Bờ sông Luộc sạt lở, dân lo

28/05/2019 18:07

Nhiều đoạn bờ sông Luộc qua huyện Tứ Kỳ đang bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn của hệ thống đê điều.

Đoạn bờ sông cuối bối Bình Cách ở xã Hà Thanh đang bị sạt lở nghiêm trọng

Tuyến đê tả sông Luộc qua huyện Tứ Kỳ dài hơn 10,4 km, thuộc 3 xã Hà Thanh, Hà Kỳ và Nguyên Giáp. Hiện có 10 đoạn bờ sông sạt lở gần đê, gần bối và mới có 3 đoạn đang được làm kè gồm các kè Hữu Chung, Hà Hải và An Thổ.

Riêng xã Hà Thanh có 2 đoạn bờ sông đang sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, đoạn bờ sông cuối bối Bình Cách có chiều dài cung sạt 250 m, điểm sạt gần nhất cách chân đê bối 3,5 m. Đoạn bờ sông gần đường liên thôn Bình Cách - Hữu Chung bị sạt 250m, điểm sạt gần nhất chỉ cách đường liên thôn 3 m. 

Theo ông Phạm Xuân Ngải, Chủ tịch UBND xã Hà Thanh, xã đã cử cán bộ phụ trách chuyên môn nắm tình hình và báo cáo về huyện. Tại 2 đoạn bờ sông này đã bị sạt lở nhiều năm trước và hiện tiếp tục có nguy cơ sạt lấn sâu, gây mất an toàn cho khu dân cư phía ngoài. Nguyên nhân do nền địa chất yếu kết hợp với áp lực dòng chảy ép sát bờ và sự thay đổi của mực nước sông. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác cát trái phép cũng khiến các đoạn bờ sông liên tiếp sạt lở. "Xã chỉ biết trông chờ vào kinh phí của tỉnh, trung ương vì địa phương không đủ thẩm quyền và nguồn ngân sách để khắc phục được những điểm sạt lở này", ông Ngải nói. 

Trước thực trạng trên, người dân xã Hà Thanh bày tỏ sự lo lắng. Anh Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Hữu Chung cho biết: "Đường liên thôn Hữu Chung - Bình Cách không chỉ là đường cứu hộ mà còn là con đường duy nhất để người dân thôn Hữu Chung di chuyển tới các thôn khác. Mùa mưa bão hằng năm, tại khu vực này thường xảy ra ngập lụt khiến chúng tôi đi lại, sinh hoạt khó khăn. Dù đã có phương án di dân sang thôn khác song vẫn còn hơn 100 hộ đang sinh sống trong thôn Hữu Chung. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm có giải pháp khắc phục để người dân bớt lo lắng".

Xã Nguyên Giáp cũng có 3 đoạn bờ sông Luộc đang sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, tại thượng lưu cống Quý Cao - bờ sông trực tiếp là chân đê đang lở, lấn vào thân đê và đoạn bờ sông trước khu vực UBND xã Nguyên Giáp. Ngoài ra, còn đoạn bờ sông ngoài đê bối An Thổ cũng đang sạt lở mạnh, điểm sạt gần nhất cách chân đê bối 6 m và có xu hướng sạt lở cả về phía thượng, hạ lưu.

Các đoạn bờ sông Luộc sạt lở còn lại chủ yếu gần đê, gần bối và hiện vẫn chưa được khắc phục. Trong khi đó, hầu hết các bối đều do nhân dân tự đào đắp từ lâu, ít được tu bổ, thân bối mảnh, mặt bối nhỏ nên khả năng chống lũ rất thấp. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chiều dài của các đoạn bờ sông bị sạt lở tương đối lớn trong khi  chi phí đầu tư để khắc phục vẫn còn hạn chế. Trước mắt, huyện đã xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để kịp thời ứng phó với sự cố trong mùa mưa bão năm nay. Phương án lâu dài, huyện đã đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư tu bổ hệ thống đê sông Luộc, nhất là những đoạn sạt lở. Hiện trên đê tả sông Luộc đã có 7 điếm canh, một số chân đê phía sông có hàng tre chắn sóng. Tất cả các vị trí sạt lở nghiêm trọng trong huyện đều được Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện lập phương án bảo vệ trọng điểm và tiếp tục kiểm tra theo dõi, chuẩn bị phương án xử lý sự cố theo phương châm "4 tại chỗ". 

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Bờ sông Luộc sạt lở, dân lo