Tầm quan trọng của quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ

24/04/2019 10:03

Công tác cán bộ là nhân tố có ý nghĩa quyết định sự thắng lợi của cách mạng, nó gắn liền với vận mệnh của Đảng, của dân tộc và của chế độ...

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10.1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là cái gốc của Đảng". Trong công tác cán bộ, vấn đề quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Với nhận thức sâu sắc ấy, trong nhiều năm qua, các cấp ủy đảng đã quan tâm đến việc xây dựng quy hoạch cán bộ cho đơn vị mình nhằm tạo ra một nguồn dự trữ phong phú đội ngũ cán bộ kế cận đủ đức, đủ tài gánh vác những nhiệm vụ quan trọng, các vị trí then chốt ở vào những thời điểm cần thiết. Ở nhiều nơi, đội ngũ cán bộ kế cận bảo đảm chất lượng vì trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, các cấp ủy đã xem xét một cách thận trọng, nhìn trước, nhìn sau, đánh giá đúng chất lượng hiện tại và dự đoán tương lai với những tiêu chí cụ thể, tránh những sai sót không đáng có. Mặt khác, đối với những cán bộ thuộc diện quy hoạch, họ luôn luôn có thái độ cầu thị, khiêm tốn, chịu khó học hỏi, quyết tâm khắc phục những mặt yếu kém, kiên trì rèn luyện phấn đấu để ngày càng hoàn thiện về nhân cách, đạo đức, về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người cán bộ, tránh xa thái độ quan liêu, tự mãn, tự phụ… Với các cấp ủy, họ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, kịp thời bổ sung, uốn nắn, thẳng thắn góp ý chỉ ra những mặt còn hạn chế, khiếm khuyết của cán bộ được quy hoạch, trên cơ sở đó tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ... bảo đảm quy hoạch cán bộ theo đúng kế hoạch và đạt được các yêu cầu đề ra. Nhờ có tinh thần chủ động trong việc xây dựng quy hoạch cán bộ cho nên nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện có hiệu quả tính kế thừa và sử dụng cán bộ đúng độ tuổi cần thiết, phù hợp với yêu cầu công việc… phục vụ tốt nhiệm vụ trước mắt và lâu dài trong các tổ chức của mình.

Có điều là trong thời gian qua ở một số nơi còn xảy ra tình trạng quy hoạch chưa đi đôi với việc bổ nhiệm. Cán bộ chủ chốt đã đến lúc nghỉ hưu nhưng vẫn chưa có cán bộ lãnh đạo mới được bổ nhiệm mặc dù đã có quy hoạch từ lâu, khoảng cách thời gian đợi chờ lãnh đạo mới có khi vài tháng, thậm chí hằng năm. Câu hỏi đặt ra là vì sao vậy? Thông thường, khi người lãnh đạo cũ nhận quyết định nghỉ hưu thì ngay sau đó tổ chức sẽ có quyết định bổ nhiệm người lãnh đạo mới thay thế. Hai việc này cùng diễn ra trong một thời điểm đem lại nhiều lợi ích thiết thực như không tốn kém kinh phí tổ chức hội nghị, không làm mất thời gian của nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị, không gây phiền hà cho việc chia tay tặng quà, chúc mừng, không gây khó dễ cho việc bàn giao nhiệm vụ giữa cũ và mới… Việc không bổ nhiệm kịp thời vị trí những cán bộ chủ chốt đã nghỉ hưu còn có thể tạo kẽ hở cho tiêu cực, tạo "sân chơi" cho một số kẻ cơ hội...

Để khắc phục tình trạng trên, trước hết chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nhằm làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và tính phức tạp trong công tác cán bộ nói chung, việc bổ nhiệm cán bộ nói riêng. Chúng ta cần chủ động từ đầu trong công tác cán bộ và quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước khi cân nhắc một cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với bài nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem công việc của họ từ trước đến nay. Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cân nhắc cán bộ một cách đúng mực”. Mặt khác, cần tăng cường công tác giám sát, phản biện của quần chúng về công tác cán bộ, quan tâm đến dư luận xã hội, quyết tâm phòng tránh các hiện tượng tiêu cực, “tham nhũng vặt” xảy ra trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Có làm được như vậy chúng ta mới hy vọng thực hiện được một cách có hiệu quả và trong sáng quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Cán bộ là then chốt của mọi then chốt”.

PHẠM NGUYÊN THẢO(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tầm quan trọng của quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