1/3 trong số 236.000 bệnh nhân Covid-19 gặp rối loạn tâm thần, lo âu, căng thẳng, và đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân bị mệt mỏi hậu Covid-19 chiếm rất cao. Một số trường hợp gặp tổn thương của não, đặc biệt khái niệm hội chứng sương mù não làm bệnh nhân hay quên, rối loạn về trí nhớ, đặc biệt quên sự kiện xảy ra gần đây. Đây là triệu chứng hậu Covid-19. Với tình trạng bạn mô tả thì tôi nghĩ rằng bạn nên đưa vợ đi khám chuyên khoa thần kinh để xem có tổn thương thực thể trên não không, ngoài ra tổn thương tinh thần cũng nên được bác sĩ thăm khám nếu có, để điều chỉnh, cải thiện trí nhớ, cải thiện tinh thần.
- Sau khỏi bệnh, tôi cảm thấy giảm hẳn nhu cầu sinh lý. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy kích thước "cậu nhỏ" của mình giảm so với trước. Đây có phải di chứng Covid-19 không? Covid có ảnh hưởng đến sinh lý đàn ông không? Tôi khá ngại ngần nên chưa đi khám. (Hùng Dũng, 29 tuổi, TP HCM)
Rối loạn sinh dục cũng là một di chứng được ghi nhận. Theo một báo cáo, khoảng 24% nam giới sau nhiễm Covid-19 có ghi nhận giảm lượng testosterone, và điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sinh lý nhưng chưa có bằng chứng về việc giảm testosterone này tới tình trạng mệt mỏi kéo dài hoặc các biểu hiện khác. Một phần do thông tin truyền thông sai khiến cho người bệnh bị ảnh hưởng về tâm lý. Do đó nếu cảm thấy có những thay đổi và rối loạn sinh dục, bạn nên đến chuyên khoa để được thăm khám.
- Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy tinh dịch ở người mắc Covid-19 có chứa dấu vết của nCoV. Vậy xin bác sĩ cho biết sau khi khỏi Covid-19 có thể quan hệ tình dục khi nào là an toàn không lây nhiễm? (Hồng Anh, 27 tuổi, Đà Nẵng)
Thứ nhất, nCoV xâm nhập qua đường hô hấp, từ đó đi lan ra các cơ quan trong cơ thể. Covid-19 là bệnh lý toàn thân. Nhiều báo cáo cho thấy virus không chỉ xuất hiện ở não, gan, phổi mà cả trong tinh dịch. Chưa báo cáo chính thống nào cho thấy nCoV lây qua đường quan hệ tình dục cũng như tinh dịch. Việc lây virus qua con đường này khá khó. Thông thường, nCoV bám vào các thụ thể ACE 2 để lây nhiễm tế bào. Những cơ quan chứa nhiều thụ thể ACE 2 là cơ quan dễ nhiễm bệnh.
Khi nhiễm nCoV, việc quan hệ tình dục trở lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khi đã phục hồi về thể chất và tinh thần hoàn toàn có thể quan hệ lại. Việc vừa khỏi bệnh và quan hệ luôn, khi còn đang mệt mỏi thì ảnh hưởng đến chất lượng của lần quan hệ đó. Tuy nhiên, về nguyên tắc, ngay sau khi khỏi có thể quan hệ bình thường.
- Tôi mang thai 24 tuần và bị mắc Covid-19 cách đây một tháng. Lúc mắc bệnh, tôi không có triệu chứng nặng, chỉ sổ mũi và đau đầu nhẹ. Nhưng dạo gần đây tôi luôn bị đau, tức lưng phía bả vai trái, một ngày bị khó thở từ 2 đến 3 cơn. Mỗi lần bị khó thở thì các đầu ngón tay tê buốt, lòng bàn tay, bàn chân toát mồ hôi. Tôi có cần đến bệnh viện để khám di chứng không hay đó chỉ là triệu chứng bình thường khi mang thai? (Huyền Trang, 27 tuổi, Quảng Ninh)
Rất tiếc bạn không chia sẻ bạn mang thai lần mấy, triệu chứng này sau mắc Covid-19 mới có hay trong quá trình mang thai đã bị. Riêng Covid-19, nhiều báo cáo chỉ ra bệnh nhân cảm giác đau mỏi cơ, một số trường hợp tê bì tay chân với tỷ lệ 19-20%, nên việc bạn có triệu chứng tê bì hay đau mỏi lưng thì đó là triệu chứng Covid-19 kéo dài, không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu những lần mang thai trước bạn cũng có triệu chứng này thì nhiều khả năng là triệu chứng của thai kỳ, còn trước đây không có thì rất có thể là triệu chứng hậu Covid-19. Nếu nó ảnh hưởng đến cuộc sống và bạn quá lo lắng thì nên đi khám hậu Covid-19.
- Phụ nữ mang thai mắc Covid-19 thì ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé như thế nào?
Phụ nữ mang thai là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng (nếu không may nhiễm bệnh) theo khuyến cáo CDC Mỹ và một số báo cáo. Tuy nhiên hiện tác động của nCoV lên bào thai cũng như đánh giá di chứng của đứa bé được sinh ra từ bà mẹ mắc Covid chưa được nghiên cứu nhiều. Nếu người mẹ mắc Covid-19, trong 6 tháng đầu thai kỳ thì hầu như không ảnh hưởng, trong 3 tháng cuối người mẹ thường bị suy hô hấp thì có thể gây ra đẻ non hoặc sinh sớm.
- Ai cũng nói khỏi Covid-19 sức khỏe xuống, còn tôi khỏe hơn, bệnh viêm xoang đỡ hẳn, không bị hụt hơi, mệt mỏi, thậm chí thấy khỏe hơn. Có khi nào mất nhiều tháng sau mới xuất hiện di chứng không? (Hoàng Sơn, 40 tuổi, Hà Nội)
Nhiều bệnh nhân sau ra viện sức khỏe có xu hướng tốt lên. Hiện những nghiên cứu về Covid, đặc biệt là hậu Covid rất ít. Trên thế giới và tại Việt Nam chưa có báo cáo nào đủ lớn để kết luận về điều này. Song việc khỏi Covid-19 và có sức khỏe tốt lên là tín hiệu đáng mừng, chúng ta cần theo dõi thêm xem diễn tiến sức khỏe về sau ra sao. Đây là thông tin tốt và thú vị đối với những nhà nghiên cứu. Chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp như bạn nên không cần quá lo lắng.
- Tôi đã mắc Covid-19 và xét nghiệm PCR âm tính cách đây 2 tuần. Từ đó đến nay tôi hay đau tức ngực, cảm giác thở hơi khó khăn và hay phải hít thật sâu. Tôi ra phòng khám tư nhân chụp X-quang lồng ngực thì được chẩn đoán là dày thành phế quản hai bên và được tư vấn tập thở với theo dõi thêm. Tôi đo chỉ số SPO2 thì thường ở ngưỡng 95-98%, nhịp tim 70-80. Xin bác sĩ tư vấn giúp xem tình hình của tôi như vậy có đáng lo ngại không? Tôi cần phải điều trị, thăm khám cụ thể chuyên sâu như thế nào? (Như Nhiên, 39 tuổi, Hà Nội)
Triệu chứng tức ngực, ho cũng là triệu chứng hay gặp hậu Covid-19, thường kéo dài 3-4 tuần sau âm tính, nên bạn không nên quá lo lắng. Tuy nhiên thông tin bạn cung cấp về chỉ số nhịp tim, SpO2 tương đối ổn định, thì bạn có thể yên tâm. Còn trong trường hợp nhịp tim nhanh, SpO2 xuống thấp, ảnh hưởng đến công việc thì nên đi khám chuyên khoa hô hấp, tim mạch.
- Thưa bác sĩ, sau khi khỏi mắc Covid được khoảng 5 ngày, lưỡi tôi có hiện tượng chuyển sang màu đen (phần lông lưỡi), miệng đắng. Trong quá trình điều trị Covid tôi có uống thuốc kháng virus, một số thuốc tăng cường miễn dịch, vitamin. Lông lưỡi chuyển màu có phải do hậu Covid không hay là dấu hiệu của bệnh lý nào khác?
Biểu hiện rối loạn khứu giác và vị giác phổ biến ở người bệnh mắc Covid-19 chủng Delta. Có nhiều mức độ khác nhau, có người không phân biệt tất cả các mùi, có người không phân biệt được mùi thơm... Trường hợp của bạn, đắng miệng, lưỡi đen là một rối loạn về vị giác. Bạn cũng không nên quá lo lắng, cần thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập luyện... Nếu sau 3-4 tuần không cải thiện thì cần đi khám chuyên khoa.
- Tôi khỏi Covid được 6 tuần, hiện thường xuyên thấy nghẹn cổ, nuốt như vướng gì hay hơi tức ngực. Tôi đã đi chụp X-quang và siêu âm tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Kết quả phổi tôi bình thường còn quanh khí quản có các hạch. Các bác sĩ nói đây là hạch sau viêm, do hậu Covid, là bình thường và không kê thuốc. Xin bác sĩ cho biết trường hợp này có phổ biến không và các hạch này có nguy hiểm? Tôi có thể làm gì để cải thiện tình trạng nghẹn nơi cổ. (Hồng Anh, 31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội)
Nghiên cứu chỉ ra rằng sau khi mắc Covid thì bệnh nhân suy giảm miễn dịch, đặc biệt tế bào CD4. Các bệnh nhân biểu hiện nặng thì tế bào này giảm rõ rệt. Đây gọi là tình trạng bội nhiễm. Vi khuẩn đường hô hấp trên và các virus khác ngoài nCoV có thể xâm nhập. Các trường hợp bội nhiễm sau Covid-19 ở vùng ngoại vi là biểu hiện viêm nhiễm đường hô hấp sau Covid. Nếu các xét nghiệm khác không cho thấy biểu hiện nhiễm trùng rõ ràng thì chưa cần điều trị kháng sinh. Nhưng nếu bệnh nhân sốt và có biểu hiện nhiễm trùng thì cần dùng kháng sinh, lúc đó cần có đơn thuốc từ các bác sĩ, chuyên gia truyền nhiễm.
- Sau gần 4 tháng khỏi Covid-19, mẹ tôi 65 tuổi phải nhập viện cấp cứu vì đột quỵ dạng nhồi máu não. Bà có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường... Đột quỵ có phải di chứng Covid-19 không, thưa bác sĩ? (Thanh Tùng, 43 tuổi Đà Nẵng)
Bác cũng là người cao tuổi, có bệnh lý nền, đái tháo đường, tăng huyết, không rõ có rối loạn mỡ máu không, tuy nhiên hai bệnh lý trên của bác liên quan nhiều đến đột quỵ não. Các bác sĩ cho rằng bệnh nhân có bệnh nền như vậy sau khỏi Covid-19 xuất hiện tình trạng đột quỵ cao gấp 1,6-1,8 lần. Tình trạng của bác rất khó phân định, là do di chứng hậu covid-19, hay do bệnh nền. Nếu những người bệnh có bệnh lý nền về rối loạn chuyển hóa, cao huyết áp, đái tháo đường, có nhiều nguy cơ đột qụy, bệnh nhân nên được kiểm tra thường xuyên chỉ số đường máu, huyết áp sau khỏi Covid-19 để dự phòng.
- Xin chào bác sĩ Hùng. Xét nghiệm máu có thể phát hiện bất thường sau Covid-19 không? Tôi thấy có người nói đi khám phát hiện cả huyết khối có nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim nên cũng lo lắng? (Thanh Quỳnh, 28 tuổi ở Hà Nam)
Việc xét nghiệm chẩn đoán triệu chứng hậu Covid-19 phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân khi xuất hiện triệu chứng mới nên đi khám, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng lâm sàng mà có chỉ định xét nghiệm khác nhau.
Xé nghiệm máu sẽ giúp phát hiện các rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn đông máu... Ngoài ra các tổn thương hô hấp, tim mạch... được phát hiện bằng chụp X-quang, siêu âm.
- Ai cần đi khám hoặc xét nghiệm di chứng hậu Covid-19, hay tất cả mọi người đều phải khám với lý do phòng bệnh hơn chữa bệnh?
100% bệnh nhân đều có biểu hiện hậu Covid. Chúng ta không nên đi khám tràn lan theo phong trào. Nếu có biểu hiện mới, các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, giấc ngủ thì mới nên đi khám. Tùy theo triệu chứng và tình trạng cơ thể, mỗi người đi khám ở một chuyên khoa khác nhau. Các bạn hoàn toàn có thể đến các phòng khám hậu Covid để được tư vấn xem đi khám ở chuyên khoa nào, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị.
- Em test âm tính sau 7 ngày, em được tắm chưa ạ? Em muốn tắm lắm mà chồng không cho vì sợ tắm sẽ bị nhiễm nặng hơn? (Ngũ Thị Vân, 33 tuổi, TP Hồ Chí Minh)
Đây là câu hỏi gặp nhiều. Theo quan niệm dân gian, khi nhiễm virus nói chung, người dân thường hạn chế tắm. Tuy nhiên, quan điểm y học hiện đại, bệnh nhân mắc Covid-19 hay nhiễm virus khác thì nguy cơ gây suy giảm miễn dịch rất cao, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân rất quan trọng để tránh nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn trên cơ thể. Vì vậy, đối với bệnh nhân đang sốt cao, ho, khó thở, không khuyến cáo tắm. Tuy nhiên, khi dùng thuốc hạ sốt, nhiệt độ cơ thể bình thường, bạn nên tắm phòng kín, không gió hoặc lau người bằng nước ấm, làm sao bảo đảm vệ sinh cá nhân, hạn chế bội nhiễm vi khuẩn trên nền Covid-19.
- Tôi lo lắng sau mắc Covid-19 phổi sẽ bị tổn thương, xơ phổi, viêm phổi... nên chủ động dùng các thực phẩm chức năng có tác dụng bổ phổi, điều này có cần thiết không, thưa bác sĩ? (Thúy Anh, 32 tuổi, Long An)
Đây cũng là câu hỏi tôi thường gặp. Nhiều bệnh nhân bị nhiễm mà không có tổn thương phổi nhưng vẫn lo lắng. Việc sử dụng thực phẩm chức năng tràn lan chưa qua kiểm định sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Lời khuyên của chúng tôi là người bệnh không nên quá lo lắng nếu trong quá trình nhiễm không bị tổn thương phổi. Với nhóm đã bị tổn thương phổi trong thời gian nhiễm nên quay lại nơi điều trị để được chụp X-quang, đánh giá.
- Ngay sau khi phát hiện mắc Covid, tôi đã uống đủ liều molnupiravir. Như vậy, uống thuốc kháng virus có giảm thiểu được các ảnh hưởng hậu Covid không? (Trần Hiếu, 45 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Khi nồng độ virus trong cơ thể càng cao khả năng tác động càng lớn. Sử dụng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt, đặc biệt trong 5 ngày đầu tiên giúp giảm nồng độ trong cơ thể, tác động của virus lên các cơ quan cũng giảm đi. Nếu cơ thể bạn đáp ứng và giảm nồng độ virus thì di chứng để lại và tác động lâu dài lên cơ quan giảm theo.
