Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

26/07/2021 07:00

Những năm qua, ngành kiểm sát nhân dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.


Đồng chí Phạm Văn Quang, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trao giấy khen cho các đồng chí có thành tích xuất sắc trong học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị. Ảnh chụp tháng 6.2019

Những năm qua, ngành kiểm sát nhân dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ có đủ phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn, bảo đảm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Bồi dưỡng tại chỗ

Trong giai đoạn 2016-2020, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức của ngành luôn được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá hằng năm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức linh hoạt theo kế hoạch và tự đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ.

Để bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện chức danh theo vị trí việc làm, chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, việc chọn cử công chức tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, cao cấp, trung cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp... luôn được quan tâm. Cơ bản đến nay, đội ngũ công chức của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo chức danh vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo, quản lý.

Cùng với hình thức đào tạo, bồi dưỡng trên, một trong những biện pháp mang lại hiệu quả nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức là đào tạo tại chỗ thông qua việc phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ mở tại địa phương và nhiều biện pháp khác. Trong đó, tập trung vào tổ chức các cuộc thi về nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ đối với đội ngũ kiểm sát viên, kiểm tra viên như thi viết tìm hiểu các bộ luật: Tố tụng hình sự, Hình sự, Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; thi viết xây dựng bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên giải quyết vụ, việc dân sự, vụ án hành chính...

Từ năm 2016 đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp phối hợp với Tòa án Nhân dân hai cấp tổ chức 1.427 phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính để rút kinh nghiệm về kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa.

Cán bộ, công chức trong ngành thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Cùng với đó, ngành thực hiện tốt các phong trào thi đua xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên như: "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm", "Cán bộ, công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hóa công sở".

Toàn ngành hiện nay có 173 công chức nghiệp vụ kiểm sát, trong đó về trình độ chuyên môn có 1 tiến sĩ, 33 thạc sĩ, 139 cử nhân. 100% kiểm sát viên, kiểm tra viên được đào tạo nghiệp vụ kiểm sát. Về trình độ lý luận chính trị có 37 người có trình độ cao cấp, 99 người có trình độ trung cấp...

Không để oan sai, bỏ lọt tội phạm

Từ những biện pháp, giải pháp nêu trên, đội ngũ công chức ngành kiểm sát nhân dân tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hằng năm, ngành đã giải quyết hàng nghìn vụ án hình sự, kiểm sát giải quyết hàng nghìn vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, việc thi hành án hình sự, dân sự… không để xảy ra oan sai, không có trường hợp phải đình chỉ điều tra do không phạm tội hoặc trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân các cấp truy tố, tòa án tuyên phạt không phạm tội, các kháng nghị, kiến nghị được chấp nhận và tiếp thu đạt tỷ lệ cao.

Những năm qua, ngành luôn hoàn thành và thực hiện vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ  Quốc hội giao như giải quyết tin báo trung bình đạt 98% (vượt 8%), giải quyết án giai đoạn truy tố trung bình đạt 99,3% (vượt 4,3%), án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng chiếm tỷ lệ thấp, dưới 2% (chỉ tiêu của ngành giao là dưới 5%)…

Với những thành tích đạt được 5 năm qua, ngành kiểm sát nhân dân tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các cấp, ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Tiêu biểu như năm 2020 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì và nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tặng bằng khen, cờ thi đua.

Thời gian tới, để tiếp tục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế, nhất là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, các chỉ đạo của cấp trên, nhiệm vụ chính trị được giao, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong tỉnh.

PHẠM VĂN QUANG
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp