Trong xã hội hiện đại ngày nay, sếp dường như giống đồng nghiệp, bạn bè hơn là những nhân vật quyền lực.
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa bạn có thể "vô tư" phát biểu trước mặt họ, nhất là trong công việc.
Asiaone đã làm một khảo sát, đề nghị một số vị sếp chia sẻ những câu nói họ đánh giá là những lời tệ nhất mà một nhân viên nói ra, có thể gây tổn hại cho sự nghiệp và khiến người đó gặp khó khăn. 10 câu nói đó là:
1. Tôi được lợi gì từ việc này?
Theresa, người quản lý bộ phận PR của một cửa hàng nói rằng việc đặt ra câu hỏi khi được giao một nhiệm vụ nào đó hoàn toàn được khuyến khích, tuy nhiên, có những câu hỏi không hay chút nào. Theo Theresa, câu hỏi "Tôi được lợi gì từ việc này?" chẳng khác gì hỏi "Tôi nhận được gì từ công việc đó?".
Theo Theresa: "Điều đó giống như bạn nói rằng mình sẽ chỉ làm công việc đó nếu nó mang lại lợi ích cho bản thân. Đối với tôi, câu nói đó cho thấy nhân viên không có tinh thần hợp tác".
Nếu bạn được yêu cầu giúp đỡ một nhóm hoặc đảm nhận một trách nhiệm mới, nghĩa là cấp trên cảm thấy bạn có khả năng, đáng tin cậy. Như thế bạn chỉ cần thực hiện công việc đó và xem nó như một cơ hội để học hỏi, phát triển, thay vì hỏi ngược lại xem bạn sẽ được lợi gì.
Ảnh: Unsplash |
2. Anh chị sai rồi
"Đây thực sự là một sự thiếu tôn trọng" - Theresa nói: "Sếp là cấp trên của bạn, luôn có lý do cho điều đó. Người đó hẳn có năng lực, nhiều kỹ năng hơn bạn và có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong công việc hơn bạn. Vì vậy, khi sếp đề cập đến một vấn đề, hãy tin rằng họ biết rõ điều mình đang nói.
Bạn có thể yêu cầu cấp trên giải thích rõ ý hơn, bạn có thể bất đồng với họ, nhưng không bao giờ nên vượt qua ranh giới khi bắt đầu đặt ra câu hỏi với cấp trên. Nếu bạn có một giải pháp tốt hơn muốn đưa ra, bạn có thể nói theo cách như: Tôi muốn đưa ra một giải pháp thay thế, anh chị có thể vui lòng nghe tôi chia sẻ được không? Đó là một thái độ quyết đoán nhưng vẫn thể hiện sự tôn trọng, lịch sự".
3. Khi còn ở chỗ cũ, tôi toàn làm theo cách đó
Không có gì sai với việc giới thiệu những cách thức làm việc mới, tuy nhiên, sếp sẽ chẳng vui chút nào nếu bạn khăng khăng vận hành mọi thứ khác hoàn toàn so với những gì được chỉ dẫn.
Fiona, một giám sát viên nhóm thuộc một công ty xuất bản chia sẻ: "Mỗi công ty đều có một quy trình riêng để hoàn thành công việc. Bạn là một phần của công ty, vì thế bạn nên tin tưởng rằng các quy trình mà họ thực hiện ở đó hoàn toàn thích hợp với họ. Đừng đưa công việc cũ của bạn vào nơi làm việc mới. Nếu công ty trước của bạn quả thực có một giải pháp tốt hơn để làm một việc gì đó, bạn nên hỏi ý kiến cấp trên xem họ có chấp thuận việc bạn sử dụng giải pháp ấy cho công việc hiện tại hay không, thay vì cố gắng kiểm soát, thay đổi mọi thứ theo ý mình".
4. Tôi chán lắm rồi
Ngay cả khi bạn cảm thấy một ngày làm việc trôi qua thật ì ạch, đừng quên rằng bạn hoàn toàn có thể tìm những việc khác để làm, ví dụ như dọn dẹp email, sắp xếp bàn làm việc, giúp đồng nghiệp, hoặc lập kế hoạch cho ngày hôm sau. Đừng nói với sếp rằng bạn chán.
Theo Fiona: "Lời nói này của bạn cho sếp thấy rằng bạn thiếu nhiệt tình với công việc. Bạn phải luôn chủ động với nhiệm vụ được giao và tìm cách để làm việc hiệu quả. Sự thụ động chờ đợi cấp trên giao việc hoàn toàn không phải là thông điệp thích hợp để gửi cho sếp".
5. Tôi sẽ làm việc đó, nhưng không phải là ưu tiên lúc này
Nếu sếp giao cho bạn một nhiệm vụ nào đó, bạn nên hoàn thành nó càng sớm càng tốt, trừ phi họ nói rằng không phải gấp gáp. Joanne, giám đốc điều hành của một công ty tư vấn nghề nghiệp chia sẻ: "Đó là một trong những câu mà tôi rất ghét nghe. Điều đó cho thấy bạn không biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những công việc của mình".
