12 năm sau kỳ Asian Cup được đồng tổ chức trên sân nhà, đội tuyển Việt Nam mới lại có mặt ở vòng knock-out.
Nhưng khác với năm xưa, đoàn quân của thầy Park đang tràn đầy tự tin khi liên tục gặt hái thành công trên các mặt trận. Và người hâm mộ có quyền đặt niềm tin họ sẽ tiếp tục tạo bước ngoặt ở Dubai.
Những màn trình diễn của Jordan tại Asian Cup năm nay gợi cho nhiều người nhớ đến Hy Lạp tại EURO 2004. Triết lý của HLV Vital Borkelmans có cái gì đó giống với chiến lược gia người Đức Otto Rehhagel xây dựng cho đội bóng xứ sở thần thoại khi mọi cầu thủ đều phải biết phòng ngự và nó bắt đầu từ các tiền đạo!
Phong cách chơi thực dụng của Jordan đã giúp họ tạo nên cú sốc khi đánh bại ĐKVĐ Australia. Các học trò của Borkelmans chỉ kiểm soát bóng 22%, thực hiện 194 đường chuyền so với 627, tung ra 10 pha dứt điểm nhưng lại có 1 bàn thắng so với 19 lần của người Úc. Hàng phòng ngự của Jordan vẫn chưa bị thủng lưới và đích thực, đây là một pháo đài bất khả xâm phạm.
Musa Al-Taamari chắc chắn là cái tên cần được chăm sóc đặt biệt. Mọi đường bóng cuối cùng đều nhắm vào “sát thủ” này. Ở khu vực giữa sân, Khalil Baniateyah có phong thái như N’Golo Kante của ĐT Pháp. Cầu thủ mang áo số 13 này âm thầm cày xới từng mét vuông trên sân và đây cũng là trạm trung chuyển bóng của Jordan khi chuyển từ trạng thái phòng ngự sang phản công.
Đội bóng Tây Á rất thuần thục và đặc biệt nguy hiểm trong những tình huống cố định. Australia và Bahrain đều đã phải “chết” từ các pha tổ chức đá phạt góc của Jordan. Điều này cũng đã chứng minh, các học trò của ông Vital Borkelmans chơi bóng bổng cực tốt. Trước đối thủ thấp bé nhẹ cân hơn như Việt Nam thì vũ khí này càng có đất dụng võ.
Dĩ độc trị độc
Về cơ bản, lối chơi của ĐT Việt Nam và Jordan khá giống nhau. Khi gặp các đối thủ “chiếu trên”, HLV Park Hang Seo thường kéo đội hình chơi thấp, thậm chí đá phòng ngự ở 1/3 sân nhà. Với những cầu thủ chơi bóng kỹ thuật và tốc độ như Quang Hải, Văn Đức, Công Phượng hay sự cơ động của 2 cầu thủ chạy cánh như Trọng Hoàng, Văn Hậu, ĐT Việt Nam có thể tạo ra những pha phản công theo kiểu “hạ gục nhanh tiêu diệt gọn”. Jordan và Việt Nam có thể “đi guốc trong bụng nhau” và đây là lúc ông Park với người đồng nghiệp Borkelmans chứng tỏ đẳng cấp của mình từ những điều chỉnh chiến thuật.
Từng có những nhận định, ông Park đã “hết phép” khi phải chơi những canh bạc tất tay ở 3 trận đấu vòng bảng. Đúng vậy, cái cảm giác ấy là có thật nhưng so với Iran, Iraq thì Jordan dễ chịu hơn rất nhiều về mặt tổ chức hay những ngôi sao trong đội hình. Jordan không thể chơi “cù nhầy” giống như từng đấu với Australia và chờ đợi từ những tình huống bóng chết.
Sơ đồ 3-4-3 hay biến thể 5-3-2 của ĐT Việt Nam sẽ phát huy được sự hiệu quả. Điều quan trọng là các học trò của ông Park cần sự bình tĩnh và quyết đoán trong những tình huống bọc lót, băng cắt. Chúng ta có thể chờ đợi những đòn phản công chớp nhoáng từ “cây đinh ba” Quang Hải - Văn Đức - Công Phượng. Dĩ nhiên, Jordan có thể bị trừng phạt và họ cũng sẽ phải “chết” vì những tình huống cố định nếu hàng thủ gặp sai số.
Tóm lại, Việt Nam nằm “chiếu dưới” so với Jordan nhưng trong một cuộc chiến sinh tử thì khoảng cách ấy có thể xóa nhòa. Các học trò của HLV Park Hang Seo đã sẵn sàng xung trận và chúng ta có quyền tin ở hoa hồng.
Theo Bongdaplus