21 năm trôi qua nhưng ký ức về vụ khủng bố cướp đi sinh mạng của khoảng 3.000 người vẫn hiện hữu trong tâm trí người dân Mỹ.
Lịch sử hiện đại nước Mỹ chứng kiến không ít những sự kiện đau thương, nhưng khó có thảm họa nào để lại nỗi ám ảnh, nỗi đau dai dẳng như vụ khủng bố ngày 11.9.2001.
Liên tiếp 4 vụ tấn công khiến 2.996 người thiệt mạng chỉ trong vòng 77 phút và hơn 6.000 người bị thương, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.
21 năm đã trôi qua, vẫn còn khoảng 1.000 người chết không thể nhận dạng và nhiều người phải chịu các hệ lụy về sức khỏe. Vết thương tinh thần vẫn còn đó và mối lo khủng bố vẫn đeo dai dẳng.
Nước Mỹ cũng chịu tổn thương sâu sắc bởi vụ tấn công nhằm vào hai biểu tượng sức mạnh của quốc gia này là Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc.
Sau sự kiện này, nước Mỹ đã thay đổi hoàn toàn.
Các cách tiếp cận
Trong bài phát biểu trước Quốc hội và người dân vào ngày diễn ra vụ việc, Tổng thống Mỹ George W. Bush khi đó tuyên bố bắt đầu "cuộc chiến chống khủng bố" của Mỹ trên toàn cầu. Đối tượng của cuộc chiến là mọi tổ chức khủng bố trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia hậu thuẫn và cung cấp thiên đường trú ẩn an toàn cho khủng bố. Kế hoạch bắt đầu với al-Qaeda và sau đó mở rộng ra mọi phần tử khủng bố trên thế giới. Danh sách hàng trăm tổ chức khủng bố được đưa ra.
Với cách tiếp cận này, không chỉ Mỹ mà còn nhiều nước khác trên thế giới bị cuốn vào guồng máy chống khủng bố toàn cầu, từ cuộc chiến chống khủng bố đầu tiên tại Afghanistan cho đến cuộc chiến tại Iraq và sau này là cả những nỗ lực chống các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Khi lên nắm quyền, năm 2009, Tổng thống Obama có sự chuyển đổi chính sách về cách đối phó với khủng bố. Ông không theo đuổi ý tưởng về “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” mà thay thế bằng việc tập trung vào mối đe dọa do al-Qaeda gây ra.
Theo đó, ông Obama chỉ xác định các tổ chức khủng bố trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ và tập trung vào al-Qaeda. Ông Obama khởi động nỗ lực hòa giải với thế giới Hồi giáo từ trước chuyến thăm Ai Cập, tháng 5/2009, dẫn tới các xã hội cởi mở hơn.
Trong cuộc chiến tại Afghanistan, ông Obama ủng hộ nỗ lực của chính quyền Kabul trong việc mở cánh cửa đối với Taliban (2010); hoan nghênh các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban, cũng như kế hoạch khởi động vòng mới của cuộc đàm phán trực tiếp giữa các lực lượng nổi dậy ở Afghanistan và Mỹ (2013); cuộc trao đổi tù binh giữa Taliban và Mỹ (2014)...
Tới thời Tổng thống Trump, Mỹ công bố chiến lược chống khủng bố mới, trong đó có việc truy đuổi tới tận ngọn nguồn, cô lập các tổ chức khủng bố khỏi các nguồn hỗ trợ; ngăn chặn những hoạt động hậu thuẫn và tuyển mộ các tay súng khủng bố; hiện đại hóa các phương tiện chống khủng bố; bảo vệ cơ sở hạ tầng của nước Mỹ; và tăng cường kiểm soát biên giới.
Chiến lược mới đặt trọng tâm lớn hơn vào việc bảo vệ nước Mỹ, ngăn chặn các cuộc tấn công và giảm tác động của các cuộc tấn công nếu chúng xảy ra; đề cao tầm quan trọng của các nỗ lực ngoại giao cũng như vai trò của các đối tác quốc tế trong nỗ lực chung chống khủng bố. Đồng thời, Mỹ kêu gọi đồng minh chia sẻ gánh nặng trong cuộc chiến này.
Ông Trump là người khởi xướng việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan sau 20 năm hiện diện nhưng người hiện thực hóa đề xuất này là Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, quyết định rút quân khỏi Afghanistan tới nay vẫn được xem là thất bại của Mỹ trong “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” do chính nước này phát động.
Dù vậy, không thể phủ nhận trong hơn 2 thập kỷ qua, Mỹ vẫn đi đầu và giữ vai trò dẫn dắt liên minh chống khủng bố toàn cầu, trong đó phải kể tới cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nỗi lo từ trong nước
Cùng việc dàn sức chống khủng bố ở nhiều khu vực trên thế giới, Mỹ cũng siết chặt an ninh trong nước, từ việc thay đổi các quy định về an ninh sân bay cho tới những hoạt động bình thường của cuộc sống hằng ngày, như đi lại, ra vào các tòa nhà.
Tháng 11.2001, nước Mỹ phê chuẩn thành lập Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải (TSA) chịu trách nhiệm kiểm tra sân bay nhằm giải quyết vấn đề an ninh. Trong vòng một năm, TSA tuyển hơn 50.000 nhân viên.
Ngoài đội quân sàng lọc mặc đồng phục xanh, TSA tạo cho hành khách Mỹ các giao thức an ninh mới. Cần phải có vé và giấy tờ tùy thân có ảnh để đi qua khu vực chiếu quét. Máy tính xách tay và đồ điện tử phải được bỏ vào túi xách tay; giày phải được cởi ra; chất lỏng bị hạn chế trong các lọ 85 ml. Các máy chụp X-quang thông thường, vốn chỉ phát hiện các vật thể kim loại, đã được thay thế bằng máy quét toàn thân.
Các nhân viên TSA cũng được đào tạo về “phát hiện hành vi” để nhận ra hành động được coi là đáng ngờ. Phía sau hậu trường, Trung tâm Sàng lọc Khủng bố mới của FBI lập một Danh sách theo dõi Khủng bố gồm hàng trăm nghìn cá nhân, trong đó có khoảng 6.000 tên, bao gồm 500 người Mỹ, được đưa vào danh sách “Cấm bay”.
Sáu tuần sau vụ khủng bố 11.9, Mỹ thông qua Đạo luật Yêu nước (Patriot Act). Mục đích của đạo luật này theo lời ông Bush, là nhằm “tăng cường các hình phạt dành cho bọn khủng bố hay bất cứ ai giúp chúng, tăng cường khả năng chia sẻ thông tin giữa các cơ quan tình báo và dỡ bỏ các hạn chế đối với việc giám sát thông tin liên lạc”.
Theo đó, các nhân viên có thể khám xét một ngôi nhà mà không cần thông báo cho chủ sở hữu và nghe lén điện thoại mà không xác định lý do. Tuy nhiên, chính điều này khiến đạo luật trên gây tranh cãi vì nhiều người cho rằng nó trao cho các cơ quan hành pháp quá nhiều quyền để điều tra đời tư của người dân Mỹ.
Tới năm 2008, một đạo luật gây tranh cãi hơn nữa tiếp tục được thông qua - Đạo luật sửa đổi FISA, cho phép NSA gần như không bị kiểm soát khi nghe trộm các cuộc điện thoại, tin nhắn văn bản và email của người Mỹ với mục tiêu nhắm vào các công dân nước ngoài bị nghi ngờ là khủng bố.
Tương tự Đạo luật Yêu nước, FISA cũng bị dư luận chỉ trích bởi bị coi là xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của người dân Mỹ.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng các đạo luật này ít nhiều góp phần làm thất bại hoặc ngăn cản một âm mưu đầy tham vọng khác của các “con sói” nước ngoài trên đất Mỹ - vốn được xem là mối đe dọa khủng bố lớn nhất đối với Mỹ giờ thay vì các tổ chức khủng bố nước ngoài.
Trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố đối với nước Mỹ từ lực lượng cực đoan bạo lực và ngoài nước vẫn hiện hữu, nước Mỹ đã và đang phải trải qua một cuộc chiến trường kỳ.
Thách thức cho nền kinh tế số 1 thế giới hiện tại là tiếp tục xây dựng năng lực chống khủng bố linh hoạt hơn để đối trước một loạt mối đe dọa. Chiến lược quốc gia chống khủng bố năm 2018 và Chiến lược quốc gia chống khủng bố nội địa công bố lần đầu tiên hồi tháng 6/2021 được xem là các bước đi mới hiệu quả trong nỗ lực này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo sự phân cực chính trị sâu sắc đang diễn ra trong lòng nước Mỹ có thể gây tác động tiêu cực đến nỗ lực chung nhằm chuẩn bị cho thế hệ mối đe dọa mới.
Theo VTC