Những thói quen xấu đẩy trẻ khỏi con đường đúng đắn, những thói quen tốt có thể nâng đỡ trẻ tiến lên trên đường đời.
Nhà tâm lý học người Mỹ William James đã nói: "Gieo một hành động gặt một thói quen; gieo một thói quen gặt một tính cách; gieo một tính cách gặt một số phận."
Sức mạnh của thói quen mạnh đến mức có thể đưa một người lên thiên đường hoặc kéo họ xuống địa ngục. Tính khí ban đầu của con người là giống nhau, nhưng trong quá trình trưởng thành, thói quen sẽ khác nhau do ảnh hưởng của môi trường sống.
Vì vậy, chỉ có những thói quen tốt được vun đắp từ nhỏ mới có thể mang lại lợi ích cho trẻ suốt đời.
1. Không bỏ bữa sáng
Người ta hay bảo: "Hãy ăn sáng như một vị vua, ăn trưa như một hoàng tử và ăn tối như một kẻ ăn mày". Ý muốn nói rằng bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Bởi nó không chỉ giúp trẻ bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng, mà còn dạy trẻ có thói quen không bỏ bữa sáng.
Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng thật ra lại khá quan trọng. Vì việc ăn sáng dạy cho con biết giá trị của việc tự kỷ luật, biết lắng nghe và tuân theo cơ thể của mình. Ăn sáng đầy đủ còn giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính. Một bữa sáng cân bằng và bổ dưỡng sẽ mở đầu cho một lối sống lành mạnh.
2. Đọc sách mỗi ngày
Phát triển các kỹ năng đọc là một yếu tố vô cùng quan trọng và cần thiết. Điều này giúp cho con bạn dễ dàng đạt được những thành công trong tương lai.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc đọc sách vừa giúp khơi gợi sự tò mò, vừa giúp trẻ xây dựng thói quen tư duy, tưởng tượng. Đây là nền tảng cho việc học chủ động và khả năng sáng tạo trong tương lai.
3. Tự giải quyết vấn đề và suy nghĩ độc lập
Khuyến khích trẻ tập thói quen suy nghĩ về mọi việc và hình thành ý kiến cũng như cách giải quyết riêng vì điều này sẽ khiến trẻ trở nên độc lập. Sự thành công của trẻ phụ thuộc vào việc chúng tự suy nghĩ tốt như thế nào và tự đưa ra các giải pháp từ suy nghĩ độc lập của mình theo cách nào.
Nếu trẻ gặp bất kỳ vấn đề nào ở trường hoặc bạn bè, hãy hướng dẫn trẻ xác định vấn đề và giải quyết bằng các giải pháp tích cực. Điều này sẽ giúp trẻ học được kỹ năng giải quyết vấn đề và tự tin trong việc tìm ra giải pháp cho những vấn đề khó hơn.
4. Thói quen lựa chọn thực phẩm lành mạnh
Tất nhiên là bé không thể làm được việc này mà cần sự giúp đỡ từ cha mẹ. Bạn nên hướng dẫn bé lựa chọn thực phẩm và hỏi ý kiến bé về khẩu vị trong các bữa ăn.
Lý do: Nhiều bé có xu hướng bắt chước cha mẹ. Vì thế, nếu cha mẹ yêu thích rau xanh và hoa quả, thịt nạc... thì cũng sẽ tạo thói quen lành mạnh trong ăn uống cho con ngay từ nhỏ.
5. Tạo thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ
Không nên cho con ngủ thoải mái lúc nào muốn thì dậy vì nó sẽ ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học cơ thể, đi ngủ và thức dậy đúng giờ sẽ giúp cho những hoạt động cơ thể của con đi vào ổn định, "có giờ giấc" và góp phần nâng cao sức khỏe của con ngay từ nhỏ. Vì thế hãy tạo cho con thói quen ngủ đúng giờ giấc, tới giờ thì phải đi ngủ, và gọi trẻ dậy vào giờ nhất định mỗi ngày.
6. Tập luyện thể thao
Không phải đứa trẻ nào cũng yêu thích thể thao. Việc của bạn là hãy khuyến khích và chủ động tập luyện cùng con.
Nếu con bạn vẫn chưa tìm thấy môn thể thao thích hợp của mình, hãy động viên con tiếp tục thử sức với những bộ môn mới. Cho chúng tham gia các hoạt động thể chất thú vị như bơi lội, cầu lông hay đá bóng. Chắc chắn chúng sẽ tìm thấy sự hứng thú cho mình.
7. Không trì hoãn
Nhiều người trưởng thành mắc chứng trì hoãn, làm việc gì cũng vội vàng vào phút chót, đó chính là thói quen "nước đến chân mới nhảy".
Cha mẹ nên rèn luyện cho trẻ thói quen không trì hoãn mọi việc, để trẻ có nhiều thời gian đối phó với những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra, như vậy sẽ học được cách bình tĩnh giải quyết vấn đề. Ví dụ, hãy chắc chắn để trẻ hoàn thành bài tập về nhà trước khi đi chơi, hoặc làm việc nhà trước khi được phép đọc truyện...
8. Luôn lạc quan
Trẻ con thường rất dễ nản lòng khi mọi thứ không theo ý mình. Hãy giúp cho con học cách mạnh mẽ đối mặt với những thất bại từ đó cho con thấy được tầm quan trọng của việc sống tích cực.
Giúp con bạn phát triển lối sống lành mạnh và một tư duy tích cực bằng cách dạy chúng hãy luôn yêu bản thân, ngừng so sánh mình với người khác.
9. Tham gia làm việc nhà và trau dồi tinh thần trách nhiệm
Đừng cho rằng trẻ vẫn còn nhỏ và không thể làm bất cứ điều gì. Hãy để trẻ làm một số việc nhà trong khả năng, chủ yếu rèn luyện ý thức trách nhiệm với gia đình. Hãy để trẻ hiểu rằng chúng cũng là một thành viên và có nghĩa vụ chia sẻ những công việc trong gia đình.
Việc nhà là yếu tố dự đoán tốt nhất về việc trẻ có nhiều khả năng trở thành những người trưởng thành vui vẻ, khỏe mạnh và độc lập. Hỗ trợ và giúp đỡ bố mẹ là điều tốt và nó khuyến khích trẻ trở thành những công dân tốt.
10. Thói quen lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ người khác
Cha mẹ trước hết phải kiên nhẫn lắng nghe con cái. Lắng nghe trẻ nói là biểu hiện của sự tôn trọng lớn nhất mà cha mẹ dành cho con mình.
Khi cha mẹ lắng nghe trẻ, cũng nên nói với con cần lắng nghe và hiểu người khác một cách kiên nhẫn như cách họ đang làm. Hãy để trẻ học cách tôn trọng ý kiến và biết giúp đỡ người khác. Những đứa trẻ biết cách lắng nghe và giúp đỡ mọi người sẽ có nhiều mối quan hệ tốt hơn khi lớn lên.
Theo Gia đình