Khoa học - Công nghệ

13.900 vụ tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam

Theo Tuổi trẻ 12/12/2023 18:15

Các mục tiêu chịu nhiều cuộc tấn công mạng nhất là các cơ quan chính phủ, hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, hệ thống công nghiệp và các hệ thống trọng yếu khác.

Nhiều website cơ quan chính phủ, giáo dục bị tấn công mạng, chèn quảng cáo cờ bạc - Ảnh: NCS

Nhiều website cơ quan chính phủ, giáo dục bị chèn quảng cáo cờ bạc

Theo báo cáo tổng kết an ninh mạng Việt Nam năm 2023 do Công ty an ninh mạng NCS công bố ngày 12/12, 13.900 vụ tấn công mạng vào các tổ chức tại Việt Nam, trung bình mỗi tháng xảy ra 1.160 vụ, tăng 9,5% so với năm 2022.

Đặc biệt, trong 3 tháng cuối năm 2023 số vụ tấn công mạng tăng mạnh, lên tới 1.614 vụ trong một tháng, gấp rưỡi so với trung bình.

Nguyên nhân vì thời điểm cuối năm, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có nhiều dự án công nghệ thông tin cần hoàn thành, nhân sự thường phải hoạt động trên 100% năng suất nên khả năng xảy ra nhiều sai sót. Đây là cơ hội để hacker có thể tấn công, phá hoại.

Theo các chuyên gia NCS, top 3 điểm yếu bị tấn công nhiều nhất tại Việt Nam năm 2023 lần lượt là con người, lỗ hổng nền tảng và lỗ hổng website.

Trong đó, tỉ lệ cao nhất là điểm yếu con người, chiếm 32,6% tổng số vụ việc. Theo đó, hacker sử dụng email giả mạo (phishing) có file đính kèm mã độc dưới dạng file văn bản hoặc nội dung có đường link đăng nhập giả mạo để chiếm tài khoản, kiểm soát máy tính người dùng từ xa.

Điểm yếu có tỉ lệ cao thứ hai là lỗ hổng của các nền tảng, dịch vụ phần mềm cài đặt trên máy chủ chiếm 27,4%. Các phần mềm bị khai thác là phần mềm Mail Server (máy chủ dịch vụ email), nền tảng quản lý nội dung, nền tảng chia sẻ dữ liệu…

Điểm yếu thứ ba là các lỗ hổng của website do tổ chức tự phát triển chiếm 25,3% số vụ việc. Các lỗ hổng thường bị khai thác là lỗ hổng SQL Injection (một kỹ thuật tấn công lợi dụng lỗ hổng dữ liệu), mật khẩu quản trị yếu hoặc sử dụng thư viện có lỗ hổng.

Không chỉ thu thập, sửa đổi, đánh cắp dữ liệu, hacker còn công khai chèn các đường dẫn ẩn (backlink) quảng cáo nội dung vi phạm pháp luật như cờ bạc, cá độ lên các website chính thống.

Theo thống kê của NCS, có tới 342 trang web giáo dục có tên miền .edu.vn và 212 trang web của cơ quan chính phủ có tên miền .gov.vn đã bị tấn công theo kiểu này. Đặc biệt có nhiều website bị tấn công lại nhiều lần mà không có cách khắc phục triệt để.

Cần làm gì để phòng tránh tấn công mạng?

Theo khuyến cáo của NCS, các cơ quan, tổ chức cần rà soát lại kiến trúc an ninh mạng tổng thể, định kỳ kiểm tra, đánh giá (pentest) các dịch vụ, thiết bị đang sử dụng.

Triển khai các hệ thống giám sát an ninh mạng 24/7, trong đó yêu cầu thu thập đầy đủ nhật ký hoạt động (log) của toàn hệ thống, đảm bảo lưu trữ trong ít nhất 6 tháng, đồng thời cử người chuyên trách hoặc thuê ngoài dịch vụ giám sát an ninh mạng.

Theo Tuổi trẻ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    13.900 vụ tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam