Máu xương các anh hòa vào đất Mẹ

14/02/2019 16:24

Vị Xuyên (Hà Giang) những ngày đầu năm 2019 lạnh buốt. Trên đỉnh Đài hương 468, nhìn về phía cao điểm 1509 mịt mù mây phủ.


Cờ Tổ quốc bay trên Đài hương 468, phía xa xa là cao điểm 1509

Những câu chuyện về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới chống quân xâm lược 40 năm trước cứ nối dài...

Từ Đồn biên phòng Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) chỉ cách chưa đến một cây số là Cửa khẩu Thanh Thủy nối sang bên kia biên giới. Cũng chỉ cách vài cây số để lên tới Đài hương 468, nơi tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ ngã xuống bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Ngồi sau xe cán bộ Đồn biên phòng Thanh Thủy, chúng tôi men theo con đường dẫn lên Đài hương 468.

Đường đang được đổ bê tông từ chân núi, men theo đường mòn, lên gần tới Đài hương. Được biết, những năm gần đây, các chuyến hành hương, về nguồn, tưởng nhớ đồng đội ngày càng nhiều, tuyến đường được làm mới để thuận tiện đi lại. Theo tiến độ, tuyến đường sẽ hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới chống quân xâm lược.

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên vừa tiếp nhận 10 liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc trở về sau 40 năm ngã xuống giữ gìn phên dậu tổ quốc. Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cũng vừa đi vào hoạt động với mong muốn đưa các anh về nằm cùng để như ngày xưa, họ chung lưng đấu cật bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Trời về chiều, Đài hương đứng sừng sững giữa núi non hùng vĩ. Lá cờ Tổ quốc bay phấp phới, cây hoa giấy rung rinh trong gió. Từ Đài hương 468 có thể quan sát được các cao điểm 1509, 772, 685...Dẫn chúng tôi đến dâng hương, sau đó đi một vòng, chỉ vào bức phù điêu “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”, ông Vàng Văn Xuyên, người trông coi Đài hương 468 kể, đó là câu nói nổi tiếng của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh. Anh Ninh từng là Trung đội trưởng, người Phú Thọ. Anh khắc vào báng súng “sống bám đá, chết hóa đá, hóa thành bất tử”. Trong khi chiến đấu, anh bị thương hai lần, cấp trên yêu cầu anh trở lại phía sau nhưng anh kiên quyết trụ lại. Đến lần thứ ba anh Ninh bị thương nặng nên đã hy sinh..

Chỉ xuống con đường ngoằn ngoèo dẫn lên Đài hương, ông Xuyên nói, bây giờ đường dễ đi nhiều rồi, nhưng nếu mưa thì vẫn khó. Ấy vậy mà ngày xưa, thế hệ các chú, các bác chiến đấu chống quân xâm lược phải vượt qua gian nan, vất vả bội phần. Họ vác đạn, vác bê tông đến 80 - 90 cân lên làm hầm hào, công sự dọc theo đường mòn nhỏ vốn chỉ là chỗ ngựa đi, ông Xuyên nói. Đến Đài hương, mọi người nhìn về các cao điểm, trong dạt dào cảm xúc tự hào về thế hệ cha anh không tiếc máu xương vì biên cương Tổ quốc…

Ông Xuyên là người thứ 3 trông coi Đài hương 468. Có lẽ cũng là cái duyên, bởi ông từng là cựu chiến binh chiến đấu trên mặt trận này, thuộc Trung đoàn 824. Trong suốt giai đoạn 1979 - 1984, ông có mặt ở hầu hết các điểm cao. Do đặc trưng là lính trinh sát đặc công, ông không tham gia trực diện chiến đấu, công việc chủ yếu là đi nắm tình hình địch. Những cứ điểm hiểm yếu, chỗ nào nóng bỏng nhất là ông có mặt.
Khi rời quân ngũ, ban đầu, ông chỉ nhận trông hộ Đài hương 1 - 2 tháng, nhưng rồi duyên nợ với đồng đội, ông tiếp tục công việc đến hôm nay. Nói về Đài hương, ông Xuyên kể, trước đây, cựu chiến binh lên thăm chiến trường đã dựng một cây hương phía dưới. Những dịp tháng hướng về ngày 27.7, nhiều đồng đội lên thăm chiến trường xưa đều hướng về phía các cao điểm đớn đau, thảng thốt gọi tên “Đồng đội ơi, chúng mình lên thăm đồng đội đây”.

Sau này, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt cựu chiến binh Sư đoàn 356, 361 và đồng ý chủ trương xây Đài tưởng niệm 468. Rồi chính các cựu chiến binh đứng lên kêu gọi xã hội hóa, quyên góp để hoàn thành Đài hương như hôm nay. “Bây giờ Đài hương trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh. Người dân khắp cả nước đều về đây để nhớ về những người ngã xuống vì từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Ngày xưa, quân đoàn 3 được lệnh di chuyển từ Tây Nam ra, nên liệt sĩ có nhiều người ở miền trong”, ông Xuyên nói.

Một chàng trai bỏ hơn chục năm sưu tầm những kỷ vật chiến tranh, mở quán cà phê, trưng bày giới thiệu với du khách đến với Hà Giang. Một chàng trai trẻ khác lập nghiệp từ những cây chè năm xưa cha ông sử dụng trong những tháng ngày chiến đấu chống lại ngoại bang xâm lăng biên giới. Những người trẻ đó họ đang góp phần giúp những thế hệ tiếp nối lưu giữ những câu chuyện về cuộc chiến chính nghĩa, thiêng liêng bảo vệ phên dậu Tổ quốc.

Ở Thanh Thủy, những địa danh như ngã ba cửa tử, đồi thịt băm... vẫn còn là ký ức bi hùng của quân và dân ta quật cường, dũng cảm bảo vệ từng tấc đất biên giới. Từ các điểm cao, quân thù băm nát, giày xéo đất thiêng không thương tiếc. Chúng dùng tất cả hỏa lực bắn phá không ngừng nghỉ, đến nỗi đá núi nóng quá thành vôi, cây cối bị san phẳng như bình địa. 

Ông Xuyên, người trông Đài hương, lâu nay trở thành “hướng dẫn viên” mỗi dịp có khách lên thăm viếng. Chỉ tay xuống khu vực hướng về phía UBND xã Thanh Thủy, ông Xuyên nhớ lại, 40 năm trước khu vực này bị băm nát, sang phẳng ngỡ như không còn sự sống. “Thấy đồng đội ngã xuống, lúc đó chỉ biết căm thù, bất chấp hy sinh gian khổ. Phên giậu của Tổ quốc là trên hết. Không kẻ thù, thế lực nào có thể động đến dẫu chỉ một tấc đất của cha ông. Biên cương, lãnh thổ mãi bất khả xâm phạm”, ông Xuyên nói.

Theo Tiền phong

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Máu xương các anh hòa vào đất Mẹ