Áp lực học hành, thi cử, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm học khiến không ít học sinh rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần, nhẹ là stress, nặng dần là rối loạn hành vi, trầm cảm, thậm chí tự gây tổn hại bản thân.
Vài tháng trước, một nữ sinh 16 tuổi được mẹ dẫn đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) trong tình trạng rối loạn hành vi do stress quá nặng. Là người trực tiếp điều trị ca bệnh này, ThS.BS Trần Quang Huy, Khoa Tâm lý cho biết, em vốn là học sinh giỏi của một trường chuyên trong thành phố.
Tuy nhiên, kết quả của năm học em bị tụt hạng, không nằm trong top đầu, từ đó em bị áp lực học hành một cách quá độ. Ban đầu em chỉ bứt 1-2 sợi tóc khi học bài, cảm thấy dễ chịu hơn nên em liên tục bứt tóc mỗi khi căng thẳng.
Sau 3 tháng, mái tóc dài của em đã gần như trụi lủi, em phải đội tóc giả. Tâm lý tự ti, xấu hổ với bạn khiến em càng rơi vào stress nặng hơn, dẫn đến rối loạn tâm thần.
Ca bệnh này bác sĩ vừa phải cho uống thuốc để giảm stress, kiểm soát được hành vi, vừa kết hợp tâm lý trị liệu, tình trạng căng thẳng, rối loạn của em mới dần ổn định.
Cách đây khoảng 2 tuần, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận một thiếu niên 15 tuổi đã uống 40 viên thuốc ngủ tự tử. Sau khi cấp cứu qua được cơn nguy kịch, được các bác sĩ tâm lý điều trị, thiếu niên này mới tiết lộ lý do tự tử chỉ vì học hành căng thẳng quá, cậu chơi game để giải toả thì bị ba nhìn thấy. Ông đã đập tan chiếc điện thoại của cậu ngay tại chỗ. Áp lực không được giải toả khiến cậu bé tìm đến phương án cực đoan.
Em L.A.Đ. (13 tuổi, ngụ tại Gò Vấp) học giỏi, ngoan ngoãn nhưng trong đầu luôn có ý định tự tử hoặc trốn đi đâu đó thật xa, không phải đối diện với ba mẹ. Đây là ca bệnh mà ThS Tâm lý Mai Thị Nguyệt, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 1 năm trước.
D. cho biết cả ngày của cậu chỉ xoay quanh chuyện học, học ở trường, học ở nhà, học thêm trung tâm ngoại ngữ, học nhạc… đến mức không còn thời gian vui chơi cùng bạn bè. Mặc dù cậu bé luôn cố gắng hết sức nhưng ba mẹ luôn chỉ trích, so sánh cậu với người này người khác.
“Con lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị điểm thấp, không đạt danh hiệu này nọ sẽ xấu hổ và làm cha mẹ thất vọng… Con cảm thấy mình thật tồi tệ, chẳng làm được gì cả, chỉ là kẻ vô tích sự và chỉ muốn chết cho xong”, cậu bé chia sẻ.
Bệnh nhân tâm thần là trẻ vị thành niên tăng đột biến
Tại Khoa Tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh, mỗi tháng có vài chục trường hợp rối loạn lo âu, trầm cảm ở độ tuổi vị thành niên, không ít em tìm đến giải pháp tự làm hại bản thân.
BSCK1 Trần Thị Thu Phương chia sẻ câu chuyện của một nữ sinh 14 tuổi được mẹ đưa đến khám. Cô bé luôn trầm uất, không muốn tiếp xúc, cổ tay có rất nhiều vết rạch sâu.
Bằng các biện pháp tâm lý, bác sĩ tìm hiểu được nguyên nhân là cô bé bị chính cha ruột bạo hành cả về thể xác và tinh thần. Mức độ bạo hành gần như liên tục khiến em rơi vào tình trạng trầm uất nặng nề, tự rạch cổ tay để giải thoát. Bác sĩ phải sử dụng thuốc kết hợp tâm lý trị liệu cho trường hợp này.
Việc tự làm đau chính mình để giải toả ức chế xảy ra khá nhiều ở lứa tuổi vị thành niên. Cách đây 2 năm, ThS.BS Trần Quang Huy, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận một ca nữ sinh 15 tuổi bị trầm cảm nặng. Do bị gia đình ngăn cấm yêu đương, nữ sinh này đã rơi vào tình trạng u uất kéo dài.
Không chia sẻ được với ai, cô gái dùng dao rạch tay. Tình trạng này kéo dài cả năm gia đình mới biết, khi đó cả 2 cánh tay của cô đã chi chít vết rạch nông sâu không thể đếm được. Nữ sinh này phải nghỉ học 1 năm để đi điều trị tâm lý.
Vẫn theo bác sĩ Huy, gần đây, số trẻ trong độ tuổi học sinh (từ 10-16 tuổi) đến khám do rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi tăng nhanh, mỗi tháng có từ 30-50 ca đến khám, tăng 300% so với năm 2023.
Sợ hãi quá mức, buồn rầu hoặc trạng thái lo lắng, bực bội… là biểu hiện phổ biến nhất ở lứa tuổi trẻ. Từ rối loạn lo âu, stress, mau quên, thất vọng bản thân… dễ dẫn các em đến rối loạn hành vi, trầm cảm, thậm chí tự tổn hại bản thân.
"Nếu stress ở mức độ vừa phải sẽ huy động nguồn lực giúp thanh thiếu niên vượt qua và thành công hơn, tuy nhiên nếu căng thẳng thường xuyên và với cường độ cao sẽ khiến các em khó có thể vượt qua và phá vỡ ứng xử… gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát có thể gây nguy hiểm cho người khác hoặc bản thân" - ThS Mai Thị Nguyệt nhận định.
TB (theo Vietnamnet)