Mọi công việc mà bạn làm đều quan trọng, tuy nhiên một số nhiệm vụ có thể không cấp bách như những nhiệm vụ khác. Nếu sếp đưa ra một nhiệm vụ có thời hạn cụ thể, nên cố gắng để đáp ứng. Ngược lại, nếu đó là một nhiệm vụ không có thời hạn cụ thể, nên hỏi lại. Quan trọng là đừng nói với cấp trên rằng bạn để một việc gì đó lại mà không hoàn thành, chỉ bởi vì nó không quan trọng với bạn.
6. Tôi về sớm được chứ? Hôm nay tôi không có nhiều việc phải làm
Fiona nói rằng câu nói này tệ không thua gì nói với sếp rằng bạn đang chán vì công việc. Theo Fiona thì: "Bạn được trả tiền để làm việc một số giờ nhất định mỗi ngày, vậy thì đâu là lý do khiến cho bạn nghĩ rằng bạn có thể rời khỏi văn phòng trước mọi người? Ngay cả khi bạn có một buổi chiều uể oải, nên tìm thứ gì đó để làm cho đến khi hết giờ. Rõ ràng, bạn không được trả lương chỉ để giết thời gian".
7. Tôi sẽ nói chuyện với cấp trên của anh chị
"Cho dù bạn có không hài lòng thế nào đi chăng nữa với cấp trên thì cũng đừng bao giờ nói ra những câu như vậy? Tại sao ư? Bởi vì điều này giống như một sự đe dọa. Bạn có thể nói điều này ở các nhà hàng, khi không hài lòng với đồ ăn hay cách phục vụ, bởi vì bạn là khách hàng và bạn trả tiền để được phục vụ. Nhưng ở nơi làm việc, đây là một câu chuyện khác", Theresa chia sẻ.
Nếu bạn cảm thấy không hợp tác được với sếp của mình, tốt nhất là tìm một công việc khác, đề nghị xin thuyên chuyển, hoặc trao đổi thẳng thắn với cấp trên. Nhưng đừng nên làm suy giảm thẩm quyền của họ bằng cách đe dọa sẽ phàn nàn về họ với cấp cao hơn.
8. Tôi không phải được tuyển dụng để làm việc đó
"Đôi khi, bạn có thể sẽ được yêu cầu làm một số công việc không thuộc phạm vi nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, hãy cứ làm. Điều này cho thấy sự sẵn lòng thử sức với những điều mới mẻ của bạn, đồng thời gửi đến sếp thông điệp rằng bạn đa năng, đáng tin cậy, sẵn sàng hợp tác", Joanne nói.
Việc bạn từ chối thực hiện, sau đó biện minh cho câu trả lời của mình dựa trên việc bạn không được tuyển để làm việc đó, thực sự là một sai lầm. Được yêu cầu đảm nhận nhiệm vụ mới là một đặc quyền, bởi vì hẳn nhiên ông chủ sẽ không bảo bạn làm việc gì đó trừ phi tin rằng bạn có thể làm được. Vậy thì nên coi đây là một cơ hội để học hỏi điều mới mẻ và bổ sung kỹ năng của bạn.
9. Tôi phát điên với công việc này, công ty này
"Tất cả mọi người đều sẽ thất vọng khi công việc trở nên tệ hại. Chẳng có gì sai khi tâm sự với đồng nghiệp để trút nỗi tức giận của mình, nhưng mọi thứ chỉ nên dừng lại ở đó mà thôi", theo Lisa, người quản lý một bộ phận tại một công ty kế hoạch truyền thông hàng đầu chia sẻ.
Nếu bạn không hài lòng về điều gì đó, nên tìm hiểu xem gốc rễ vấn đề đó là gì và tìm cách khắc phục tốt nhất có thể. Đừng nổi giận và hành động như thể sếp hay công ty nợ bạn điều gì. Dù tức giận thế nào đi nữa, đừng để những cảm xúc của mình vượt quá giới hạn. Nếu bạn cần sự giúp đỡ để kiểm soát cảm xúc, hãy làm điều đó.
10. Tôi thực sự phải làm việc với người đó ư?
"Tuyên bố này thực sự thiếu tính chuyên nghiệp", Lisa nói. Cô nhấn mạnh: "Bạn không thể nào thân thiện, hòa đồng với tất vả các đồng nghiệp mọi lúc, mọi nơi, tuy nhiên câu cuối cùng mà sếp muốn nghe chính là việc không thể nào thực hiện nhiệm vụ chỉ bởi hai người trong nhóm không chịu được nhau.
Sự thật là, đối với nhiều sếp, một tuyên bố như vậy nghe vô cùng trẻ con. Rõ ràng là bạn không phải trẻ mẫu giáo. Nếu bạn làm việc nhóm với người mà bạn không thích, quan trọng là làm sao để nhiệm vụ hoàn thành, vậy thôi.
Theo VnExpress