- Trẻ em thường gặp những triệu chứng hậu Covid-19 nào? Triệu chứng hậu Covid thường xuất hiện sau khi trẻ khỏi bệnh bao lâu? (Lan Anh, 30 tuổi, Hà Nội)
Tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 thấp hơn người lớn, các triệu chứng cũng không nhiều, tỷ lệ chuyển nặng thấp hơn, vì vậy hậu Covid-19 cũng rất ít báo cáo đề cập. Tuy nhiên, một biểu hiện là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), tuy nhiên tỷ lệ này rất thấp. Ở Việt Nam chưa có báo cáo chính thức nào. Thường các biểu hiện hậu Covid-19 ở trẻ nhỏ nhẹ; các biểu hiện MIS C là: sốt cao, nôn, rối loạn tiêu hóa, một số trẻ đau đầu, đi ngoài phân lỏng. Các phụ huynh cũng lưu ý khi con khỏi Covid-19, nếu xuất hiện triệu chứng như vậy thì nên đưa con đi khám chuyên khoa Nhi.
- Bị Covid xong, hai đứa trẻ nhà tôi học hành kém hẳn, chúng không tập trung học, hay quên trước quên sau, mau mệt hơn. Đây có phải là triệu chứng hậu Covid-19 không hay do con học trực tuyến, mải chơi nên như vậy thưa bác sĩ?(Thùy Linh, TP Hồ Chí Minh)
Biểu hiện mệt mỏi, thiếu tập trung ở trẻ nhỏ trong một năm qua được ghi nhận nhiều. Phần lớn trẻ mệt mỏi do ngồi học trực tuyến một chỗ. Hiện chưa có báo cáo cụ thể Covid-19 tác động lên trẻ, khiến trẻ mệt mỏi mất trung. Do đó trường hợp con bạn có phải do hậu Covid hay không thì không thể kết luận được.
Nếu con có biểu hiện trên, bạn nên dành thời gian cho trẻ vận động ngoài trời, sinh hoạt lành mạnh để cải thiện khả năng tập trung và tinh thần của trẻ.
- Tôi nên trang bị những loại thuốc trong nhà như thế nào phòng những triệu chứng hậu Covid-19? (Ngọc Anh, Ba Đình, Hà Nội)
Triệu chứng hậu Covid đã được đề cập khá nhiều. Nhưng mặt điều trị còn hạn chế, bệnh nhân sau nhiễm chỉ mới được ghi nhận là có biểu hiện lâm sàng. Phác đồ điều trị ra sao còn đang được nghiên cứu. Chúng ta không nên truyền tai nhau những bài thuốc điều trị. Chúng ta nên theo dõi biểu hiện lâm sàng như sốt cao, viêm đa hệ thống, thần kinh co giật ở trẻ. Nếu trẻ nhỏ có các biểu hiện như vậy nên đi khám chứ không nên dự trù thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép, những thuốc đó không bảo đảm tính chuyên môn và chưa chắc chữa được tình trạng hậu Covid-19.
- Thưa bác sĩ, trẻ em 10 tuổi và 15 tuổi sau khi bị Covid có nên dùng bổ sung thuốc bổ vitamin tổng hợp và nếu dùng thì nên dùng trong thời gian bao lâu thì dừng? Tôi thấy sau khi bị Covid thì thi thoảng các con kêu bị đau ở vị trí xương ống chân ạ, như vậy tôi có cần phải mua Vitamin D về cho các con uống không? (Thu Hiền, 42 tuổi, Hà Nội)
Thật ra việc bổ sung các loại vitamin sau mắc Covid-19 cho trẻ là điều cần thiết, tuy nhiên bổ sung liều lượng như nào, loại gì thì cần tư vấn chuyên gia, không nên sử dụng tràn lan, ồ ạt khi chưa có thăm khám xét nghiệm của bác sĩ. Với trẻ nhỏ có biểu hiện đau xương ống chân, tê bì, đau nhức... cũng là biểu hiện khá phổ biến, chiếm tỷ lệ 12-13% các triệu chứng hậu Covid-19... Trường hợp này nên đưa cháu đi khám ở cơ sở y tế uy tín, chuyên khoa Nhi, các bác sĩ dinh dưỡng cũng tư vấn tăng khẩu phần ăn, kê vitamin, vi chất, cải thiện tình trạng.
- Thưa chuyên gia, F0 sau khi âm tính cần làm gì để giữ gìn sức khỏe trước nguy cơ hậu Covid-19? (Hoàng Long, TP Hồ Chí Minh)
Chúng ta nên khởi động lại các hoạt động thể dục thể thao để nâng cao thể chất. Tuy nhiên sau khi khỏi bệnh, chúng ta nên tập từ từ để cơ thể thích nghi, nâng cao từ mức độ nhẹ đến nặng.
- Nhờ bác sĩ có thể hướng dẫn một số bài tập thở để cải thiện tình trạng hụt hơi, khó thở? ((Minh Anh, 32 tuổi, Đà Nẵng)
Các bài tập thở khá hữu ích, đặc biệt với các bệnh nhân có tiền sử hô hấp, bệnh về phế nang. Các bệnh nhân Covid-19 không biểu hiện hô hấp, không tổn thương phổi thì không cần quá quan trọng việc tập thở. Bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng mới nên tập thở. Khi đo có thông khí hạn chế, có biểu hiện về phế nang hoặc tiểu phế quản thì các bài tập thở có thể giúp cải thiện về nồng độ oxy phổi.
Bài tập thở kết hợp vận động nâng thể lực hậu Covid
- F0 sau khỏi bệnh cần làm gì để tránh tâm lý hoang mang, lo sợ trước di chứng Covid-19? (Linh Hải, 37 tuổi, Thanh Hóa)
Covid-19 xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán năm 2019, đến nay rất nhiều biến chủng. Các biến chủng về sau này có vẻ độc lực ngày càng giảm đi như Omicron. Sau mắc Covid-19, qua thời gian, hệ miễn dịch không bền vững, nồng độ kháng thể giảm đi, chúng ta hoàn toàn có thể nhiễm lại chủng khác. Vì vậy, bạn chủ động mắc Covid-19 để gây miễn dịch tự nhiên là quan điểm sai lầm.
Để hạn chế các tác dộng lâu dài thì nên sử dụng các biện pháp về tâm lý, bảo đảm lối sống lành mạnh, không dùng chất kích thích, không làm việc quá sức, thay vào đó, cần ăn uống đầy đủ, lối sống lành mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại virus, tránh tác động lâu dài của Covid-19.
- Bé nhà tôi 5 tuổi, 3 tuần trước có mắc Covid, nhưng hôm nay bé bị ói và tiêu chảy. Tiêu chảy chỉ một lần nhưng ói thì 4-5 lần vào buổi tối. Đây có phải triệu chứng hậu Covid không. Nếu muốn khám hậu Covid cho bé thì khám ở đâu? (Minh Hằng, Cầu Giấy, Hà Nội)
Những triệu chứng này vừa mới xuất hiện và con bạn vừa khỏi bệnh, chưa thể kết luận đây là hậu Covid, chỉ có thể kết luận là Covid-19 kéo dài. Nếu cháu đi ngoài nhiều và mất nước, bạn có thể bổ sung dung dịch oresol và nước cam để bù nước, điện giải. Nếu cháu có biểu hiện nặng hơn có thể đưa cháu đi khám. Ở Hà Nội, bạn có thể đưa con đi viện Nhi Trung ương hoặc khoa Nhi viện Nhiệt đới Trung ương.
- Các cháu tôi bình thường rất thích chơi bóng đá, chạy nhảy mà khỏi Covid-19 xong, chạy được 10 phút đã mệt rũ chân tay phải ngồi nghỉ. Tình trạng này có bình thường không, có phải triệu chứng Covid kéo dài và cần làm gì để các cháu mau lại sức? (Hoàng Kiên, 36 tuổi, Bình Dương)
Sau khi trẻ khỏi Covid-19 thì sức khỏe chưa trở lại như bình thường được mà phải có thời gian, cơ thể vẫn đang yếu. Cha mẹ cũng không nên cho trẻ vận động mạnh dẫn đến thiếu nặng lượng, dễ mệt mỏi. Thay vào đó, ta nên tăng cường vận động từ từ cho trẻ, sau đó mới tăng dần. Thông thường, triệu chứng này thường hết sau 3-4 tuần. Còn nếu sau đó con bạn vẫn mệt mỏi, kèm các biểu hiện khác nữa như rối loạn giấc ngủ... thì nên đi khám.
- Con gái tôi học lớp 1, mắc Covid ngày 17.3, bị sốt một đêm, sau đó khỏe lại sinh hoạt như bình thường. Đột nhiên đêm 21.3 cháu bị nổi mẩn đỏ gây ngứa khắp người. Hôm 22.3 cháu trở lại bình thường, nổi một ít mẩn đỏ trên mặt và cằm. Xin hỏi con tôi bị làm sao và cách giải quyết? (Nguyễn Ngọc, 34 tuổi)
Đây cũng là triệu chứng trên da ghi nhận ở người bệnh Covid-19. Tình trạng nổi ban xuất hiện chỉ có 1 ngày thì cũng bình thường không nên quá lo lắng. Bạn nên theo dõi các biểu hiện khác nếu như phát ban nhiều, ngứa thì cho trẻ đi khám.
- Tôi mắc Covid ngày 1.3, đến ngày 8.3 test nhanh âm tính, ngày 15.3 tôi bị một cơn khó thở cấp kèm co rút chân tay. Sau khi được cấp cứu (thở oxy và truyền Ca, K) thì không còn hiện tượng trên nhưng nặng ngực, hơi đau tức vùng xương ức, nhanh hụt hơi khi vận động và nói nhiều. Chụp CT phổi phát hiện đốm tối màu 6 mm và vài đám kính mờ. Siêu âm, điện tim không phát hiện bất thường. Xét nghiệm máu, khí máu phát hiện hạ Kali một chút. Tôi muốn tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây ra cơn khó thở cấp bất ngờ trên để tìm cách phòng ngừa. Tôi xin cảm ơn! (Đặng Hảo,38 tuổi, Ninh Bình)
Bạn đã được đi cấp cứu và được sử dụng máy thở oxy, thì có tổn thương phổi. Hình CT có đốm mờ, có thể là giãn phế quản và phế nang. Như vậy bệnh nhân có hiện tượng nhồi máu phổi ở phế quản tận và phế nang. Trường hợp này có thể đi khám chuyên khoa hô hấp và xét nghiệm xem còn tình trạng đông máu hay không. Bạn cũng cần đánh giá chức năng tim và siêu âm tim xem tình trạng có xuất phát ở tim hay không. Như tôi đã nói Covid-19 là virus đa cơ quan, tấn công những phần có thụ thể ACE 2. Trong khi đó tim và phổi là nơi có thụ thể ACE 2 nhiều. Phim chụp phổi của bạn có bóng mờ thì đây là hiện tượng cần theo dõi.
- Theo bác sĩ, sau khỏi Covid-19 ta cần lưu ý điều gì để tránh tái nhiễm và phòng di chứng?
Bệnh nhân sau khi khỏi bệnh cần chuẩn bị tinh thần quay trở lại cuộc sống bình thường. Sau khi nhiễm bệnh cơ thể không thể phục hồi ngay, chúng ta cần tái hòa nhập cộng đồng từ từ. Với các bài tập nên tăng mức độ từ từ. Ngoài ra chúng ta cũng không nên chủ quan vì từ khoảng 3 tháng có thể nhiễm lại chính chủng đang nhiễm. Và cũng không chắc lần 2-3 sẽ nhẹ hơn. Do đó chúng ta không nên chủ quan nhất là người có bệnh nền, người lớn tuổi...
Theo VnExpress