Hỏi: Cháu 16 tuổi, mẹ mất sớm, sống với bố và mẹ kế. Ông bà ngoại muốn mở cho cháu một sổ tiết kiệm với điều kiện không ai khác được sử dụng số tiền đó. Cháu có thể đứng tên sổ tiết kiệm không?
Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng
MAI HỒNG (Nam Sách)
Trả lời: Theo khoản 4 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, hoặc không mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, đã đủ điều kiện để mở sổ tiết kiệm, không cần thông qua người đại diện theo pháp luật.
Thứ ba, khoản 1 Điều 76 Luật Hôn nhân gia đình quy định: con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý. Khoản 2 Điều 77 quy định con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Từ những căn cứ pháp lý trên, có thể kết luận rằng bạn hoàn toàn có khả năng nhận số tiền mà ông bà ngoại tặng cho, tự mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng và có toàn quyền quản lý, định đoạt đối với tài sản riêng nêu trên mà không phải thông qua người đại diện theo pháp luật.